Không khí nhà tôi im phăng phắc, anh em chúng tôi không một manh áo mới, nhà cửa cũng chẳng trang trí mua sắm gì. Lần đầu trong đời tôi cảm nhận tết đoàn viên buồn như thế, mùi tết nhạt nhòa trống vắng, các thành viên trong gia đình chẳng ai nói với ai câu nào, thắp nhang cho các cụ rồi đi ngủ, mong cho tết qua thật mau.
Năm 1977, theo chủ trương của Nhà nước, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam) kết nghĩa với tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau). Đến năm 1981, gia đình tôi và nhiều gia đình khác đến Nông Trường Minh Hà – huyện Trần Văn Thời tỉnh Minh Hải lập nghiệp.

Đoàn quân “Nam tiến gia đình chúng tôi” đi theo diện di dân làm kinh tế mới, chân ướt chân ráo vào nhập cư nên còn nhiều khó khăn, cuộc sống thật vất vả, gia đình nào cũng đông con nên ‘’nghèo đói thường trực’’. Làm quen với vùng đất này thật sự là một phép thử lòng kiên trì không dành cho những ai yếu tim, sờn chí. Hoang vu, đói kém, lau sậy, muỗi vắt… là những “đặc sản” trước mắt, nhìn thấy ai cũng rùng mình hãi hùng.
Bố tôi là y sĩ nên nhận nhiệm vụ ở Trạm y tế nông trường, mẹ là công nhân lao động chính, các anh chị còn là học sinh, tôi thì bé tý chưa biết bò. Gia đình tôi được giao 3,7 hecta đất đồng năm để làm lúa mùa, trước giờ canh tác theo kiểu vùng đồng bằng Bắc bộ, một năm có bốn vụ. Nay được giao đất canh tác vùng đồng lầy, lại cấy lúa một vụ, gia đình chúng tôi phải học kiểu canh tác mới này.
Cuốc đất gieo mạ xong, chờ mưa xuống đủ nước mới phát năn, ủ cho năn thối xác, nước ruộng đen ngòm rồi cào thành bờ dòng, chế lại một lần nữa rồi mới cấy. Một tầm dài 3 mét cấy 9 cây lúa, chẳng biết công thức đó lấy từ đâu, dân gian cứ gọi là “tầm chín cây”. Đó là những trình tự thực hiện một vụ cấy lúa nước ở mảnh đất phương Nam đầy hứa hẹn.
Năm đó, gia đình tôi nhận thêm mấy hecta rừng để cấy lúa, gọi là rừng chứ thật ra đó là diện tích đất cháy. Nguyên nhân do mùa khô tài nguyên trên đất bị ảnh hưởng của hạn hán rồi cháy sập hoàn toàn. Giờ mưa xuống có vẻ dễ canh tác nên chủ rừng Vồ Dơi giao cho dân trồng lúa để xóa đói giảm nghèo.
Đất khá tốt nên cuối năm nhà tôi trúng gần 1.000 giạ lúa, nhờ vậy mà không khí gia đình chuẩn bị đón Tết rất vui tươi, tạm xua tan nỗi ám ảnh thiếu thốn. Một luồng sinh khí mới tràn vào nhà tôi, khó khăn cực nhọc tan biến trên gương mặt bố mẹ, còn anh em chúng tôi thì khỏi phải nói “lần đầu trong đời thấy đống lúa to như quả núi”, cảm giác no nê hơn bao giờ hết.
Bán lúa xong được một mớ tiền kha khá để trang trải nợ nần, số còn lại mẹ tôi dự kiến mua sắm trong nhà, dành một ít để sang năm tái đầu tư, hiển nhiên là có một phần chuẩn bị cho cái tết nguyên đán cận kề. Cả gia đình háo hức bàn bạc, nào là sắm cái tivi trắng đen 14 inh, mua thêm cái bình ac quy, rồi là sẽ mua một cái máy nổ Koler Tư để lắp vô cái xuồng be thước… rất nhiều dự kiến khác. Lần đầu mới có cảm giác nhà nhiều lúa nên niềm vui của mỗi người cứ như trẻ được nhận quà.
Trẻ nhỏ chúng tôi cũng vui hớn hở, chắc chắn năm nay thế nào cũng có hai cái áo mới và một đôi dép, chứ đó giờ tết được có một cái áo thôi, có năm chẳng được cái nào. Nếu có áo thì thôi mua mũ hoặc dép, có mũ với dép thì thôi không có áo, cảnh nghèo đông anh em là thế. Mẹ tôi là người thiệt thòi nhất, quanh năm chỉ có cái áo bà ba bông hoa với cái quần xà gu đen xì xoăn tít, vất vả đủ nghề để nuôi 10 anh chị em tôi.
***
Bà Hai bánh cam đến nhà hỏi mượn tiền, không biết mẹ tôi tin tưởng bà ta thế nào mà sẵng lòng cho mượn hết, bản chất nông dân thật thà dễ tin người nên bà chẳng đắn đo hẹp hòi gì. Trái lại, bà ta thì lại quá ranh ma quỷ quyệt, nghe nhà tôi trúng mùa bèn đến lân la ngon ngọt nịnh bợ vay nợ. Cũng từng trải qua cảnh khổ cực, túng quẫn nên chắc là mẹ tôi đồng cảm, chẳng suy nghĩ liền cho bà ta mượn mà không biết rằng tai họa sắp đổ xuống gia đình mình.
Năm ngày, một tuần, rồi mười ngày… tết đã cận kề mà bà ta vẫn chây ỳ không trả. Cuối cùng hai bên xảy ra cự cãi, bà ta tuyên bố không trả nợ. Thế là tan tành giấc mơ lớn của gia đình nhà tôi, trong nhà xảy ra xào xáo, không có tiền lấy gì mà lo tết chứ nói gì mong mua tivi, máy nổ…. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, cố gắng lắm mẹ tôi cũng chuẩn bị được mấy ký gạo nếp, cũng may là gà vịt nhà nuôi được, vậy là năm đó chỉ có xôi và thịt gà cúng các cụ. Nhìn những gia đình khác rôm rả chuẩn bị tết mà chạnh lòng, đêm giao thừa pháo nổ rền trời, còn anh em chúng tôi nhìn nhau trong nước mắt.
Không khí nhà tôi im phăng phắc, anh em chúng tôi không một manh áo mới, nhà cửa cũng chẳng trang trí mua sắm gì. Lần đầu trong đời tôi cảm nhận tết đoàn viên buồn như thế, mùi tết nhạt nhòa trống vắng, các thành viên trong gia đình chẳng ai nói với ai câu nào, thắp nhang cho các cụ rồi đi ngủ, mong cho tết qua thật mau. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn không thể nào quên được vị tết năm ấy, nhớ lại cảnh mẹ buồn rầu trên giường cầm cái quạt mo cau phẩy muỗi cho thằng em út, bố lau lau quét quét bàn thờ, làn khói mờ ảo pha trộn mùi nhang bên ngọn đèn dầu le lói mà đôi mắt cay xè đến não cõi lòng.
Đương nhiên là anh em chúng tôi không trách bố mẹ mình rồi, có sao ăn vậy, ông bà đã cố gắng quanh năm lam lũ, làm đủ nghề để nuôi chúng tôi khôn lớn, cho chúng tôi đến trường học hành tử tế, nhưng chẳng may lại bị người đời hành xử bạc bẽo, đó là điều khó ai lường và không thể trách. Ngày ấy ông bà thật mãnh liệt, nghèo khó bủa vây, vừa có tý của tưởng dắt đàn con thoát nghèo ngoạn mục thì lại bị lừa lấy mất. Một tay mẹ chèo lái con thuyền gia đình, chạy ăn ngược xuôi lo lắng đủ thứ nuôi 10 đứa con mà không lời than vãn.

Tuy không còn khó khăn như thời của bố mẹ nữa, không phải lo toan cho một bầy con như mẹ mình ngày ấy. Nhiều năm nay, mỗi lần tết đến có tiền tiêu xài, có quần áo mới, có thức ăn ngon, được mua sắm đầy đủ… nhưng tôi vẫn nhớ hoài mùi vị của đêm 30 năm ấy. Tuy khó khăn nhưng vẫn có đĩa xôi và con gà cúng gia tiên, mùi nhang thơm thoảng nhấp nhô cõi lòng, trong giá buốt đất trời đem hơi ấm của xuân về trên khắp nẻo đường. Nhưng thật sự năm đó nhà tôi không có Tết.
Lê Văn Tám (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Xuất sắc quá
Một thời khó khăn.