Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Sau cơn mưa trời vẫn tối

Mẹ vừa chăm sóc chúng tôi lại vừa lo cho người chồng bệnh tật. Vất vả vậy đã đành, khi bố lành lặn trở lại, ông vẫn chứng nào tật ấy. Cứ ngỡ rằng sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng ai ngờ cơn mưa nối tiếp cơn mưa mà nắng chẳng bao giờ xuất hiện…

Bạn đã bao giờ có cảm giác có nhà mà không thể về chưa? Các bạn sẽ trách móc, mắng mỏ tôi vì tôi có bố mà bỏ bê, chỉ muốn ông ấy biến mất khỏi cuộc sống này? Các bạn sẽ lên án tôi vì việc làm thậm tệ đó nhưng tôi vẫn muốn nó thành hiện thực nếu như điều đó có thể, để cho mẹ và mấy chị em tôi được sống yên ổn.

Gần ba mươi năm qua chúng tôi được sinh ra, lớn lên, sống trong một gia đình lạnh lẽo. Đó là cả một thế giới ướt đẫm sương đêm mà có lẽ chỉ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết hay một bộ phim truyện hư cấu nào đó. Thế nhưng nó là sự thật về cuộc sống gia đình tôi.

Người xưa có câu “Sống trong chăn mới biết chăn có rận”. Tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe về câu chuyện gia đình tôi. Người đời nhìn vào đều nghĩ tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình yên ấm hạnh phúc và có nền giáo dục tốt thì mới thành công như hôm nay. Đừng nghĩ vậy, không phải loài cây nào cũng béo mầm và nở hoa từ nền đất màu mỡ.

sau-con-mua-01

Cách đây gần ba mươi năm, có cây cầu nối ngang con suối giữa hai bản làng được xây dựng, đó cũng là cây cầu làm nên mối tình của bố và mẹ tôi. Mẹ tôi là công nhân công ty cầu đường 2, một người phụ nữ cả đời vôi vữa và cả cuộc đời cũng bạc như màu vôi. Khi ấy, giữa cái cộng đồng người đồng bào Nùng, mẹ tôi, một cô gái Kinh xuất hiện làm xáo trộn nơi thung lũng ấy. Một người tư duy mới mẻ, một người dám chống đối những hủ tục lạc hậu để rồi bị khinh, bị xa lánh.

Me kể năm 1990, khi tôi còn chưa chào đời, bố tôi bị dính căn bệnh lạ tiêu chảy cấp, kiệt sức, hơi thở yếu dần. Ông bà nội tôi và các chú bác không quan tâm, ngó ngàng đến. Khi mẹ nói nhiều thì ông bà gọi thầy đến làm lễ cúng. Thấy không khả quan, bà nội thậm tệ đến mức chuẩn bị sẵn quần áo mặc cho bố tôi để chuẩn bị làm đám tang. Mẹ tôi không can tâm nên nhờ người dìu bố tôi ra đầu làng, mẹ vẫy xe bộ đội từ biên giới mang bố ra bệnh xá cầu đường chữa trị. Nhờ mẹ nhanh nhẹn nên bố tôi được sống và trở về. Cũng từ đó, bà nội trở nên ghét mẹ tôi hơn.

Mọi chuyện sẽ bình thường nếu như tôi sinh ra là con trai. Nhưng trớ trêu, chị gái, rồi tôi, cả em gái lần lượt chào đời đều không đạt sự mong đợi của bố. Một người đàn ông miền núi khoẻ mạnh, hiền lành trở nên thay đổi. Mặc kệ mỗi ngày mẹ phải cõng chúng tôi lên nương làm ngô, đỗ, vào rừng hái hồi, hái củi, bố cứ say đắm vào các cuộc cờ bạc, rượu chè khi ở tuổi chưa đầy 30. Cũng từ đó mà gia đình tôi trở nên khốn khó hơn. Hễ mẹ kiếm được bao nhiêu thì bố phá đi bấy nhiêu.

Một ngày phải đi làm xa vào rừng sâu, mẹ gửi chúng tôi nhờ ông bà chăm và có gửi nồi cháo ngô, dặn bà bón cho chúng tôi. Chiều tối khi mẹ về đến nhà, trước mắt là ba đứa con khóc nheo nhóc vì đói. Nồi cháo vẫn nguyên trên bếp đã phả ra mùi chua. Mẹ chỉ biết ôm chúng tôi vào lòng. Những ngày sau đó, mẹ phải gửi chúng tôi cho hàng xóm.

Ông bà ghẻ lạnh đã đành, ông bà còn xúi hàng xóm xa lánh chúng tôi. Đó là năm 1995, khi phải dầm đất làm ngôi nhà trình tường mới, mẹ phải chạy vạy khắp các làng tìm mượn người đến hộ. Bà ra đứng cạnh bờ rào quát tháo:

– Kệ nhà nó chết dầm, chết ướt đi, hộ làm gì?

Rồi bà ra lệnh các bác, cô, chú không được hộ bố mẹ tôi dầm nhà. Cũng bởi mẹ mạnh mẽ nên cuối cùng chúng tôi cũng được sống trong ngôi nhà tránh nắng mưa.

Kể từ đó hàng xóm cũng ngoảnh mặt với chúng tôi. Năm 1997 là năm đầu tiên có điện nhà nước cấp. Gần nhà tôi có nhà bác là chiến sĩ về hưu có cái ti vi đen trắng. Chúng tôi vô cùng tò mò nên mấy mẹ con tôi tối nào cũng đi ngó xem. Nhưng khi bước chân đến sân là họ đóng kín cửa, bật nhỏ ti vi lại, rồi lấy bao, bạt che kín cửa sổ. Vì sự tò mò, tôi không đếm xỉa đến chuyện liêm sỉ, cũng có thể vì lúc ấy tôi nhỏ quá chưa đủ hiểu thế nào là lòng tự trọng. Vậy nên, những ngày sau đó, cứ đi học về, buổi trưa tôi đều đến nhà họ xin xem. Để được xem ti vi, tôi phải hộ quét nhà, băm rau lợn, tẽ ngô… Bây giờ nghĩ lại thấy khóe mắt, sống mũi cay, nhưng đó cũng chính là động lực để chúng tôi cố gắng.

Cứ thế chúng tôi lớn lên với những bữa cơm độn sắn, độn ngô. Tôi sẽ chẳng cảm thấy khổ nếu bố là người biết thương và đỡ đần mẹ. Nhà có bao nhiêu thóc ngô, ông trộm đi bán lấy tiền uống rượu, đánh bạc. Trong một lần say rượu, bố nằm ngủ ngoài đường bị xe công nông cán qua chân. Gần hai năm, bố không đi lại được. Mẹ vừa chăm sóc chúng tôi lại vừa lo cho người chồng bệnh tật. Vất vả vậy đã đành, khi bố lành lặn trở lại, ông vẫn chứng nào tật ấy. Cứ ngỡ rằng sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng ai ngờ cơn mưa nối tiếp cơn mưa mà nắng chẳng bao giờ xuất hiện.

sau-con-mua-02

Thời gian dài đằng đẵng trôi, ngày nào bố cũng chìm đắm trong hơi men. Khi thì ngủ lề đường, bờ ruộng, khi thì cầm dao đuổi đánh, giết người. Mấy mẹ con chúng tôi đã biết bao đêm ngủ đống rơm nhà hàng xóm, ngủ gác gỗ chuồng trâu chỉ để trốn tránh. Ấy thế mà mẹ chưa bao giờ nghĩ đến hai chữ li hôn. Cách đây năm năm, tôi có khuyên mẹ hay là phân chia ra cho bố ở riêng để khỏi bị làm phiền. Nhưng mẹ không những không đồng tình, còn quay sang quát tôi:

– Mày tưởng làm thế mà được à! Hàng xóm cười vào mặt cho, rồi còn tương lai chúng mày đâu?

Có lẽ vì mẹ nghĩ cho chúng tôi, mẹ luôn muốn vun đắp cho gia đình nên cố gắng cam chịu. Ở với một người mà làm ra bao nhiêu phá phách bấy nhiêu, thấy người là chửi là đánh, là cầm dao đuổi giết thì thật sự là khổ. Cái cảm giác sống chung không được mà thoát ra không xong thật không biết diễn tả ra làm sao. Tôi chỉ thấy thương mẹ mà chẳng giúp mẹ được gì vì bất lực.

Mẹ tôi là thợ xây, là người đi xây tổ ấm cho muôn vạn nhà nhưng không xây nổi cho mình một nơi hạnh phúc. Có lẽ mấy chị em tôi chính là gánh nặng đeo bám suốt cả cuộc đời mà mẹ gánh chịu.

Đêm nay, Lạng Sơn mưa không ngớt, ngoài trời tiếng sấm sét vang ầm ầm, điều đó không đáng sợ bằng tiếng chuông điện thoại quen thuộc gọi đến từ anh hàng xóm:

– Alo em à! Bố em ngủ ở đầu làng kìa, em ra mà đưa ông về nhà ngủ!

Tôi lại thở dài, lòng thêm nóng hơn. Dù gì ông ấy cũng là bố, làm sao mà tôi có thể mặc kệ. Nhưng bây giờ mà về nhà thì đêm nay tôi sẽ lại ngủ đâu. Vô vàn những suy nghĩ mâu thuẫn cứ hiện lên trong đầu thật khó diễn tả.

Tôi ngồi đờ đẫn nhìn tấm áo bạc dính màu vôi vữa đang nằm rũ rượi trên giường sau một ngày làm việc vất vả. Lòng tôi nôn nao.

Lý Thị Thảo (Lạng Sơn)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3.3 3 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Long
Huỳnh Long
1 year ago

Mẹ bạn người phụ nữ rất can đảm khi dám đương đầu với những hủ tục lạc hậu.

Lý Thị Thảo
Lý Thị Thảo
1 year ago
Trả lời  Huỳnh Long

cảm ơn bạn nhiều nhé!
mình thương mẹ lắm, dịch bệnh này còn không thể về nhà! Cuộc sống vất vả cũng phải vượt qua, lạc quan thôi bạn ạ!

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx