Cuộc chiến với dịch bệnh Covid 19 còn dài, cũng như cuộc sống còn nhiều khó khăn khác, nhưng nếu giữ được ngọn lửa tinh thần ấy, tôi tin không chỉ gia đình tôi mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách trong an toàn và thấm đẫm yêu thương.
Không gì là không thể, khi mọi thành viên gia đình chung một quyết tâm!
Chiều cuối kỳ nghỉ Lễ 30/4, đang ngồi thư giãn xem TV, bất chợt tôi nghe tiếng vợ vọng lại từ phía bếp. “Không khéo lại sắp phải nấu ăn ở nhà thôi!” – vợ tôi ca cẩm khi nghe những thông tin bất lợi về dịch bệnh Covid 19 đang bùng phát trở lại tại Việt Nam vì một số bất cẩn của người dân trong ý thức phòng chống dịch. Những viễn cảnh sắp tới gợi lại quá khứ khiến không ai thấy yên lòng. “Có khi sang tuần phải làm việc từ xa chưa biết chừng”. “Dịch bệnh mà, phải chấp nhận em ơi. Kể cả thành phố này phải lock-down thì cũng phải làm vì sự an toàn là trên hết”. Tôi động viên vợ dù tự thấy hoàn cảnh của mình, những gì đã trải qua trong năm 2020 là vô cùng mệt mỏi. Hồi đó, có lúc đến 3 tháng tôi không thể về thăm nhà vì tuân thủ khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ, chấp nhận “ngồi yên” ở Sài Gòn để đất nước dần vượt qua và chiến thắng Covid 19 trong trận đầu.
Hùng Lâm, cậu con trai lớp 7 đang xoay rubik, ngẩng lên góp chuyện: “Nghỉ ở nhà con lại phải học online, mà học online chẳng thích chút nào, không hiểu bài lắm”. “Vì sao vậy con?” “Con nghĩ nguyên nhân là độ tương tác thấp, dễ mất tập trung. Lại còn không được gặp các bạn, không được ra chơi, đùa nghịch nữa. Cuộc sống như ở trong lồng”, Lâm kết luận.
“Ừ đúng. Chị cũng thấy thế”. Con gái tôi tiếp lời cậu em. Thu Anh, cô sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế, cũng không hề thích học online. Chính Thu Anh hiểu nhất tác động của Covid 19 khi lịch học, lịch thi tốt nghiệp liên tục bị điều chỉnh thay đổi, đến cả việc xét tuyển đại học cũng bị ảnh hưởng do nhiều sinh viên không thể du học nên chuyển hướng học trong nước.
“Học ở nhà thì đúng là không thú vị rồi. Nhưng liệu có gì tích cực ở đây không?” Tôi gợi ý cho mấy đứa con khi thấy chúng hơi trầm ngâm vì viễn cảnh học online ngay trước mặt.
Cô chị nhanh nhảu: “Con thấy học online cũng có cái hay, đó là ngoài giờ học được ở nhà cùng mọi người, gần gũi nhau hơn. Không phải ra ngoài nên da dẻ cũng đỡ đen, đỡ bị bụi. Lại tiết kiệm được nhiều chi phí khác, chưa kể tiền học phí cũng được tiết giảm. Nếu chẳng may mẹ bị giảm lương như năm ngoái thì cũng không sao”.
Tôi nghe con nói phần thấy đúng quá, mà phần lại thương thầm khi chúng biết lo cho cha mẹ nỗi cơ cực mưu sinh trong mùa dịch. Nhưng các con có biết, không chỉ cha mẹ mà còn nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, cán bộ nhân viên nhiều nơi bị giảm lương, cuộc sống nhiều gia đình rơi vào cảnh thắt lưng buộc bụng.
Cô chị quay sang em, nói tiếp: “Lâm không đến lớp gặp được các bạn thì bù lại ở nhà, Lâm giúp đỡ mẹ với chị được nhiều hơn”.
Quả đúng như vậy. Hồi dịch năm ngoái, ngoài giờ học online, Lâm cũng biết hút bụi, lau nhà, nấu cơm, rửa bát, tưới cây, gấp quần áo … công việc nhà trước đây thường do mẹ và chị làm, thì nay Lâm cũng tham gia. Cậu thích thú khi được hướng dẫn làm các công việc, nhất là nấu ăn. Lại còn được mẹ khen đùa là “nhờ có Lâm mà mẹ tiết kiệm được tiền thuê người giúp việc”.
Nghe các con chia sẻ, nhìn vào ánh mắt của thế hệ tương lai, tôi thấy có sự lạc quan trỗi dậy. Vắc xin sẽ có, và sẽ có đủ cho tất cả. Hãy cùng chờ đợi và tin tưởng ở Chính phủ. Tôi kể cho các con nghe về lịch sử đất nước, về các cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã đi qua, về những đau thương mất mát và để có ngày hôm nay, có biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Một dân tộc dù nhiều phen bị uy hiếp, khó khăn đến cùng cực nhưng chưa bao giờ chịu khuất, vẫn vươn lên để giành lấy tự do độc lập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Dân tộc đó nhất định phải được bình an, dân sinh đó nhất định phải được hạnh phúc. Tôi bảo vợ và các con: “Mai chúng ta sẽ đến một nơi, bố nghĩ là rất thú vị”.
