Bạn bè lâu ngày không gặp nhau, khi gặp lại mà hỏi thăm tình hình thế nào có khi còn bị cho là lỗi thời, vì tất cả cuộc sống đã được mang hết lên mạng xã hội, còn gì đâu để nói. Thậm chí đến biểu lộ cảm xúc cũng được lập trình sẵn rồi, chỉ cần bấm nút, nói làm gì cho mất thời gian.
Chủ nhật đi ăn cùng bạn. Quán đông, nhân viên phục vụ không đủ nên phải chờ lâu. Cô bạn cứ cắm mặt vào cái điện thoại, thỉnh thoảng lại cười khúc khích, nên từ lúc bước vào quán hình như nói với mình chưa được 3 câu.
Rảnh rỗi, ngồi nhìn xung quanh các bàn khác cũng những hình ảnh quen thuộc. Phía bên kia là hai vợ chồng trung niên cùng hai đứa con khoảng 15-16, hai đứa nhỏ vừa ăn, vừa cắm mặt vào điện thoại. Dường như chúng đang xem phim hay một trò chơi nào thú vị lắm mà ra chiều chăm chú, thỉnh thoảng bà mẹ lại bực mình gắt gỏng, mấy đứa trẻ buông máy một chút rồi sau đó lại tiếp tục cầm điện thoại lên, chẳng mấy quan tâm đến bữa ăn mà ba mẹ chúng chuẩn bị.
Ngay bàn bên cạnh, một cặp trẻ tuổi vào ngồi khiến mình tò mò nghĩ trong đầu xem cặp này có giao tiếp với nhau không? Cả hai kéo ghế xuống ngồi, chưa kịp gọi món đã mạnh ai nấy cắm mặt vào điện thoại. Khi nhân viên phục vụ tới, chỉ cô gái ngước nhìn lên và gọi món một cách qua loa. Chắc đây là quán quen nên họ cũng chẳng thèm nhìn thực đơn. Sau đó cô gái lại tiếp tục với thú vui dang dở, cả hai tuyệt nhiên không nói với nhau câu nào.
Nhìn bâng quơ qua bên kia quán, trái hẳn với người Việt Nam, vài vị khách Tây đang chỉ chỏ thực đơn nói cười vui vẻ, không thấy chiếc điện thoại nào trên bàn. Mình chợt giật mình nhớ lại khoảng 3 năm trước, hội bạn thân tổ chức đi du lịch chung. Vừa lên xe, mỗi đứa cầm một cái điện thoại, cả bọn “chat” khí thế, cười rôm rả (bằng biểu tượng) trong khi khoảng cách địa lý… chỉ một cánh tay. Dường như chiếc điện thoại thông minh, đúng nghĩa của nó, đã thay thế mọi giao tiếp thường nhật.
Hôm qua lướt facebook, thấy một nhóm bạn khoe một tấm hình cực kỳ xấu, nhưng đáng chú ý là dòng status: “Hôm nay chúng tớ chỉ chụp có một bức ảnh này thôi, vì thời gian chúng tớ bận để sống ngược lại những năm 90. Đám con gái nói chuyện phiếm suốt đêm, trong khi tụi con trai thì bắn game tạch tạch tạch…” Bất giác bật cười vì sự “siêu dễ thương” của cô bạn, nhưng phải chăng, mọi người bắt đầu nhận ra giá trị của giao tiếp đang dần mất đi, thay vào là cái vật vô tri vô giác đã chiếm hết thời gian của cả một thế hệ. Đã đến lúc chúng ta nhìn lại.
Trong một chương trình nấu ăn trên kênh Asian Food, mình rất ấn tượng một nhà hàng tại Đài Loan. Nhà hàng có những món ăn ngon nổi tiếng và rất đông thực khách, nhưng đáng chú ý là những biểu ngữ giăng khắp nhà hàng “Nhà hàng không sử dụng điện thoại, hãy thưởng thức món ăn của bạn”, hay “Đừng nói lớn, bạn đang làm ảnh hưởng người bên cạnh”… Thực khách đa phần là người trẻ, họ ăn uống, trò chuyện rất vui vẻ và lạ… tuyệt nhiên không ai sử dụng điện thoại.
Ngày xưa, ông bà cha mẹ dạy dỗ “học ăn, học nói, học gói, học mở” nên thế hệ 6x, 7x đi đâu làm việc, nói chuyện cũng thu hút được sự chú ý của người khác. Ngày nay các bạn trẻ dường như ít quan tâm điều đó nên dù tâm tốt mà không biết cách thể hiện cũng dễ gây hiểu lầm, tạo thị phi. Nói vậy có vẻ như không theo đúng thời cuộc, không cởi mở tiếp thu cái mới. Nhưng thiết nghĩ, trong thời đại hiện nay, tất cả mọi giá trị đều thay đổi nhanh chóng nên chúng ta càng cần phải chắt lọc, lựa chọn những điều hay, điều mới trên giá trị cốt lõi của dân tộc từ ngàn xưa bởi nó vẫn còn giữ nguyên giá trị ứng dụng vào cuộc sống hôm nay.
Hoàng Nam