Trong khi nhiều người thiếu tự tin vì mũi thấp hay to bè không được đẹp thì vẫn còn khá nhiều trường hợp gặp khuyết điểm về mũi như vẹo vách ngăn mũi, không chỉ mất tính thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày nay, với biện pháp PHẪU THUẬT CHỈNH VẸO VÁCH NGĂN MŨI giúp trả lại dáng mũi tự nhiên và rất an toàn.
Vẹo vách ngăn mũi là gì?
Vẹo, lệch vách ngăn mũi là 1 trong 5 khuyết điểm thường gặp của mũi, khiến mũi bị cong lệch nhìn mất cân đối. Khác với khuyết điểm mũi thấp hay to bè có thể che giấu bằng trang điểm, mũi vẹo hầu như không thể khắc phục bằng biện pháp trang điểm thông thường.
Bên cạnh việc mất thẩm mỹ, những người bị vẹo vách ngăn mũi còn gặp nhiều ảnh hưởng về sức khỏe như gây ra chứng nghẹt mũi, viêm xoang, đau nửa đầu, lâu ngày không được chữa trị làm giảm khả năng của khứu giác.
Vẹo vách ngăn mũi được phân thành 3 dạng:
- Vẹo đơn thuần: Vẹo theo hình chữ C, vách ngăn chỉ vẹo qua một bên (bên trái hoặc bên phải).
- Vẹo hình chữ S: Vẹo vách ngăn mũi phức tạp, vừa có thể bị vẹo sang trái, vừa có thể vẹo sang phải.
- Gai hoặc mào vách ngăn mũi: Thường gặp ở phần tiếp giáp của xương và sụn vách ngăn. Gai hoặc mào vách ngăn mũi có thể chạm đến niêm mạc mũi gây chảy máu và gây đau nhức dữ dội cho người bệnh.
Nguyên nhân gây vẹo vách ngăn mũi
Xác định nguyên nhân gây vẹo vách ngăn mũi giúp bác sĩ tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Vẹo vách ngăn mũi thường do các nguyên nhân:
- Do bẩm sinh: Nhiều người sinh ra đã bị vẹo vách ngăn mũi, điều này do quá trình phát triển bào thai không được bình thường. Khiếm khuyết này có thể nhận ra ngay khi em bé chào đời.
- Chấn thương vùng mũi: Hậu quả của chấn thương vào vùng mũi có thể làm cho vách ngăn bị vẹo sang một bên. Đối với trẻ nhỏ có thể là do một sang chấn trong quá trình chuyển dạ của người mẹ. Với trẻ lớn và người lớn có thể là do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, do va chạm khi chơi thể thao hay do tình trạng bạo lực… gây tác động cơ học vào vùng mặt, mũi dẫn đến vẹo vách ngănQuá trình lão hóa: Sự lão hóa bình thường của cơ thể người cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của mũi và vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên theo thời gian dài.
- Do viêm nhiễm: Tình trạng viêm mạn tính vùng mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến người bệnh khó chịu. Động tác quẹt mũi thường xuyên do viêm có thể làm thay đổi cấu trúc vách ngăn dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn mũi.
Dấu hiệu nhận biết vẹo vách ngăn mũi
Nếu vách ngăn mũi không bị vẹo quá rõ rệt như lệch hẳn sang một bên thì chúng ta khó nhận thấy bằng mắt thường. Do đó, thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra cấu trúc xương mũi để phát hiện bạn có bị vẹo vách ngăn mũi hay không. Tuy nhiên, có thể dựa theo vài triệu chứng dưới đây để nhận biết:
- Khó thở do lỗ mũi bị tắc nghẽn: Quá trình hô hấp bằng mũi diễn ra khó khăn, nhất là khi bị cảm cúm, sổ mũi thì biểu hiện càng rõ rệt. l Chảy máu cam: Vùng vách ngăn lệch sẽ khiến niêm mạc mũi khô, rất dễ xảy ra chảy máu cam.
- Khò khè khi ngủ: Có thể phát hiện dị thường ngay khi trẻ còn nhỏ. Nếu bị khò khè khi ngủ thì nên đưa trẻ đi kiểm tra ngay.
- Nhức đầu kèm đau nhức vùng mũi: Ở người lệch vách ngăn mũi gây đau đầu, đau thái dương kèm sưng đau bên trong mũi.
- Chỉ ngủ một hướng: Những người chỉ ngủ nghiêng về một bên do gặp khó khăn khi hô hấp cần lưu ý bởi có nguy cơ vách ngăn mũi bị lệch.
Phẫu thuật điều trị vẹo vách ngăn
– Trường hợp không phẫu thuật
Với vách ngăn mũi bị vẹo ít, quá trình hô hấp không ảnh hưởng nhiều thì bạn hoàn toàn có thể “sống chung” với khiếm khuyết này mà không gặp ảnh hưởng sức khỏe nào nghiêm trọng.
Một số trường hợp vẹo vách ngăn mũi gây vài ảnh hưởng nhỏ như nghẹt mũi bác sĩ có thể can thiệp điều trị nội khoa bằng cách điều trị
triệu chứng do vách ngăn bị vẹo gây ra như thuốc chống nghẹt mũi, thuốc chống dị ứng, corticoid… Tất cả các thuốc kể trên chỉ có tác dụng giảm nghẹt mũi do giảm phù nề niêm mạc mũi nhưng không làm thay đổi cấu trúc vách ngăn mũi.
– Trường hợp phẫu thuật
Nếu các triệu chứng khó thở, nghẹt mũi, viêm xoang không cải thiện khi dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật tạo hình mũi. Phẫu thuật được thực hiện với mục đích sửa chữa vách ngăn lệch. Trước khi phẫu thuật tạo hình, bạn sẽ được yêu cầu ngừng dùng các loại thuốc như aspirin hoặc ibuprofen trong hai tuần trước và sau khi phẫu thuật. Bạn cũng cần bỏ thuốc lá vì nó có thể cản trở quá trình liền vết mổ.
Phẫu thuật thường mất khoảng 90 phút và được thực hiện dưới gây mê. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt vách ngăn và bỏ bớt sụn hoặc xương thừa gây lệch vách ngăn. Khi sụn thừa được loại bỏ, vách ngăn và đường mũi sẽ được nắn thẳng. Nẹp silicon có thể được chèn vào để nâng đỡ vách ngăn.
Chăm sóc sau phẫu thuật chỉnh vẹo vách ngăn mũi
Mặc dù là thủ thuật an toàn, phẫu thuật chỉnh vẹo vách ngăn mũi cũng có nguy cơ xảy ra một số biến chứng như: thay đổi hình dạng mũi, chảy máu quá nhiều, giảm cảm nhận mùi, thủng vách ngăn, sẹo trong mũi…
Để tuyệt đối an toàn sau phẫu thuật, bạn cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ như:
- Dùng thuốc đúng chỉ dẫn.
- Tránh va chạm vào vách ngăn mũi.
- Không xì mũi.
- Tránh tập thể dục gắng sức. Giữ đầu cao khi ngủ. Mặc áo cài khuy phía trước thay vì áo chui đầu.
BẢO LINH