…những món ăn ngon nhất trong đời bao giờ cũng là những món mẹ nấu. Bởi trong những gia vị mà mẹ thêm vào, có rất nhiều hương vị tình yêu của gia đình. Mỗi gia đình một hương vị riêng không thể nhầm lẫn và nó làm lên những món đặc sản gia truyền.
Những ai từng sống xa gia đình, xa tổ quốc sẽ hiểu được nỗi lòng người tha hương, một nỗi đau đáu hướng về quê nhà. Nơi ấy chúng tôi có ông bà, có cha mẹ, có những kỷ niệm gia đình tròn đầy, có những bữa cơm gia đình không còn đầy đủ bởi sự thiếu mặt của những đứa con tha hương.
Tôi xa cha mẹ, xa thật, xa luôn nửa vòng trái đất. Khi cha mẹ tôi ở quê nhà thức giấc là lúc nơi tôi ở chìm vào bóng đêm nên những cuộc hẹn hò gia đình thường gặp nhau vào bữa cơm chiều ở Việt Nam, chúng tôi cùng bật webcam, cùng trò chuyện và cùng… ăn cơm.

Bữa cơm vốn là thời khắc thiêng liêng nhất của đời sống gia đình, là lúc mọi người gặp gỡ, bàn luận và cùng thưởng thức những món ăn ngon. Bữa cơm với gia đình tôi cũng vậy. Khi còn ở nhà cùng cha mẹ, câu chuyện quanh mâm cơm nhà tôi thường bình luận về những món ăn.
Nói đến lại làm tôi nhớ lại ngày cha mẹ tôi còn trẻ lắm, chúng tôi mới độ lên năm, lên sáu, cái tuổi nhìn vào mâm cơm là nuốt nước bọt. Hồi ấy lương giáo viên của cha và lương dược sĩ của mẹ chỉ đủ ngày ba bữa cơm rau cà và thêm chút thức ăn mặn. Mẹ tôi thuộc tuýp phụ nữ “đảm việc nước, đoảng việc nhà”. Những món ăn mẹ nấu thường kém ngon. Ấy là do cha tôi nói. Vậy mà mẹ lại rất thích nấu cơm.
Ngày ấy, cha mẹ có quy ước, trong tuần ăn uống đạm bạc miễn sao đủ chất nhưng cuối tuần nhất định phải ăn một bữa ngon. Bữa ngon ấy chỉ là những món ăn mặn “cao cấp” hơn một chút, có khi là một đĩa thịt kho tàu, một nồi lẩu hay đơn giản là món bún thịt nướng. Chỉ vậy thôi mà ngay từ thứ hai, cha đã tìm món, mẹ đã tính cách đi chợ và chúng tôi, hai chị em thì thầm ước cho thời gian trôi qua thật nhanh để đến cuối tuần.
Ấy thế mà, mỗi lần cha tôi ngồi vào bàn ăn gắp thử một miếng rồi buông câu « Món này bà nội làm ăn ngon hơn nhiều ». Ôi chao, khỏi phải nói thái độ của mẹ. Mới đầu mẹ bực tức, rồi giận dỗi về sau là những trận cãi nhau to. Bữa ăn đổi món cuối tuần thường kết thúc trong sự thờ ơ của cha, nỗi ấm ức của mẹ và sự tủi hờn của hai đứa trẻ chúng tôi.
Sự thật là cha đã nói quá, các món ăn của mẹ nấu đều rất ngon đối với chúng tôi, vừa đủ mặn, vừa đủ ngọt, không cay, và không quá nhiều gia vị. Đối với những đứa trẻ, những món ăn đó ngon hơn cả các món mà sau này tôi từng được ăn trong các nhà hàng vài sao của Michelin. Kể cả bây giờ, có những ngày tôi thèm da diết các món mẹ nấu. Dù những công thức trên mạng nhiều vô kể, nhưng chưa công thức nào cho tôi tìm được lại hương vị bếp ăn của mẹ ngày xưa.
Ừ thì, có thể mẹ không nấu được đúng vị như của bà nội. Bà nội nấu ngon vì bà nội sống lâu hơn mẹ nên nấu ăn cũng ngon hơn, dĩ nhiên rồi. Ừ thì, các món mẹ làm không thể khéo bằng bà nội. Mẹ đi làm cả ngày ở cơ quan, chiều về tranh thủ vào bếp nên không có đủ thời gian để chẻ những cọng rau sống thật nhỏ. Nhưng mẹ đã làm với tất cả trái tim của người mẹ, người vợ. Tại sao cha không thông cảm cho mẹ, không khuyến khích mẹ làm tốt hơn.
Ừ thì, cha không khéo léo trong cách góp ý, nhưng mẹ lại nóng tính, hay để ý những câu từ của cha. Ừ thì, cha góp ý cũng chỉ mong có những bữa ăn cuối tuần hoàn thiện hơn nhưng mẹ lại cả giận nên không thể nhận ra những thiện ý đó của cha. Giá mà cha tinh tế hơn trong những lời góp ý hay vô tư hơn trong cách nhận xét. Giá mà mẹ kiềm chế hơn, phản ứng nhẹ nhàng hơn. Giá mà… bữa cơm của gia đình chúng tôi đã có nhiều tiếng cười hơn.
