Khám phá phương pháp tắm cát độc đáo của người Nhật

Hơn một trăm năm qua, người Nhật sở hữu một phương pháp trị liệu sức khỏe hữu hiệu và an toàn gần như “độc quyền” – đó là tắm cát núi lửa. Kể từ những năm 1890 đến 1930, tắm cát đã phát triển trở thành một liệu pháp trị liệu phổ biến và nhanh chóng có tới 60 địa điểm trải đều khắp đất nước mặt trời Mọc.

Hai điểm đến có tắm cát khá quen thuộc với người Việt là thành phố duyên hải Ibusuki thuộc tỉnh Kagoshima ở cực Nam nước Nhật và thành phố Beppu thuộc tỉnh Oito. Ibusuki không chỉ nổi tiếng với nhiều hồ nước nóng mà còn sở hữu cát đen quý hiếm. Cát ở gần biển Kagoshima thuộc thành phố này là một trong những loại cát ấm nhất trên toàn thế giới. Càng gần bờ biển, cát càng nóng. Ở một số nơi, nhiệt độ của cát có thể lên đến 85oC. Theo y học cổ truyền Nhật Bản thì việc vùi mình thường xuyên trong lớp cát nóng sẽ giúp hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh như: hen suyễn, béo phì, tiểu đường, thiếu máu,bệnh sạm da, nấm da, lang ben, viêm da, suy gan, suy thận, sỏi mật, đau thần kinh dạ dày, ợ hơi chua, và cả bệnh nghiện rượu…

Chỉ cần bỏ ra 1.000 yên (khoảng 200.000 đồng) vào cửa bãi tắm là du khách đã sẵn khăn, áo choàng để có thể thử kiểu tắm nóng mới này. Theo những chuyên viên hướng dẫn của dịch vụ, khăn bảo vệ đầu và cổ khi “tắm” là thứ không thể thiếu. Hố đã đào, khăn áo đã lót, du khách nằm dài và được vùi cát kín người đến cổ chừa đầu ra.

Khi tắm cát, người tắm không cần phải nằm lâu như tắm nước khoáng hay tắm bùn, chỉ khoảng 30 phút là tối đa, một phần vì nhiệt độ khá cao, đằng khác do cát sinh ra từ dung nham núi lửa và suối nước nóng bên dưới nên có hiệu quả với sức khỏe nhanh gấp 3,4 lần kiểu tắm spa truyền thống. Do nhiệt độ cát khá cao nên bạn phải có thứ để bảo vệ những phần da thịt nhạy cảm, nhất là khi có vết thương hay bị trầy xước trên da thì bắt buộc phải dùng khăn tắm che chắn. Những ai muốn tắm cát mà cũng muốn tránh nắng thì có thể chọn tắm ở khu có mái che.

Địa điểm thứ hai nổi tiếng với tắm cát là thành phố Beppu thuộc tỉnh Oito. Cách đây khoảng 1.200 năm, nơi đây bị núi lửa phun trào. Do dung nham chảy tràn xuống, cát ở các bãi biển dần chuyển sang màu đen và luôn ở mức nhiệt từ 40-48 độ C cho đến tận ngày nay.

Để “hưởng thụ” loại cát núi lửa ấm nóng và đầy khoáng chất, du khách sẽ chỉ được khoác lên mình một chiếc áo Kimono mỏng tanh. Trong phòng tắm cát, khách sẽ được những nhân viên nơi đây đào cho một chiếc hố dài để nằm xuống, đầu được gối trên khúc gỗ thông màu trắng. Tiếp theo bạn sẽ có một cảm giác như bị “chôn sống” khi những nhân viên bắt cật lực đắp một lớp cát nóng và dày lên người, chỉ trừ lại mỗi cái đầu. Khi cát đã đắp xong bạn sẽ cảm giác như toàn thân không thể cử động, mồ hôi cơ thể toát ra, thậm chí hơi khó thở một chút. Sau 20 phút cho đến 1 tiếng đồng hồ tùy sức chịu đựng, du khách sẽ ra ngoài để tắm sạch và ngâm mình trong bể nước khoáng. Công đoạn cuối cùng là tắm lại bằng nước sạch và thay quần áo.

Vào năm 1985, Đại học Kagoshima của nước Nhật đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để kiểm tra những hiệu quả của việc tắm cát trong lưu thông máu, hệ tim mạch và hệ hô hấp. Và kết quả chứng minh cho thấy việc tắm cát mang lại hiệu quả gấp ba đến bốn lần so với việc tắm suối nước nóng. Ngoài hiệu quả chữa bệnh, tắm cát giúp tạo ra sự mát mẻ trong mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Đó là lý do tại sao hai điểm đến trên thu hút 500 đến 600 du khách mỗi ngày.

Quốc Cường

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx