Mùi Tết – thứ mùi không thể gọi rõ thành tên và đi vào ký ức mỗi người mỗi khác biệt. Có người thương nhớ mùi nhang thơm đậm hương trầm tỏa ra dưới nắng xuân rực rỡ trước hiên nhà. Có người ấp ủ mùi ngọt lịm của chậu mật mía chấm bánh chưng hay mùi lá dong tươi, thịt ướp tiêu hành… Với người con đất Bắc xa quê nào chắc hẳn cũng sẽ nhớ hương mùi già lan tỏa trong gian bếp chiều 30 Tết.
Theo quan niệm dân gian, phong tục tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua để sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Xa quê đã lâu, gia đình tôi đến giờ vẫn giữ phong tục tắm nước lá mùi già vào ngày 30 tháng Chạp. Từ 27 Âm lịch, những khu chợ người gốc Bắc tại Biên Hòa lại thơm lừng một góc bởi những gánh mùi già khiến lòng người nôn nao phút giao thừa. Thứ hương thơm đầy lưu luyến toả ra từ những bó mùi già buộc hờ bằng dây chuối, sậm xanh, có hoa trắng muốt, quả li ti trên sạp của các cô hàng rau.
Sáng 30 Tết năm nào cũng thế, mẹ thường dậy sớm ra chợ lựa những bó rau mùi già thật tươi. Mẹ cẩn thận chia làm hai phần, một để nấu nước cho cả nhà tắm chiều 30 Tết chuẩn bị đón giao thừa; phần còn lại để dành đun nước rửa mặt vào sáng hôm sau – sáng đầu tiên của năm mới. Có lẽ chỉ có Mẹ, tẩn mẩn chọn ra những nhánh mùi già nguyên vẹn cả hoa lẫn trái cắm vào lọ, dành riêng một góc phòng trưng trong ngày mùng 1 Tết để hương mùi tỏa ngát.
Trong miền Nam, rất khó để kiếm một bó mùi già ngày cận Tết. Chẳng thế nên, cứ vào cuối tháng 9 Âm lịch, những nhà vườn dưới Đồng Nai lại dành riêng một góc để gieo hạt mùi. Sau chừng hai tháng, cây cao khoảng 60 cm, ra hoa và kết trái. Một phần hạt mùi sẽ làm giống, một phần để nguyên trên cây mang bán dịp cận Tết. Khi cây mùi lên hoa trắng muốt, cũng là lúc tỏa hương ngào ngạt cùng lá và thân. Những cây mùi bắt đầu già, thân chuyển dần từ xanh sang tím sẫm, dần dần chi chít những trái. Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.
Khi đun sôi vừa tới, mùi già cho hương thơm ngan ngát. Hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng lại vô cùng dễ chịu bởi lá mùi có vị cay, tính ấm giúp lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng, phục hồi sức khỏe. Nước càng nóng già, hương thơm bốc càng mạnh và lan toả rộng qua cả nhà hàng xóm. Thế nên, chiều 30 Tết, cả xóm thơm ngát hương mùi già. Nhiều người cho rằng, hương thơm dễ chịu, sảng khoái ấy là do cây mùi già hấp thụ tinh hoa đất trời ngày xuân và của cả lòng người hun đúc tình yêu, hi vọng cho năm mới. Có lẽ vì vậy mà hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu. Chiều 30 tắm lá mùi già mà cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.
Trong cái hối hả của guồng quay cuộc sống, người trẻ ưa chuộng hơn hương thơm đa dạng từ các nhãn hiệu xà phòng, sữa tắm. Tết nay, hàng lá mùi cũng thưa bớt, chỉ thấp thoáng vài ba bó trên sạp kệ của các cô hàng rau. Lá mùi già bây giờ chỉ được “săn hàng” từ những người có tuổi, những người luôn gìn giữ nét Tết xưa với hương thơm khó quên từ lá mùi già. Với Mẹ, Tết chưa đến nếu chưa được tắm tất niên bằng nồi nước lá mùi già thơm ngào ngạt. Tết chưa đến khi đi ngang vườn, các cô các chú vẫn chưa ríu rít bó những đám mùi già, giằng sau xe đem ra chợ bán hay rao khắp xóm làng. Thật chẳng yên lòng khi chào đón năm mới mà chưa đắm mình vào hương thơm của lá mùi già vào chiều 30 Tết.
Sẽ chẳng biết Tết đang cận kề nếu chiều nay thoảng trong gió hương mùi đâu đó len lỏi trong cánh mũi. Mùi thơm ấm áp và háo hức chờ đón giao thừa. Mùi hương của tuổi thơ: Hương mùi già chiều 30 Tết!
Đăng Nguyên