Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Những mảnh ghép trái màu

Tôi không yêu đương, tôi đã quen với việc ba nói gì nghe nấy. Tôi kết hôn với người mà ba mẹ nói “Thấy được đó”, rồi bắt đầu cuộc sống mà chính tôi phải ngỡ ngàng. Tôi như kẻ đi lạc đang mất phương hướng trong rừng thẳm, như kẻ lữ hành cô độc sắp chết khát trên hoang mạc bởi những bất đồng của cuộc sống hôn nhân giữa hai người trái tính nhau…

Ba tôi là người ít nói. Ông là người suy nghĩ sâu sắc nhưng không giỏi bày tỏ, nhất là tình cảm với các con. Ngược lại, mẹ lại là một người có suy nghĩ giản đơn và thường bị chi phối bởi cảm xúc thoáng qua.

Khi còn đi học, tôi thường hay hỏi sao ba mẹ trái tính nhau mà vẫn ở được với nhau trong suốt bao nhiêu năm? Mẹ chỉ cười, nói không lẽ bỏ nhau? Ở với nhau có bốn mặt con rồi chứ ít gì.

nhung-manh-ghep-trai-mau-01

Trong khái niệm của ba mẹ, đã lấy nhau là sống cả đời cả kiếp. Vậy nên tuổi thơ tôi luôn chứng kiến ba mẹ xảy ra những trận tranh cãi, giận hờn thậm chí có đôi lúc đụng tay chân khiến mâm cơm đang nóng hổi bỗng chốc tung tóe ra sàn, nằm lạnh tanh dưới đất. Nhưng chỉ sau mấy ngày đâu lại vào đó, lại cười nói vui vẻ như chưa có chuyện gì.

Với ba mẹ, gia đình không nhất thiết lúc nào cũng cười nói ôn hòa, mà là cứ để những xung đột tranh cãi xảy ra tự nhiên. Có như vậy thì từng chuyện một mới được tháo gỡ dứt điểm và tiếp tục sống với nhau.

Ba là người có phần cổ hủ. Ba trọng con trai nhưng tôi lại là con gái. Suốt những năm mẫu giáo cho tới tận khi tôi bước chân vào lớp một, ba chỉ cắt cho tôi kiểu đầu duy nhất giống như cái tô úp lên đầu để có một cái mái ngang trên chân mày còn đằng sau gáy thì cạo gần sát da. Ba dạy tôi theo cách dạy một đứa con trai bằng đòn roi và những câu nói nghiêm khắc.

Như những đứa trẻ khác, tuổi thơ của tôi không thể thiếu những trận đòn, thậm chí còn rất nhiều bởi tôi thực sự không khác gì một đứa con trai chuyên đi nghịch phá, trèo cây hái trộm quả hoặc đánh nhau với bọn con trai trong xóm đến sứt đầu mẻ trán. Những lần bị mắng vốn, tôi lại chịu những trận đòn quắn mông từ chiếc roi mây ba cất công vót sẵn và những rời răn dạy đã được nghe nhiều lần đến thuộc làu.

Chỉ khi tôi tròn bảy tuổi, tôi có một em gái lên 3 và em trai đầu tiên của tôi ra đời, đứa con ba cầu mong bằng nhiều tháng liền ăn chay trường cuối cùng cũng xuất hiện.

Ba không còn phải coi tôi là con trai nữa nhưng dường như những gì ba răn dạy đã trở thành bản tính của tôi. Tôi cứ vậy lớn lên trong hình hài một đứa con gái mà tính cách, suy nghĩ, hành động của một đứa con trai. Quyết đoán, cứng rắn và lạnh lùng theo cách của ba.

Tôi không yêu đương, tôi đã quen với việc ba nói gì nghe nấy. Tôi kết hôn với người mà ba mẹ nói “Thấy được đó”, rồi bắt đầu cuộc sống mà chính tôi phải ngỡ ngàng. Tôi như kẻ đi lạc đang mất phương hướng trong rừng thẳm, như kẻ lữ hành cô độc sắp chết khát trên hoang mạc bởi những bất đồng của cuộc sống hôn nhân giữa hai người trái tính nhau. Tôi trách nhiệm, quy củ còn chồng tôi khi đó mới lộ ra là người nhu nhược, an phận, hưởng thụ và dựa dẫm. Nhiều lần tôi phải gồng mình giải quyết hậu quả bên ngoài cho anh nhưng rồi anh vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí cả anh và gia đình anh coi việc tôi là người bảo hộ cho anh là một việc hết sức hiển nhiên.

Trải qua quá nhiều tháng ngày mệt mỏi. Tôi từng hỏi ý kiến ba mẹ rằng có thể ly hôn không? Mẹ tôi với bản tính cố hữu, vẫn khuyên tôi nhịn nhục. Rằng ra ngoài còn nhiều kẻ tệ bạc hơn, rằng ly hôn rồi thì sẽ tiếp tục thế nào? Nếu ở vậy thì sẽ ra sao, không lẽ lại tái hôn? Nếu tái hôn thì biết có gặp được người tốt không hay lại là một kẻ còn tệ hại hơn. Ba thì nóng tính, ba nói với tôi những câu từ khó nghe và dứt khoát. Thậm chí ông còn dọa rằng nếu tôi ly hôn thì ông sẽ từ mặt tôi, coi như chưa từng sinh tôi ra trên cõi đời này.

Tôi miễn cưỡng tiếp tục cuộc sống nhẫn nhịn.

Nhưng rồi cái gì cũng có giới hạn của nó. Và khi người chồng của tôi tự cho mình vượt qua quá rất nhiều giới hạn bằng việc ngoại tình, cá độ bóng banh, coi thường ba mẹ tôi mà họ không hề biết thì đến lượt giới hạn của tôi cũng không còn đủ để bao dung được nữa.

nhung-manh-ghep-trai-mau-02

Tôi chấp nhận cuộc sống sau này đơn độc, rất nhiều khó khăn nhưng sẽ đơn độc một cách tự do. Tôi âm thầm nộp đơn ly hôn, đồng ý ra đi  tay trắng cùng con gái và tâm trạng lo sợ ba mẹ mình sẽ sớm biết chuyện. Tôi quyết định tiền trảm hậu tấu.

Sau ly hôn, gia đình chồng cũ không liên lạc gì với ba mẹ tôi, bởi lỗi lầm con họ gây ra quá lớn. Họ xấu hổ nhưng họ tự cao, họ nghĩ trước sau gì với tư tưởng của ba tôi thì ông cũng bắt tôi sang xin lỗi họ. Nên họ không thèm nói một lời ăn năn nào với ba mẹ tôi sau đó.

Nhờ vậy, tôi có thời gian để bình tĩnh, lấy lại cân bằng cuộc sống và cảm xúc trong hơn sáu tháng. Hàng tuần, tôi vẫn gọi điện về cho ba mẹ và tỏ ra bình thường, tỏ ra rằng tôi vẫn trong vòng bình yên của một gia đình giả tạo.

Cho tới ngày cuối cùng của năm, thời khắc trước giao thừa cách đây sáu năm. Tôi đã phải gom hết sức mạnh tinh thần của một người con trong tâm thế có lỗi với ba mẹ, người mẹ trong tâm thế có lỗi với con gái và một người phụ nữ chịu nhiều tổn thương trong tâm thế một gã đàn ông cứng rắn để gọi điện về thú nhận sự việc đã xảy ra hơn nửa năm qua.

Ba tôi im lặng.

Cái im lặng trong nửa phút lại làm tôi nghẹt thở như việc cố im lặng giữ bí mật của tôi trong suốt nửa năm qua. Mẹ thì bắt đầu thút thít, mẹ nói gần đây mẹ và các em có nghi ngờ, nhưng sợ không phải sự thật nên không muốn nhắc tới với tôi. Các em tôi thay nhau lên tiếng bất bình cho chị gái, dù đã xong xuôi mọi việc.

Rồi tôi nghe tiếng ba thở dài thật mạnh. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ba buông xuống những lời trách móc vì đã làm xấu mặt gia đình, buông xuống những lời răn dạy dành cho một đứa con gái xưa nay trong suy nghĩ của ba.

Nhưng không …

Ba thở dài, rồi ba ngập ngừng, nói rời rạc từng câu: Nếu đã ly hôn rồi thì thôi. Nếu đã cố hết sức mà không cứu vãn được thì thôi. Không sống được với người ngoài thì về nhà sống với ba mẹ. Nhà này vẫn còn ba mẹ với các em. Khó khăn gì thì về, cả nhà đùm bọc lẫn nhau.

Tôi như bị điểm huyệt. Tôi chết lặng không thốt lên được lời nào. Vội vàng xin lỗi ba để cúp máy rồi ngồi gục xuống ngạc nhiên không hiểu từ đâu nước mắt mình tràn ra không ngớt, ướt nhòe khuôn mặt.

Lần đầu tiên, kể từ sau khi vào cấp ba đến nay, tôi khóc. Không phải vì những trận đòn roi do tinh nghịch thuở nhỏ mà vì những lời ba nói, không phải vì những lời mắng chửi mà vì tình cảm gia đình và sự bao dung của hai con người có mái tóc hoa râm đang ngả dần sang trắng xóa trước nay luôn khắc khẩu.

Hóa ra mẹ và ba bền chặt cùng nhau là vì vậy. Vì đằng sau những ồn ào, như ba từng nói, không phải vì ghét bỏ mà là để thấu hiểu nhau. Đó chính là tình cảm mà ba mẹ dành cho nhau và cho những đứa con mà ba mẹ sinh ra, dù là trai hay gái.

Quan trọng nhất, chúng tôi là một gia đình, cho dù mỗi thành viên là một mảnh ghép có màu sắc trái ngược nhau.

Trần Thị Lệ Khuyên (TP. HCM)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx