Người Việt có rất nhiều phong tục đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền như mừng tuổi, đi chúc tết, gói bánh chưng, bánh giầy… vẫn được lưu giữ và ngày càng thịnh hành. Tuy nhiên, cũng có nhiều phong tục đang dần mai một hoặc thay đổi để phù hợp hơn với thời đại như đi sêu ngày tết.
Đi sêu ngày Tết – Mỹ tục nhân văn sâu sắc của người Việt
Tục sêu tết có nghĩa là mang lễ tết đến nhà bố mẹ vợ. Đây là một mỹ tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt. Tục sêu tết được hiểu theo nghĩa là một lễ tạ ơn của các chàng rể đối với bố mẹ vợ, của nhà trai đối với nhà gái vì đã sinh thành, nuôi dưỡng nàng dâu hiếu thảo cho nhà chồng.
Chẳng ai biết tục đi sêu có từ bao giờ và tại sao lại có, chỉ biết rằng cứ trước ngày mùng Một Tết, các chàng rể sẽ đến nhà bố mẹ vợ biếu qùa, lễ tổ tiên và phụ giúp công việc nhà. Trước kia, tục đi sêu hay tết bố mẹ vợ chỉ thực hiện đối với những gia đình có quyền thế, học thức và trọng lễ nghi. Bên cạnh đó, nhà gái cũng phải là nhà có chức, có quyền, có uy đối với nhà trai và cả chàng rể. Lâu dần, tục lệ này trở nên phổ biến hơn, thành lễ nghi không thể thiếu đối với mọi nhà. Tuy nhiên ngày nay ít người biết nó được gọi là sêu Tết.
Thời gian diễn ra lễ sêu thường trải dài từ 20 tháng Chạp (trước lễ Ông Công Ông Táo) tới sau ngày mùng 10 tháng Giêng. Đồ lễ đi sêu Tết thường là thức ăn như bánh chưng, rượu, gà cùng với hoa quả. Đặc biệt không thể thiếu những gói hương vòng, loại hương thơm, thắp cả ngày trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết. Khi mang lễ vật đến nhà bố mẹ vợ, chàng rể sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thành kính vái lạy.
Tục đi biếu quà Tết bố mẹ vợ của những chàng rể cũng phần nào thể hiện sự tôn trọng của xã hội đối với phụ nữ, sự “nể nang” của chồng đối với vợ, đồng thời cũng là sự hãnh diện của người vợ khi được nhà chồng coi trọng, khẳng định vị thế của bản thân trong lòng người chồng.
Tất bật đi sêu ngày Tết
Sêu Tết phổ biến ở miền Bắc với quà cáp và lễ nghi có phần nghiêm ngặt. Tuy nhiên ngày nay với lối sống hiện đại, phong tục này cũng được đơn giản hóa và nhẹ nhàng hơn cho các chàng rể.
Anh Bắc (40 tuổi) đã chuyển vào TP.HCM sinh sống được 10 năm, lấy vợ trong miền Nam nên những ngày giáp Tết thủ tục đi biếu quà tết nhà vợ với anh cũng đơn giản hơn. Anh kể: “Ngày xưa lúc nhà mình ở ngoài quê, mỗi lần gần Tết, cả nhà lại về nhà bà ngoại biếu quà, bố sẽ chuẩn bị nào là con gà, bánh chưng và nhang thơm để thắp hương cho ông bà tổ tiên rồi phụ giúp dọn dẹp nhà cửa. Bây giờ, nhà vợ mình trong miền Nam cũng thoải mái hơn rất nhiều, cứ 28 tết, vợ sẽ mua sẵn hộp quà hay chai rượu rồi cả nhà mang sang nhà bà ngoại, liên hoan ăn uống cùng nhau”.
Trong một số gia đình, người chồng hoàn toàn phó mặc cho vợ trong việc biếu Tết nhà ngoại khiến ý nghĩa của lễ sêu Tết cũng dần bị mai một. Thậm chí người vợ còn phải đích thân thay chồng đưa quà cho bố mẹ mình với lời phân trần: “Nhà con gửi lời biếu bố mẹ, anh ấy đang bận chút công chuyện gấp” hay “Con đưa lễ sang trước rồi hôm nào vợ chồng con sang sau…” Tuy nhiên bố mẹ vợ ngày nay hầu như cũng chẳng bắt bẻ gì nhiều. Họ cảm thông với chàng rể và vui vẻ nhận tấm lòng thành của con cái.
Ngày nay, lễ sêu của con rể không chỉ là những buổi gặp mặt bố mẹ vợ và tặng quà. Một số gia đình thường tổ chức những bữa liên hoan nhỏ, ăn uống thân mật. Các cô con gái cũng được dịp về thăm lại gia đình bố mẹ đẻ sau cả năm chăm sóc, lo toan cho gia đình chồng. Vì thế không khí lễ tết rất vui vẻ, hân hoan, mang sự ấm áp của ngày hội ngộ.
Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, tục lễ đi sêu vẫn tồn tại trong lòng nhân dân với ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt như một nét văn hóa của người Việt xưa và nay.
Ngọc Bút