Nụ cười giúp cho khuôn mặt trở nên duyên dáng bội phần. Dù bạn có kém sắc thì chỉ cần cười tươi, gương mặt cũng đủ rạng rỡ, hấp dẫn người đối diện. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến nhiều người ngại cười là do hàm răng không trắng sáng và phần lợi chiếm diện tích lớn khi cười làm mất duyên. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, chữa cười hở lợi trở nên dễ dàng hơn, đem lại sự tự tin và nụ cười tươi tắn cho người có phần lợi lớn.
Cười hở lợi là gì?
Cười hở lợi là khi cười phần lợi hở ra nhiều hơn so với bình thường (khoảng cách từ chân răng đến vành môi thường lớn hơn 3 mm), khiến nụ cười mất thẩm mỹ.
Một số người châu Á nói chung và người Việt nói riêng thường dễ bị cười hở lợi. Tuy nhiên, đây chỉ là khiếm khuyết nhỏ, bạn không cần quá lo lắng bởi phẫu thuật có thể khắc phục được.
Nguyên nhân gây cười hở lợi
Nhìn chung, có 4 nguyên nhân chính:
– Hở lợi do răng gây ra: Nếu chiều cao của răng quá ngắn sẽ tạo ra sự không tương xứng giữa chiều cao răng với lợi. Khi cười, dù cơ nâng môi hoàn toàn bình thường nhưng khi môi kéo lên sẽ khiến lợi lộ ra.
– Hở lợi do nướu: Có 3 tình huống:
- Lợi phát triển mạnh bẩm sinh khiến cho lợi dài và dày nên cười dễ bị lộ.
- Lợi bám thấp, chiếm quá nhiều chiều cao thân răng tính từ gốc răng.
- Lợi phì đại do sang chấn từ các bệnh lý như viêm lợi…
– Hở lợi xương hàm gây ra: có 2 trường hợp
- Vòm xương hàm phát triển quá mạnh, đưa ra ngoài nhiều dẫn đến tình trạng cười vừa vâu, vừa hở lợi.
- Xương ổ răng quá dày và gồ khiến cho nướu bị đẩy ra trước.
– Do môi gây ra: Khi trường lực co vòng môi quá lớn nên khi cười, môi bị kéo lên cao hơn bình thường khiến lợi hở ra.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, cười hở lợi còn do bẩm sinh hoặc do ảnh hưởng của một số loại thuốc hay việc niềng chỉnh răng không đúng quy trình…
Cười hở lợi có những cấp độ nào
Gồm 4 cấp độ:
- Cười hở lợi nhẹ: khi cười, mô nướu hiện nhiều hơn 3mm và ít hơn 25% chiều dài của răng.
- Cười hở lợi trung bình: khi cười, mô nướu hiện nhiều hơn 25% và ít hơn 50% chiều dài của răng.
- Cười hở lợi nặng: khi cười, mô nướu hiện nhiều hơn 50% và ít hơn 100% chiều dài của răng.
- Cười hở lợi rất nặng: khi cười, mô nướu hiện nhiều hơn 100% chiều dài của răng.
Điều trị như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân gây, bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
– Do cơ môi: lực nâng của cơ môi trên quá mạnh, kéo môi trên lên làm lộ phần lợi nhiều hơn bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ bôi hoạt chất để giảm cường lực cơ môi trên không còn kéo mạnh khi cười, kể cả khi không kiềm chế được cảm xúc, bạn cũng sẽ không bị tình trạng cười hở lợi.
– Do xương hàm: xương hàm phát triển mạnh quá mức, nhô ra phía ngoài, gây ra tình trạng lộ nướu khi cười. Bác sĩ sẽ phẫu thuật để cắt bớt xương hàm trên, đẩy lùi hàm vào trong, cân chỉnh khớp cắn để làm hài hòa răng và nướu. Một số trường hợp nhẹ có thể tiến hành chỉnh nha – niềng răng, không cần phẫu thuật.
– Do răng: răng ngắn và nhỏ, không tương xứng với độ dài và rộng của nướu, khiến vùng nướu hở ra khi cười. Bác sĩ sẽ phẫu thuật nha chu để kéo dài thân răng, cân đối tỷ lệ răng với nướu để giảm mức độ cười hở lợi hoặc có thể bọc răng sứ tùy tình trạng của răng và nướu.
– Do nướu (lợi): nướu dày hoặc phát triển quá mức, trùm lên một phần của thân răng. Bác sĩ sẽ phẫu thuật nướu để cắt giảm phần nướu phì đại. Thông thường, khi cắt nướu phải mài xương ổ. Nếu không được mài, nướu sẽ bò theo xương ổ dẫn đến việc quay lại tình trạng như ban đầu hoặc nếu nặng hơn sẽ gây viêm nướu.
Lưu ý sau khi phẫu thuật
Chữa cười hở lợi sau bao lâu thì lành?
Tùy theo mức độ, tình trạng bệnh mà thời gian hồi phục sau phẫu thuật sẽ khác nhau:
- Sau 3-4 ngày hàm của bạn sẽ có dấu hiệu sưng nhẹ và bạn cần uống thuốc theo chỉ định của Nha sĩ kết hợp chườm đá
- Sau 5-7 ngày, hàm sẽ không còn sưng và các mô mềm ở nướu sẽ lành dần
- Sau 10 ngày, bạn sẽ hoàn toàn bình phục; tuy nhiên bạn không nên ăn nhiều thức ăn có độ cứng cao mà nên ăn thức ăn mềm
- Sau 1,5 tháng điều trị, bạn có thể sinh hoạt bình thường
Chế độ ăn sau khi điều trị
Những đồ bạn nên kiêng ăn sau khi điều trị:
- Thịt gà và xôi khiến lâu lành vết thương và nguy cơ để lại sẹo
- Đồ cứng, cay nóng làm ảnh hưởng đến vết thương
- Hải sản, trứng (đồ tanh): Những thực phẩm có vị tanh dễ gây dị ứng, ngứa, khó chịu cho vết thương.
Những thực phẩm bạn nên ăn:
- Đồ ăn mềm hoặc dạng lỏng
- Hoa quả, rau xanh
- Uống nhiều nước
Quỳnh Hoa