Chiều chiều, tôi vẫn đạp xe trên con đường mà hàng ngày mẹ thường cuốc bộ xuống chăm con cháu. Tôi cố mong một lần gặp lại bóng dáng gầy guộc, khẳng khiu ấy. Nhưng chẳng thể nào….
Người ta nói rằng: Khi người thân của ta không còn là lúc ta nhận ra sự quý giá của hai tiếng tình thân. Tôi đã chiêm nghiệm điều đó qua trải nghiệm của chính bản thân. Khi biết đến cuộc thi viết về gia đình, người tôi muốn đặt bút để nói đến là Mẹ – người đã cho tôi sự sống, hơi thở, cho tôi được sải cánh bay xa giữa bầu trời rộng mở và cũng là người đã để lại trong tâm hồn tôi một khoảng lặng. Giờ bà đã rời xa, rất xa để đi về thế giới bên kia cùng tiên tổ….
Có thể bạn tự hào khi giới thiệu với mọi người mẹ bạn là một giáo viên, một bác sĩ hay một doanh nhân thành đạt. Còn tôi, tôi hãnh diện và muốn hét to với cả thế giới này: Bà là mẹ của tôi cho dù bà chỉ là người nông dân bình thường.
Mẹ sinh ra và lớn lên từ một miền quê nghèo, lam lũ, nơi mà hạt gạo trắng ngần đậm vị phù sa của con sông Kinh Thầy, pha vị mặn của những giọt mồ hôi mẹ đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Mẹ chỉ là một bà mẹ quê bình thường. Cuộc đời mẹ gắn bó với cánh đồng, với vườn tược. Mẹ chẳng thể cho tôi cuộc sống giàu sang, đủ đầy như nhiều bạn cùng trang lứa.
Ngày nhỏ, tôi đã từng thầm trách: Tại sao tôi lại không có quần áo đẹp như các bạn? Khi bè bạn được mẹ dắt vào tiệm mua những que kem mát lạnh với những lời âu yếm, yêu chiều. Lúc đó, tôi chỉ lặng nhìn theo, đôi chút ganh tị. Mẹ ít nói lời ngọt ngào, đôi khi còn hay quát tháo, lời nói có phần khó nghe. Tôi đã từng chạnh lòng…
Thời gian và khó nhọc làm mái tóc mẹ phai màu. Tôi cũng trưởng thành theo màu tóc mẹ và tôi đã vỡ lẽ thật nhiều điều. Phải rồi, mẹ không cho tôi cuộc sống sung túc như ai nhưng bà đã cho tôi tất cả những gì bà có. Bà chỉ là người nông dân, không nói được những lời hoa mĩ nhưng bà trao cho tôi cả trái tim mình. Những gì ngon, tốt mẹ đều dành cho anh em tôi. Còn nhớ, ngày trước mỗi lần cả nhà ăn cơm, mẹ chỉ chấm mút, gắp rau. Ai gắp thịt cho mẹ, bà đều bỏ ra và nói mẹ không thích ăn thịt các con ạ. Tôi quá vô tâm khi không hiểu rằng: Mẹ đang nhường cho chồng, cho con.
Nhà chỉ có vài sào ruộng, thu nhập chẳng là bao nhưng mẹ dành dụm nuôi tôi ăn học đàng hoàng. Mẹ luôn dặn dò anh em tôi: “Cha bố anh chị, liệu mà học hành. Chứ giống như mẹ khổ lắm. Cả đời mẹ làm tất cả là vì các con”. Lời dặn của mẹ luôn theo tôi và là động lực cho tôi cố gắng.
Năm ấy tôi đỗ vào đại học, mẹ mừng rơi nước mắt. Mẹ bảo: Thế là con của mẹ sau này sẽ không còn khổ như mẹ. Tôi hỏi mẹ: Nhà mình có tiền cho con học không ạ?
Mẹ lặng người, rồi nắm tay tôi nhìn thẳng vào mắt trả lời: – Mẹ lo được!
Mấy năm tôi đi học xa, mẹ vất vả bội phần. Ngoài việc đồng áng, mẹ làm thuê cho người ta, rồi bán hàng thêm. Đổi lấy tấm bằng tốt nghiệp của tôi là tấm thân hao gầy, khẳng khiu của mẹ. Tôi ra trường trở thành cô giáo, toại nguyện ước mơ của bản thân và của cả ước mơ của mẹ. Tháng lương giáo viên đầu tiên của tôi chỉ là 699 000 đồng. Tôi đạp xe thật nhanh về để tặng mẹ. Mẹ đã khóc rất nhiều, khóc vì tôi đã trưởng thành, đã biết nghĩ đến mẹ cha và trân trọng đồng tiền kiếm được.
Ngày tôi lấy chồng, mẹ lặng lẽ nhìn theo tôi bước lên xe hoa cùng chồng về ngôi nhà mới. Tôi chẳng dám nhìn lại phía sau, nhưng tôi biết, mẹ buồn lắm. Từ ngày tôi lấy chồng, mẹ hàng ngày ra cổng ngóng tôi về thăm nhà. Nhiều khi tôi quá vô tâm chạy theo công việc, mà quên mất rằng có một người đang đợi tôi về thăm.
Tôi sinh ba đứa con, ngày nào cũng như ngày nấy không quản gió mưa, mẹ cuốc bộ tới chăm nom, săn sóc cháu cho con gái đi làm. Nhiều lúc con cái quấy quả, trong lòng không thoải mái, tôi không ít lần cáu giận với mẹ. Có lúc giận quá mắt bà đỏ hoe. Nhưng hôm sau, bà vẫn xuống giúp tôi chăm con, quán xuyến nhà cửa để tôi làm tốt công việc của mình. Lòng mẹ bao dung không lời nào tả xiết.
Giờ đây anh em chúng tôi đều đã trưởng thành, không quá giàu sang nhưng cũng đã có thể báo hiếu cha mẹ. Nhưng cuộc đời thật lắm trái ngang… mẹ không còn để nhận được sự báo hiếu của các con nữa rồi. Bà mất sau một năm bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Và cũng kể từ đó, tôi chẳng còn mẹ trên đời.
Chiều chiều, tôi vẫn đạp xe trên con đường mà hàng ngày mẹ thường cuốc bộ xuống chăm con cháu. Tôi cố mong một lần gặp lại bóng dáng gầy guộc, khẳng khiu ấy. Nhưng chẳng thể nào….
Đôi lúc tôi tự trách bản thân mình, tôi muốn quay ngược bánh xe của thời gian để mẹ quay lại với anh em tôi như những ngày thơ bé. Mẹ đi rồi, để lại trong lòng tôi một khoảng lặng.
Khoảng lặng ấy để tôi tìm về sau những mệt mỏi, guồng quay của công việc để rồi nuối tiếc, đôi chút dằn vặt bản thân.
Đêm qua, trong cơn mơ tôi thấy mình được về thưở ấu thơ, nằm trong vòng tay mẹ nghe lời ru ngọt ngào:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Nguyễn Thanh Thủy (Hải Dương)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Chơi Là Chạy tập 1 hé lộ những cảnh rượt đuổi kịch tính, nghẹt thở trước khi lên sóng
- List những phim kinh dị sẽ ra rạp vào dịp cuối năm nay
- Thúy Ngân trổ tài làm bánh trứng, Trương Thế Vinh không dám ăn
- Victoria Beckham khoe loạt ảnh thời thơ ấu cực đáng yêu đánh dấu tuổi 46
- Herbalife Việt Nam tổ chức Chương trình “Xuân Yêu Thương 2023” cho hơn 1.100 trẻ em
Bài viết hay quá