Đó là cột mốc chủ quyền số 1305 ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Nằm ở khu vực biên giới với Trung Quốc, để đến được cột mốc, từ chân núi cần phải đi trên một đoạn đường dốc, dài chừng 3km, được mệnh danh là “sống lưng khủng long”, một điểm đến ưa thích của dân phượt. Và gia đình tôi xác định, đây sẽ là chuyến đi để giữ lửa quyết tâm cho mọi thành viên trong cuộc chiến với dịch bệnh phía trước
Dù đã đọc trước về cung đường, nhưng thực tế khác nhiều so với tưởng tượng, nhất là thời tiết nắng nóng vô cùng. Từ Hà Nội đến Bình Liêu tầm 280km, khung cảnh hoang sơ, chỉ có vài chục du khách như chúng tôi, nhưng đa số là những bạn trẻ. Đường đi dốc đứng, dù đã có bậc bê tông nhưng vẫn làm chùn gối mỏi chân, đi một đoạn lại nghỉ, có khi chỉ bước được chục bậc lại phải nghỉ. Tính ra gần 3 nghìn bậc thang, lượn ngoằn nghèo trên đỉnh núi, để lên đỉnh cao nhất nơi đặt cột mốc số 1305. Các con tôi than mệt, chúng muốn dừng lại. Rất nhiều người cùng đi cũng dừng lại và bỏ cuộc. Mặc dù vậy, tôi động viên các con, động viên vợ, động viên cả bản thân mình vì theo thống kê chỉ 10% số người đến đây quyết tâm lên đến đỉnh và thăm cột mốc, còn 90% còn lại chỉ lên một độ cao nhất định là dừng, sau khi đã check-in bằng vài tấm hình đẹp.
Từng bước, từng bước một. Cuối cùng, sau hơn hai tiếng đồng hồ, giữa cái nắng thiêu đốt của dãy núi thuộc cánh cung Đông Triều – Móng Cái, gia đình tôi, từng người một, đã lên đến đỉnh. Hùng Lâm nhanh nhẹn khỏe khoắn lên trước, rồi đến Thu Anh, rồi đến vợ chồng tôi. Lên đó, hứng từng đợt gió mát lạnh ở độ cao 1300m, chúng tôi ngắm nhìn những rặng núi lớp lớp xa mờ, ngả màu xanh đậm nhạt, thật thích thú vô cùng. Rồi thong thả đi xuống dốc chừng hơn trăm mét là đến cột mốc. Lấy trong ba lô ra lá cờ Tổ quốc, chúng tôi cùng nhau chụp những tấm hình kỷ niệm bên cột mốc.
Dù trước mặt cũng còn hơn 2 tiếng nữa mới xuống đất, nhưng khi đã chạm tay vào cột mốc, coi như chạm vào ước mơ, và mục tiêu đặt ra, tất cả gia đình tôi, cùng nhau, vượt qua mọi khó khăn, đã đạt được.
Cảm xúc này gợi lại cho tôi khoảnh khắc lên đến đỉnh Phan Si Pan cách đây 15 năm, trước khi tôi lên đường đi công tác ở châu Phi. Trước một khoảng thời gian cách xa đằng đẵng, nhiều rủi ro thách thức, chính chuyến đi phượt 4 ngày 3 đêm leo Phan Si Pan đó đã giúp vợ chồng tôi vượt qua mọi khó khăn. Lúc đó, con gái tôi, Thu Anh mới tròn 4 tuổi.
Hành động cả gia đình cùng nhau sinh hoạt, vui chơi, thám hiểm, chúng tôi coi đó là việc tạo ra ngọn lửa đoàn kết, yêu thương, gắn bó, sẻ chia trong gia đình và cần giữ ngọn lửa đó cháy mãi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua các hình thức mà chuyến đi cột mốc 1305 ở Bình Liêu chỉ là một ví dụ.
Cuộc chiến với dịch bệnh Covid 19 còn dài, cũng như cuộc sống còn nhiều khó khăn khác, nhưng nếu giữ được ngọn lửa tinh thần ấy, tôi tin không chỉ gia đình tôi mà tất cả chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách trong an toàn và thấm đẫm yêu thương.
Không gì là không thể, khi mọi thành viên gia đình chung một quyết tâm!
Saigon 20/5/2021
Nguyễn Hùng Sơn (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Hãy cố gắng! Cuộc sống rồi sẽ cho ta lại màu xanh
- Sài Gòn xuất hiện trong trailer phim viễn tưởng mới nhất của “chà chuột” – Artemis Fowl
- Điểm mặt dàn nam chính toàn “cực phẩm” trong Dinh Thự Oan Khuất
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Đòn bánh tét quê nghèo của mẹ”
- Cây Táo Nở Hoa – Bộ phim quy tụ dàn sao hot chính thức ra mắt khán giả truyền hình