Phó chủ tịch Hội Phẫu Thuật Tạo Hình Thẩm Mỹ Việt Nam – Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Sơn “Kỹ thuật và chất liệu trong PTTM luôn được đổi mới liên tục”

Trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Tài Sơn thường được gọi bằng cái tên đầy mến mộ: “Người có đôi bàn tay vàng”. Suốt những năm công tác rồi đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ông đã mang đến diện mạo lành lặn cho hàng ngàn nạn nhân bị tổn thương nặng ở vùng mặt. Bên cạnh đó, với bề dày nghiên cứu, hoạt động trong môi trường y khoa quốc tế, Giáo sư Nguyễn Tài Sơn cũng được coi là chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực Phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) nhờ kiến thức – kinh nghiệm sâu rộng và toàn diện. Trong buổi trò chuyện dành cho Beautylife, Giáo sư đã giải đáp cặn kẽ một số câu hỏi đang được nhiều độc giả quan tâm.     

Giáo sư Nguyễn Tài Sơn

– Trước tiên, xin Giáo sư Giáo sư Nguyễn Tài Sơn chia sẻ góc nhìn của mình về bức tranh ngành PTTM hiện nay và thời gian sắp tới?

Theo xu hướng của thế giới và của Đông Nam Á, ngành PTTM ở Việt Nam đã, đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân. Đối tượng đi PTTM đang được mở rộng: Bên cạnh chị em phụ nữ còn có đông đảo nam giới, lứa tuổi cũng ngày càng đa dạng từ các bạn thiếu nữ cho đến các bà các cô. Nhu cầu PTTM không dừng ở những sửa chữa một số bộ phận hay vùng nhỏ trên khuôn mặt như mi mắt, mũi, khóe miệng một cách kín đáo nữa mà còn có những yêu cầu thay đổi nhiều hơn, thậm chí toàn bộ khuôn mặt. Người ta có thể phẫu thuật chỉnh đường viền khuôn mặt bằng cách cắt mở xương hàm trên xương hàm dưới, căng da mặt, trẻ hóa bằng mỡ tự thân, tăng khối lượng tổ chức dưới da ở những vùng nhất định theo yêu cầu của bệnh nhân như làm đầy ngực, mông… Hơn nữa ngày nay còn ứng dụng tế bào gốc tự thân hoặc từ động vật để làm trẻ hóa. Ở Việt Nam, việc sử dụng các chế phẩm từ tế bào gốc đang được nhiều cơ sở y tế quan tâm, ngay tại Bệnh viện 108 cũng đang có dự án thành lập trung tâm tế bào gốc, mục đích để điều trị một số bệnh nan y, đồng thời cũng phục vụ cho nhu cầu chăm sóc sắc đẹp.

– Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng đó, chắc hẳn giới y khoa thẩm mỹ thế giới cũng như Việt Nam sẽ liên tục nghiên cứu – thử nghiệm, để cho ra đời những những công nghệ tiên tiến nổi bật trong lĩnh vực PTTM, thưa Giáo sư?

Thật ra, ngành PTTM không đòi hỏi nhiều trang thiết bị, máy móc tiên tiến. Do đó nếu nói về công nghệ PTTM thì ít có thay đổi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số trang thiết bị kỹ thuật mới tiên tiến như: Hệ thống phẫu thuật có hỗ trợ nội soi trong phẫu thuật mở xương hàm, phẫu thuật nâng ngực, căng da mặt; hệ thống cắt xương bằng dao siêu âm PIEZO; hệ thống kỹ thuật số dựng hình lên kế hoạch mổ nâng ngực, nâng mũi; hệ thống máy đánh tan và hút mỡ sử dụng laser, sóng siêu âm…

So với công nghệ, kỹ thuật mổ trong PTTM có sự thay đổi khá nhiều, đặc biệt các thao tác thực hành lại càng thường xuyên được đổi mới để càng ngày càng hoàn thiện hơn, trau chuốt hơn. Song song đó, chất liệu sử dụng trong PTTM cũng liên tục đổi mới, các thế hệ túi độn ngực hiện nay có xu hướng thân thiện hơn như độ mềm mại, hình dáng tự nhiên, chất liệu bền vững và không gây co bao, thậm chí được đặt chíp điện tử để theo dõi. Dụng cụ làm PTTM đa dạng về chủng loại, thuận tiện cho các thao tác phẫu thuật và chế tác tinh xảo hơn.

