Việt Nam – điểm đến “du lịch an toàn”

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng những thành tựu trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam được thế giới công nhận đã giúp ngành du lịch tự tin quảng bá về một điểm đến du lịch an toàn.

Du-lich-an-toan

Khẳng định Việt Nam “du lịch an toàn”

Đánh giá về tình hình du lịch Việt Nam trong dịch cúm Covid-19, ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Sau khi Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao việc khống chế dịch, Việt Nam tiếp tục nhận được bình luận tích cực từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Những điểm sáng này đã giúp ngành du lịch Việt Nam tự tin xây dựng kế hoạch truyền thông “Việt Nam – du lịch an toàn” nhằm tạo sự ổn định, sớm phục hồi cho ngành du lịch sau khi kết thúc dịch Covid-19.

Trước mắt, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông để gỉải tỏa tâm lý người dân, khách du lịch về việc không an toàn khi đi du lịch tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Song song đó, ngành du lịch nên khôi phục hoạt động du lịch bình thường tại các địa phương, điểm đến không có dịch Covid-19 và xây dựng bản đồ số cung cấp thông tin chính xác về các vùng du lịch, điểm đến an toàn cho du khách trên thiết bị cầm tay thông minh.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, đã chỉ đạo Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương để chuẩn bị điều kiện công bố hết dịch đối với các tỉnh đã đảm bảo đủ điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm dịch bệnh)…; tập trung quảng bá những vùng không có dịch bệnh như các tỉnh Tây Nguyên- Nam Trung Bộ, khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum… 

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn ngay từ các điều kiện tự nhiên. “Thời tiết ấm áp trên cả nước, đặc biệt khí hậu ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt, khách du lịch đến Việt Nam không chỉ để cảm nhận sự an toàn mà còn để khỏe mạnh hơn, có những trải nghiệm thú vị. Tôi xin nhấn mạnh với toàn xã hội, không chỉ du khách mà cả với các nhà đầu tư, Việt Nam là môi trường kinh doanh, môi trường sống an toàn, hấp dẫn, nhiều tiềm năng”.

Đáp lời Thủ tướng, lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các Sở Du lịch trong cả nước ngoài việc triển khai những biện pháp phòng chống dịch, hoàn toàn có thể tiến hành nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện tới du khách toàn thế giới; giải tỏa tâm lý sợ hãi, lo lắng trong họ. Chính vì thế, tiêu chí “du lịch an toàn” với dịch Covid-19 đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam chính thức ban hành đến các địa phương, doanh nghiệp du lịch. Theo đó, các điểm đến an toàn được xác định là những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch… đảm bảo tiêu chí không thuộc vùng có dịch Covid-19. Các lái xe, hướng dẫn viên, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển du khách… sẽ được cấp chứng nhận an toàn sau khi tham gia các lớp tập huấn do ngành y tế tổ chức.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc Sở Du lịch TP. HCM thì trong Ngày hội Du lịch TP. HCM sắp tới Sở Du lịch TP. HCM sẽ tập trung quảng bá du lịch an toàn. An toàn ở đây chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, độ tin cậy cao về tình hình dịch bệnh ở điểm đến để du khách có hiểu biết và cân nhắc lựa chọn. Ngược lại, du khách đi du lịch có trách nhiệm tìm hiểu kỹ nơi đến, quá trình đi tự ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng được an toàn.

Du-lich-an-toan

Đẩy mạnh kích cầu du lịch

Để khuyến khích du khách xách ba lô lên đường, không có việc làm nào cần thiết hơn là ngành du lịch phải chung tay thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương.  Cuối tháng 2-2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Liên minh kích cầu du lịch 2020 và chương trình xúc tiến du lịch Bình Định – Phú Yên – Gia Lai – Đắc Lắc nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hợp tác kích cầu du lịch sau dịch Covid-19.

Trước mắt, vào đầu tháng 3, liên minh sẽ tổ chức một số chương trình khảo sát tuyến Tây Nguyên – Nam Trung bộ và Tây Bắc dành cho các doanh nghiệp lữ hành và báo chí để trải nghiệm dịch vụ áp dụng theo tiêu chí an toàn, từ đó xây dựng các chương trình tour kích cầu giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc đã hết dịch tập trung khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có tính an toàn cao, đa dạng, hấp dẫn để kích thích nhu cầu du lịch nội địa của người dân trong nước. Chương trình kích cầu du lịch nội địa cũng khuyến khích các địa phương miễn, giảm giá vé tham quan đến các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa… nhằm thu hút khách du lịch. Riêng tại TP. HCM, đã có 50 doanh nghiệp lữ hành, hàng không, đường sắt, đường bộ…  đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch với mức giá giảm từ 25-50%.

Xác định đây là cơ hội để ngành du lịch “bứt phá”, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Sở Du lịch tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp để đưa “Quy Nhơn – Bình Định” trở thành điểm đến thu hút đồng thời thực hiện ký kết với các công ty hoạt động dịch vụ du lịch tại Bình Định giảm giá từ 10-40%…

Xuân Hòa

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx