Mỗi lần vợ chồng tôi đau yếu, ba nàng “công chúa” thay phiên nhau đưa đi khám bệnh, chúng lo từng miếng ăn, viên thuốc. Cả ba đứa mặc dù đã lớn khôn, nhưng chúng vẫn cảm thấy mình còn bé thơ, thích nép mình vào vòng tay của mẹ để làm vui lòng mẹ.
Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, vì thế bà con thân tộc ai cũng muốn tôi sinh con trai để nối dõi tông đường. Thế nhưng, ba lần vợ tôi sinh con đều cho ra đời ba “công chúa” khiến nhiều người thất vọng.

Tôi thì không nghĩ vậy, trai gái gì cũng là con, miễn sao mình nuôi nấng dạy dỗ cho chúng nên người mới là điều quan trọng. Vợ chồng tôi là giáo viên nên các con đều được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đứa con lớn nhất của tôi học lớp Sáu. Vì mới hòa bình, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nên vợ tôi ngoài giờ dạy phải đi bán chuối nướng, hai đứa con gái lớn hàng đêm đi bán thuốc lá dạo. Còn tôi thì lúc nào cũng hăng say chạy theo khí thế của cách mạng, ngày làm hiệu trưởng, đêm dạy bổ túc văn hóa, không còn thời gian để lo kinh tế gia đình.
Cuộc sống bình lặng trôi qua. Những ngày mua tem phiếu, những ngày vật lộn với cơm áo gạo tiền đã đi qua nhanh chóng. Các con tôi bắt đầu vào trung học rồi đại học, đứa nào cũng chăm chỉ và có thành tích. Đứa con đầu lòng tốt nghiệp cử nhân, lấy chồng về dạy ở An Giang; đứa con thứ hai ra trường được giữ lại trường Đại học Cần Thơ, sau đó đậu thạc sĩ và dạy môn Ngữ văn cho đến bây giờ. Đứa con út cũng tốt nghiệp đại học kinh tế, hiện là nhân viên của một công ty nước ngoài.
Bổn phận làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con cái bình an, thành đạt. Tình thương của cha mẹ đối với con cái vô bờ vô bến nhưng không bao giờ mong con báo đáp. Ngược lại chỉ mong sao cho các con tiến bộ, tự chăm sóc bản thân để cha mẹ khỏi phải lo lắng. Đó là thứ hạnh phúc thầm kính nhất, thiêng liêng nhất. May mắn là cả ba đứa con gái nhà tôi đều thành đạt, ba chàng rể cũng đều tốt nghiệp đại học, trong đó có một PGS. Tiến sĩ hiện đang công tác tại trường Đại học Cần Thơ. Tôi vô cùng hãnh diện mặc dù không có dâu hiền nhung lại có rể thảo, con gái ngoan. Cha mẹ tôi đã qua đời, vợ chồng tôi ở tuổi 80, sống riêng tư vì ba đứa con đều có gia đình, một đứa ở An Giang, hàng tháng đều về thăm nhà, hai đứa kế sống gần nhà nên chúng thường xuyên có mặt, chăm sóc cho vợ chồng tôi.

Nhiều người e ngại vợ chồng tôi tuổi cao, nay đau, mai ốm, rủi nửa đêm có chuyện gì bất trắc, ai sẽ chăm lo? Tôi bảo không sao. Khi nào trái gió trở trời chúng thay phiên nhau cận kề. Vì nhà không có con trai nên mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ đều do con gái và con rể lo liệu. Mặc dù gia đình không khá giả nhưng chúng lúc nào cũng chu đáo. Đường, sữa, trà, cà phê lúc nào cũng có sẵn.
Mỗi lần vợ chồng tôi đau yếu, ba nàng “công chúa” thay phiên nhau đưa đi khám bệnh, chúng lo từng miếng ăn, viên thuốc. Cả ba đứa mặc dù đã lớn khôn, nhưng chúng vẫn cảm thấy mình còn bé thơ, thích nép mình vào vòng tay của mẹ để làm vui lòng mẹ. Tính tình hồn nhiên của chúng làm vợ chồng tôi vô cùng xúc động. Ngoài lòng hiếu thảo ra, chúng còn là những đứa con ngoan, hiền, biết giữ đạo làm con và đạo làm người theo truyền thống gia đình. Hầu như chúng không bao giờ làm cho cha mẹ buồn bực, lo âu và giận hờn. Chúng sống khoan dung, độ lượng, biết dạy con cái trên thuận dười hòa. Hiện chúng tôi có 6 đứa cháu ngoại, đứa nào cũng lễ phép và học hành giỏi giang.
Tôi hy vọng rằng sự hiếu kính của chúng hôm nay sẽ ươm mầm cho đạo hiếu đối với con cháu chúng sau nầy. Điều đáng mừng là tình cảm ba “công chúa” nhà tôi rất chan hòa, chưa bao giờ chúng cãi nhau to tiếng hay gây gổ mất đoàn kết. Có lẽ một phần do môi trường nghề nghiệp, một phần do ông bà, cha mẹ sống mẫu mực nên các con noi theo.
Tôi thường khuyên các con tôi muốn có hạnh phúc lâu dài hãy lấy chữ “tâm” làm đầu. Cái gì có lợi cho cộng đồng thì nên làm. Cái gì có hại cho người hoặc trái với pháp luật thì đừng làm. Có một triết gia đã nói “Lòng hiếu thảo như hoa hồng, còn sự bất hiếu như cỏ dại. Để có hoa hồng người ta phải tâng tiu chăm sóc, còn cỏ dại thì mọc tự do”. Như thế, muốn cho con cái hiếu thảo, các bậc làm cha mẹ phải mẫu mực soi gương và dạy chúng công cha nghĩa mẹ sinh thành ngay từ lúc còn ấu thơ. Bản thân tôi cũng cố gắng làm người cha tử tế, không bảo thủ, không cực đoan, hàng ngày, hằng giờ chăm sóc những hạt giống tâm hồn cho con cháu. Chính nhờ vậy mà cuộc sống của các con tôi lúc nào cũng vui vẻ, không hờn, không oán trách.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy người xưa vì trọng nam khinh nữ nên mới phân biệt giới tính, tư tưởng hẹp hòi và bất công với phụ nữ. Cái quan niệm bắt nguồn từ nho giáo thời phong kiến “Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô” ngày nay đã lỗi thời, không còn giá trị nữa. Thời xưa người ta đánh giá mười con gái không bằng một con trai vì chỉ có con trai mới nối dõi, con trai mới làm nên sự nghiệp lớn. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì từ ngàn xưa nhiều phụ nữ Việt Nam đã từng làm rạng danh cho đất nước, nhứt là gần đây đã có nhiều phụ nữ là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh nổi tiếng, đặc biệt trong hàng ngũ lãnh đạo cũng có nhiều phụ nữ xuất chúng.
Mặc dù nam giới có ưu thế về thể lực, về sức khỏe nhưng bù lại nữ giới có tính bền bỉ, kiên trì và chịu khó. Ông bà mình có câu “Đàn ông nông nổi giếng sâu. Đàn bà sâu sắc như cơi đụng trầu”. Đàn bà sâu sắc, tinh tế, kỹ lưỡng là thế!
Tôi thấy có nhiều gia đình đông con trai nhưng chằng ai lo cho gia đình. Thậm chí, nhiều bậc làm cha làm mẹ còn lâm vào cảnh khổ “Trẻ nuôi con, già trông cháu”. Có những gia đình tuy đông con nhưng đứa đi làm ăn xa, đứa nghèo khổ, đứa thất nghiệp, rốt cuộc không có ai gần gũi cha mẹ già. Đáng buồn hơn nữa là nhà tuy có con trai nhưng do hoàn cảnh nên không phụng dưỡng được cha mẹ già, cuối cùng phải thuê người chăm sóc khi cha mẹ đau yếu nằm bệnh viện.
Ở đời, tâm lý chung ai cũng muốn “có nếp có tẻ”, có trai có gái cho hài hòa và vui cửa vui nhà, thế nhưng “trời cho con nào quý con nấy” không nên phân biệt đối xử. Con trai cũng như con gái, nếu được gia đình giáo dục, ươm mầm từ nhỏ, lớn lên chúng sẽ thành người tốt, đem lại niềm vui và tự hào cho cha mẹ, cụ thể như gia đình của tôi. Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều tấm lòng thơm thảo, không phân biệt trai gái, hiếu kính cha mẹ đáng được ngưỡng mộ.
Hoài Phương (Cần Thơ)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- H&M ra mắt BST thời trang bền vững cho trẻ em hợp tác với họa sĩ Angela Mckay
- Metropole Hà Nội lọt vào top “101 Khách sạn Tuyệt vời nhất Thế giới” của Fodor’s Travel
- Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Cách ly – Càng yêu thương hơn
- AkzoNobel ra mắt Sadolin – Dòng sơn gỗ cao cấp
- Có gì khác biệt trong lần “tái sinh” thành công vang dội của Suicide Squad?