Khí xuân đang lan tỏa khắp đất trời, muôn hoa khoe sắc thắm, trời xuân xanh ngất ngây, lòng người xốn xang, rộn ràng bước qua Giêng mùa lễ hội. Hòa trong tiếng trống chiêng rộn ràng, áo quần sặc nỡ, ngựa xe dập dìu, nam thanh nữ tú đua tài khoe sắc. Lễ hội mùa xuân như những lời mời giục giã, bạn ơi cùng lên đường theo không khí trẩy hội chơi xuân nào!
Mùng 6 trẩy hội chùa Hương
Cứ mỗi độ hoa mơ nở trắng núi rừng là Phật tử khắp bốn phương lại nô nức kéo về trảy hội chùa Hương tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quần thể chùa Hương hội tụ trên vùng đất linh khí với non xanh, nước biếc hiền hòa. Hệ thống hang động rộng lớn, nơi con người thổi hồn vào những kiến trúc đền chùa hòa trong những hang đá trải qua nhiều thế kỷ.Hàng năm, chùa Hương khai hội từ mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 âm lịch. Hành trình về miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành, lúc nào cũng nườm nượp người vào, người ra, trên những đoạn đường núi, trong hang động hay cả trên bến thuyền, tạo nên không khí lễ hội linh thiêng mà náo nức. Phật tử thong dong du ngoạn, vãn cảnh non nước hữu tình, leo núi, thăm hang, thăm những vườn mơ hoa nở trắng ngần. Chùa Hương không còn là giá trị một vùng miền, mà đã trở thành di tích quốc gia cũng là giá trị tâm linh của một dân tộc. Là văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.
Lễ hội đền Trần (TpHCM)
Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 8 đến 10 tháng Giêng. Người dân đến dâng hương, hoa, bày tỏ lòng biết ơn công đức to lớn của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cũng như cầu mong quốc thái dân an ấm no hạnh phúc Lễ hội Đền Đức Thánh Trần trang nghiêm và long trọng. Phần lễ do các vị cao niên chủ trì, đọc bài tế ngưỡng vọng công lao to lớn của Đức Thánh Trần với lịch sử dân tộc. Phần hội với nhiều hoạt động: múa lân sư rồng, ca khúc xuân, các làn điệu dân ca, tế lễ, rộn ràng trong ngày xuân. Đền Đức Thánh Trần tại số 36 Võ Thị Sáu, Phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM.
Hội Lim em theo anh về
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Hội Lim được coi là nét văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.Khắp vùng các liền anh, liền chị áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân đổ về hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng
Còn nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
Lễ hội Bà Chúa Kho
Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục lâu đời. Ngày khai hội vào 14 tháng Giêng. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.Ngoài ra, miền Bắc còn nhiều lễ hội diễn ra khắp nơi như Hội Gióng (Sóc Sơn); Hội đền An Dương Vương (làng Cổ Loa, Đông Anh); Hội Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình); Hội Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh)..
Lễ hội làng Sình (Huế)
Làng Sình nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, nay là xã Phú Mẫu huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Hội vật làng Sình diễn ra vào ngày 9 – 10 tháng Giêng. Ngoài yếu tố tâm linh, lễ hội còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Lễ hội Đống Đa (Bình Định)
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng. Đêm 13, dân địa phương bày vật phẩm ra trước nhà để cúng huẩn bị cho lễ rước Bà ngày hôm sau. Sáng 14 lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền: kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng. Dân chúng các vùng lân cận cũng đổ về đây khá đông. Ngày 15/1 dòng người đổ về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.
Khai ấn Đền Trần (Nam Định)
Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại ba nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.
Lễ hội Đền Bà Đen (Tây Ninh)
Lễ hội còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, đền Bà Đen được xây trên lưng chừng núi cao. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ dễ dàng. Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hàng năm, dân chúng các tỉnh đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu đến cả trăm ngàn người
Hạnh Lê
- Đêm hòa nhạc đặc biệt Tchaikovsky – A Night of Tchaikovsky
- Team Binz: Ricky Star chính thức “đọ mic” cùng R.Tee tại sàn đấu Rap Việt
- Chào World Cup 2022, adidas công chiếu phim ngắn Family Reunion
- Hơn 200 khách sạn của Meliá được Booking.com vinh danh
- Hàng nghìn người mẫu không chuyên tham gia casting show diễn SIXDO