Nhưng ngày đó chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu được những tâm tư của người lớn và nói ra những cảm xúc của mình. Chúng tôi chỉ biết cúi đầu ăn thật nhanh cho qua bữa cơm. Đã có lúc, chúng tôi ghét nhìn thấy họ ngồi đối diện nhau, ghét luôn những bữa ăn cải thiện cuối tuần. Chúng tôi ước lớn thật nhanh để có thể đi làm, tự kiếm sống và cuối tuần mời cả gia đình đi ăn nhà hàng.
Điều ước trở thành hiện thực. Chúng tôi đã lớn. Những đồng tiền kiếm được nhiều hơn cha mẹ ngày xưa, cuộc sống của chúng tôi cũng dễ chịu hơn của cha mẹ ngày xưa. Nhưng chúng tôi lại không thể mời cha mẹ đi ăn ngoài hàng vào mỗi cuối tuần như ao ước khi xưa.
Bởi vì, cha mẹ đã già, nhà hàng không phải nơi họ muốn đặt chân đến. Bởi vì, bữa cơm của mẹ bây giờ đã ngon hơn từ khi mẹ trở thành bà ngoại và có nhiều thời gian để chăm lo những món ăn hợp khẩu vị cho cha. Bởi vì, cha đã hiểu những vô tâm của mình đã làm tổn thương vợ. Bởi vì, cha đã quen và dần thích những hương vị riêng của các món ăn mẹ nấu. Và bởi vì, chúng tôi không thể dành nhiều thời gian bên cha mẹ, nên những bữa ăn gia đình ấm cúng chính là ở tổ ấm của chúng tôi.
Rồi tạo hóa thật công bằng, ông trời đã cho tôi hưởng lại từ mẹ bao nhiêu đức tính tốt, thì cũng cho tôi bấy nhiêu những điều chưa trọn vẹn. Các món ăn tôi nấu thường rất nhạt và thiếu vị, kể cả chồng tôi không phải là người Việt Nam cũng nhận ra các món ăn đó chưa thật hoàn chỉnh. Có hề gì với anh. Anh vẫn ăn rất ngon lành. Sau nhiều lần không thành công, chúng tôi quyết định cùng nhau vào bếp. Tôi sẽ là người tìm công thức trên mạng rồi dịch ra tiếng Pháp cho anh. Anh sẽ là người giúp tôi nếm và điều chỉnh gia vị. Chúng tôi vừa nấu ăn, vừa cười đùa.

Hai đứa con sinh ra từ những tiếng cười của tôi và của anh. Rút kinh nghiệm từ cha mẹ, bữa cơm nhà chúng tôi luôn rộn vang những tiếng cười dù các món ăn đôi khi chưa tròn vị. Có lần được mời đi ăn ở nhà một người bạn, con trai tôi đã hãnh diện khoe rằng “Món cơm rang của mẹ cháu làm là ngon nhất thế gian”. Tôi đã rất hạnh phúc với lời nói vô tư của con trẻ.
Bất chợt tôi chợt hiểu cho cha, hiểu cho tôi và hiểu cho con của tôi, những món ăn ngon nhất trong đời bao giờ cũng là những món mẹ nấu. Bởi trong những gia vị mà mẹ thêm vào, có rất nhiều hương vị tình yêu của gia đình. Mỗi gia đình một hương vị riêng không thể nhầm lẫn và nó làm lên những món đặc sản gia truyền.
Tôi gọi đó là hương vị gia truyền và viết thành bài thơ “Tổ quốc của những đứa con lai”. Bài thơ đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi thơ “Tổ quốc và mẹ” được tổ chức năm 2021 bởi tạp chí văn nghệ Thái Nguyên và Quán Chiêu Văn, bài thơ nói hộ tôi những nỗi lòng của người con sống xa gia đình, xa quê hương.
“… Những đứa con lai
Những đứa trẻ có hơn hai tổ quốc
Là trái tim của mẹ
Là tình yêu của cha
Là giọng nói của ông bà trong giọng nói của mẹ
Bài học lịch sử dựng nước trong lời kể của cha
Những món ăn mang hương vị quê nhà
Mẹ nấu hôm qua, hôm nay con nấu
Tổ quốc của những đứa con lai hơn hai mà chỉ một
Là tổ quốc không giới hạn đường biên”
(Trích Tổ quốc của những đứa con lai – Quyên GAVOYE)
Quyên GAVOYE (Chuyên viên văn hóa Uỷ ban thành phố Besançon, Pháp)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Hay quá, luôn tỏa sáng e nhé.
Em cảm ơn chị
Mẹ nấu thì món nào cũng ngon hết á
Đúng thế 😄
Hay quá
Cảm ơn bạn 😍