Tuy các phương pháp PTTM đều là kinh điển nhưng có kết hợp sử dụng các trang thiết bị hiện đại như mở xương, nâng ngực qua nội soi, hút mỡ bụng dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm…, sử dụng các chất liệu hiện đại như túi độn ngực thế hệ mới, có độ dính cao các chất độn khó thoát ra khỏi bao như trước, vỏ bao độn được làm dưới dạng nhám, sử dụng phân tử nano, đặt chíp… Chất liệu độn mũi trước đây dùng silicon miếng, đúc thành khối thì ngày nay dùng silicon dẻo ép thành rất nhiều hình dạng… giúp phẫu thuật viên dễ dàng lựa chọn và nâng cao hiệu quả thẩm mỹ của phẫu thuật, đáp ứng được mong muốn của người làm thẩm mỹ.

– Như Giáo sư vừa chia sẻ thì ngành PTTM Việt Nam luôn nhanh chóng bắt kịp công nghệ, dụng cụ, vật liệu, kỹ thuật mới nhất của thế giới. Còn trình độ của đội ngũ bác sĩ PTTM Việt Nam so với các nước thì như thế nào ạ?

Trong thế giới mở như hiện nay, cơ hội giao lưu học hỏi được mở rộng rất nhiều so với trước đây. Hàng năm chúng ta đều đặn tổ chức Hội nghị quốc tế hay vùng miền về PTTM, các hội viên PTTM thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế và các lớp đào tạo PTTM ở ngước ngoài, không chỉ để lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn mà còn có các bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm với các nước… Nhờ vậy mà các kỹ thuật mới có trên thế giới đều được cập nhật và áp dụng ngay tức thì tại Việt Nam, tại các bệnh viện, trung tâm lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ rằng trong một vài năm tới, PTTM ở nước ta sẽ phát triển không kém gì các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines… Các phẫu thuật viên của chúng ta ngày càng chuyên nghiệp, nếu các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, định hướng đúng thì chuyên ngành này sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội.

Giáo sư Nguyễn Tài Sơn
Ngành PTTM ở Việt Nam đã, đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân

– Dù phát triển nhanh là vậy nhưng nỗi lo gặp tai biến khi tiến hành PTTM chưa bao giờ giảm bớt, thưa Giáo sư?

Đã là phẫu thuật thì chắc chắn phải có tỷ lệ tai biến nhất định, điều này khó lường trước và phụ thuộc rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm của phẫu thuật viên như chỉ định có đúng hay không và đặc biệt sử lý biến chứng như thế nào cho đúng và kịp thời, kỹ thuật có được thực hiện hoàn hảo hay không. Yếu tố nữa là cơ sở thực hiện PTTM có đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về vô trùng, các trang thiết bị, đội ngũ kỹ thuật viên… Ở nước ta trong mấy năm gần đây những trường hợp bệnh nhân làm PTTM có tai biến hoặc tử vong đều xảy ra ở các phòng mạch tư không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu.

– Có một thực tế là nhiều người PTTM an toàn nhưng lại không đạt được kỳ vọng ban đầu về dung mạo. Ở cương vị một Bác sĩ trực tiếp thực hiện các ca PTTM, Giáo sư nghĩ thế nào về điều này?

Đã có những trường hợp người có nhu cầu PTTM yêu cầu mắt to hơn nhưng cấu trúc mí mắt có giới hạn nên phẫu thuật viên không thể làm to hơn được; thích mũi phải cao, phải dài nhưng sau khi làm PTTM lại không tương xứng với khuôn mặt… khiến họ không thỏa mãn, có tâm lý nặng nề, mặc dù nếu đánh giá về kỹ thuật thì không có gì sai sót, không có biến chứng. Chính vì vậy những người làm thẩm mỹ chúng tôi không bao giờ chỉ định cho bệnh nhân đến với mình phải làm thế này thế kia mà luôn lắng nghe yêu cầu, rồi trình bày các kỹ thuật có thể đáp ứng được nguyện vọng của bệnh nhân và nêu rõ lợi ích của kỹ thuật như có làm đẹp hơn được không, có cải thiện được hơn không… Tôi luôn nói với các bác sĩ trẻ rằng không bao giờ nói “must” (phải) với bệnh nhân mà luôn là “shoud” (nên).

Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Tài Sơn

Cẩm Tú

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx