Không sợ hãi, co cụm, tự cách ly trong sự lo lắng thái quá, những sinh viên nước ngoài đang du học tại Việt Nam luôn biết chọn cho mình một tâm thế đúng đắn, bình tĩnh trước thông tin về dịch bệnh để xây dựng nền tảng hệ miễn dịch khỏe mạnh, sức đề kháng tốt nhằm trải nghiệm cuộc sống vui khỏe, bình an.
Đảm bảo lịch trình học tập, tham quan
Tiến sĩ Dương Vân Thanh, Phụ trách chương trình Đào tạo quốc tế (SIT) Việt Nam thuộc Tổ chức World Learning (Hoa Kỳ) cho biết:
“Năm nay đúng thời điểm sinh viên Mỹ chuẩn bị lên đường du học thì bắt đầu bùng nổ dịch cúm Covid-19. Sau khi nghiên cứu đánh giá tình hình, tổ chức SIT quốc tế chỉ hủy bỏ 2-3 chương trình tại Trung Quốc, còn chương trình tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Khi tiếp nhận các em, hàng ngày chúng tôi đều cập nhật tình hình để phổ biến cho các em; chúng tôi cung cấp khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, dặn dò các em tất cả những thói quen sinh hoạt tại Việt Nam…
Thời gian này chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định do các trường đại học tại Việt Nam vẫn đóng cửa nên các hoạt động giao lưu không thể thực hiện. Bên cạnh đó một số giảng viên cũng từ chối việc giảng dạy trong thời điểm nhạy cảm này… Ở các điểm tham quan cũng vậy, nhiều dịch vụ chúng tôi đã đặt trước nay cũng tạm đóng cửa không phục vụ. Tuy nhiên với tinh thần sáng tạo, vượt khó, chúng tôi đã đảm bảo chương trình không bị biến động nhiều để các sinh viên có được thời gian tốt nhất ở Việt Nam. Thay vì học tại lớp như bình thường, chúng tôi đã chuyển giờ học đến các bảo tàng, một số điểm tham quan để các sinh viên vừa học tập vừa thảo luận rất sinh động. Chúng tôi cũng thay đổi những điểm đến trong chương trình hết sức sáng tạo, đảm bảo an toàn để phù hợp với tình hình thực tế nhằm không gián đoạn chương trình học tập của các em.
Điều tôi ấn tượng nhất là các sinh viên Mỹ không hề tỏ ra bực tức, ca thán khi phải thay đổi chương trình mà các em biết chấp nhận hoàn cảnh, không sợ hãi, co cụm, từ chối không tham gia một vài chương trình, dù các em có quyền lựa chọn. Hầu như các em vẫn hăng hái đi thật nhiều, giao tiếp thật nhiều để có thể trải nghiệm đến tận cùng mọi thứ ở Việt Nam”.
Đi đi, chần chờ chi!
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các sinh viên nước ngoài đang du học tại Việt Nam đều trả lời như vậy. Bạn Colleen Marie Keenan, sinh viên Mỹ trải lòng: “Nếu đi một mình có thể em đã thay đổi kế hoạch nhưng vì đi cùng đoàn với nhiều sinh viên khác nên em vẫn lên đường. Em tin rằng mình đã chuẩn bị cẩn thận, chu đáo cho chuyến nghiên cứu này. Trước đây em chưa từng biết dịch như thế nào, chỉ nghe dịch ở châu Âu từ lâu lắm rồi; em có xem một bộ phim về dịch bệnh đáng sợ này. Bây giờ nó đang diễn ra ngay trước mắt. Khi đến Việt Nam lúc đầu em hơi bị sốc khi thấy trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học, các điểm tham quan, đường phố vắng người. Nhiều người chen lấn, mệt mỏi xếp hàng để mua khẩu trang, nước diệt khuẩn… Ban đầu em không đeo khẩu trang vì ở Mỹ chỉ người bệnh mới phải đeo như vậy. Nhưng bây giờ em cảm thấy đeo khẩu trang không chỉ để bảo vệ mình mà còn bảo vệ những người xung quanh. Ngoài giờ đến lớp, em đến quán cà phê, tập thể dục ở phòng tập, công viên, đi chợ truyền thống, tiếp xúc với mọi người, đi chơi đây đó. Nếu hủy chuyến đi này thì làm sao có được những giây phút tuyệt vời vừa qua? Em tin các bạn của mình đã đúng khi kháo nhau “đi đi, chần chờ chi!”
Còn bạn Claudia Kaplan Danfort có những nhìn nhận thú vị trong thời gian ở Việt Nam: “Lúc ở khách sạn Lake Side (Hà Nội), em thấy nhân viên thường xuyên lau thang máy, tay nắm cửa, điện thoại… bằng dung dịch khử trùng, sát khuẩn. Chưa bao giờ em thấy nơi ở của mình sạch sẽ như vậy. Có lẽ dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi cách sống, biết chú ý giữ gìn vệ sinh hơn.
Còn khi em đến các khu ăn uống ở Đà Nẵng, thấy nhiều người bốc tay khi ăn. Làm như vậy thì đeo khẩu trang có ý nghĩa gì nữa đâu? Tại sao mọi người ở đây không sử dụng găng tay để ăn cho vệ sinh? Nghĩ như vậy nhưng em cũng trải nghiệm chuyện ăn bốc với mọi người sau khi đã rửa tay bằng gel diệt khuẩn!”
Sinh viên Damon Lim Wei, quốc tịch Singapore cũng quyết định chọn Việt Nam để du học dù trước khi đến Việt Nam bạn đã biết thông tin về dịch bệnh. Bạn đã tham gia mọi hoạt động của chương trình, thưởng thức nhiều món ăn Việt Nam, khám phá phố Tây ba lô, giao lưu với người dân địa phương và thật sự hạnh phúc trong những ngày ở Việt Nam dù “đi đâu cũng phải đeo khẩu trang nên đôi lúc hơi khó chịu”.
Từng du học và làm việc tại nhiều quốc gia, cô sinh viên Mỹ Elisabeth Sudbey có vẻ lanh lợi và có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với mọi tình huống. Cô tâm sự: “Em đã đến Hàn Quốc ngay trong tâm bão của dịch Mers nên có chút kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch bệnh. Điều cần thiết là bạn phải cập nhật thông tin thường xuyên và nhanh chóng để nắm bắt tình hình. Quan trọng hơn nữa là bạn phải tuân thủ tất cả những quy định của ngành y tế và chính phủ. Em đã đi Vũng Tàu – Long Hải, đến đồng bằng sông Cửu Long, thời tiết nắng đẹp, công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam cũng rất tốt, không có thông tin về người nhiễm bệnh ở những nơi em đến nên cũng không quá lo lắng và quyết định tham gia mọi chương trình tham quan ở Việt Nam theo đúng kế hoạch. Mọi thứ rất tuyệt vời. Không chỉ đến lớp, em còn tham gia nhiều hoạt động khám phá, tìm hiểu Việt Nam vì không muốn Covid-19 làm hỏng kế hoạch tuyệt vời ở Việt Nam! Thay vì sợ hãi, né tránh, em nghĩ mình nên đối đầu với nó trong sự bảo vệ an toàn nhất cho mình”.
Xuân Hòa
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Để ba được làm Ba của con”
- Khi Ta Sống – đêm nhạc tri ân trực tiếp đến các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Covid
- Những nam diễn viên quyến rũ, bất chấp tuổi tác trên màn ảnh
- The Grand kêu gọi ủng hộ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh
- Pigeon ra mắt dòng sản phẩm thế hệ mới thân thiện môi trường