Là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã không “bó tay” ngồi nhìn mà mạnh dạn đề xuất nhiều chương trình hành động nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Đẩy mạnh kích cầu
Phát biểu tại Lễ công bố chương trình kích cầu du lịch Việt Nam và triển khai chương trình kích cầu du lịch tại TP. HCM vừa diễn ra tại TP. HCM, bà Nguyễn Thị Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. HCM (HTA) nêu rõ: Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ một thời gian ngắn, ngành du lịch cả nước thiệt hại đến chục ngàn tỷ đồng; các doanh nghiệp du lịch phải đương đầu với nhiều khó khăn như tour hủy hàng loạt, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động…
Tuy nhiên, xác định thách thức cũng là cơ hội, đồng thời tiếp nối thành công của 9 năm liên tiếp triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, năm 2020 HTA cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên thống nhất mở rộng và đẩy mạnh chương trình một cách toàn diện, phối hợp với các đơn vị vận chuyển trên các lãnh vực hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy; liên kết chặt chẽ với các ban ngành cũng như Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước.
Mục tiêu của chương trình kích cầu năm nay không chỉ đưa khách từ thành phố đến các địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh thành đến TP. HCM tham quan, mua sắm, vui chơi…
Tính đến nay đã có 50 doanh nghiệp lữ hành hội viên tham gia chương trình Kích cầu du lịch nội địa với cam kết giảm giá từ 25-50%; trong đó hàng không giảm đến 50%; đường sắt giảm 40%. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các tour kích cầu để chào bán ngay khi hết dịch bệnh theo tiêu chí: đến vùng an toàn, giá kích cầu hấp dẫn, sự đồng hành tích cực của địa phương.
Tiếp lời bà Khánh, ông Nguyễn Hữu Thọ – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chia sẻ về chương trình kích cầu du lịch Việt Nam: Đây là chương trình mang tầm cỡ quốc gia với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch và mở rộng trên địa bàn cả nước. Về ngắn hạn, chương trình khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham quan, du lịch tới các vùng miền trong cả nước; đặc biệt đến những vùng không có dịch bệnh như các tỉnh Tây Nguyên – Nam Trung Bộ, khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai…
Với chương trình kích cầu du lịch chung cả nước, doanh nghiệp đều nhận thức rõ chỉ có chung tay, liên kết, cùng quyết tâm… mới vực dậy được thị trường. Các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá, đề xuất TP tăng thêm kinh phí cho hoạt động này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang làm việc với các bộ ngành khác để thúc đẩy các phương án hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch.
Quảng bá “Du lịch Việt Nam an toàn”
Tại lễ công bố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho hay: Nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, tâm lý du khách được trấn an, chương trình kích cầu sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều so với chương trình các năm trước. Dự báo sau dịch, lượng khách du lịch sẽ tăng cao nên các đơn vị cần có chiến lược chuẩn bị sẵn sàng.
Được biết hiện nay Tổng cục Du lịch Việt Nam đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến Việt Nam, đồng thời tích cực quảng bá giới thiệu điểm đến Việt Nam với du khách nước ngoài để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ cùng cơ quan quản lý du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương tổ chức đăng ký danh hiệu an toàn cho các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch khi tham gia chương trình kích cầu.
Ngoài ra, các điểm tham quan, lưu trú cần triển khai các biện pháp bảo vệ du khách như bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay, hướng dẫn khách thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, bố trí khu vực cách ly cho khách nghi nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Trước đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành du lịch vượt qua đợt khủng hoảng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang kiến nghị lên Chính phủ các giải pháp như: giãn thuế, giảm thuế cho các doanh nghiệp du lịch; giảm lãi suất cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất du lịch và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch; áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú ngang với giá điện áp dụng cho các cơ sở sản xuất; miễn lệ phí visa cho khách du lịch trong khoảng thời gian nhất định đối với các thị trường tiềm năng có mức chi trả cao như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, các nước EU; chỉ đạo các địa phương miễn/giảm phí tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; hỗ trợ ngành du lịch kinh phí để xúc tiến khôi phục thị trường.
Xuân Hòa