…bố tôi trượt dài trong những cuộc chơi, mọi áp lực kinh tế dồn cả lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Ngày nhập học mẹ đưa tôi tới phòng trọ, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi xa nhà, bước vào cuộc sống tự lập. Chỉ đến khi mẹ bảo mẹ phải về tôi mới khóc òa. Mẹ thương tôi nhưng vẫn phải dứt áo ra về vì cảnh nhà túng quá, mẹ phải về vì không thể bỏ một ngày công. Lòng tôi đầy xót xa thương cảm…

“Khi nào cô bảo rặn cháu mới được rặn nhé, cứ bình tĩnh nha cháu sắp được gặp con rồi”. Lời cô hộ sinh động viên tôi trong cơn chuyển dạ, trong phòng sinh tôi bồi hồi lo lắng vì đây là lần đầu sinh con. Qua ô kính, gương mặt mẹ còm cõi nhìn vào bỗng tôi cảm nhận được một tình yêu thương bao la mẹ dành cho tôi nó khiến tôi òa khóc, cô hộ sinh và mọi người nghĩ rằng do cơn đau nên tôi khóc lại tới bên động viên an ủi.
Sau sáu tiếng trong phòng sinh cuối cùng tôi cũng được gặp con, con cất tiếng khóc chào đời làm tôi bừng tỉnh bao cảm xúc và cảm xúc mãnh liệt nhất là bỗng thấy thương mẹ thật nhiều, quả thật câu nói “có con mới hiểu lòng cha mẹ” là vậy.
Lần đầu làm mẹ tôi lo lắng đủ thứ, tinh thần luôn căng thẳng và rất yếu đuối, lúc nào cũng chực òa khóc, may mắn là có mẹ luôn ở bên an ủi động viên, có lần mẹ bảo “con phải mạnh mẽ lên, ngày mẹ sinh con và các em chỉ có một mình không có bà ngoại bên cạnh đỡ đần đâu”. Bao câu chuyện về mẹ lại mờ nhòa hiện ra trong tâm trí tôi.
Mẹ tôi được sinh ra từ kết quả của một cuộc tình đổ vỡ, ngày bà ngoại sinh mẹ tôi cũng là ngày ông lên đường ngập ngũ. Bà sinh xong, hai bên gia đình vẫn không chấp thuận cuộc tình này nên họ đã quyết định đem mẹ tôi cho người khác nuôi.
Bà nội kể cho tôi nghe về câu chuyện của mẹ: vào một ngày mùa đông giá rét bà tôi khi ấy đang cuốc đất để chuẩn bị trồng màu thì bỗng nhìn lên đê bắt gặp hình ảnh ba người phụ nữ đi bộ, trên tay của một người bế theo một đứa bé được ủ trong chiếc tã cũ kĩ và đứa bé đó chính là mẹ tôi. Ông bà – người nhận nuôi mẹ tôi lúc đó hiếm muộn mãi mới có con, ngày bà đi sinh thì không may đứa bé chào đời không cất tiếng khóc rồi ra đi mãi. Ngay lúc đó nghe được câu chuyện của sản phụ bên cạnh đang khóc lóc đau đớn vì sự mắng nhiếc của người thân “tao đã bảo mày với nó không có kết quả gì đâu, đứa bé này chúng tao không chấp nhận nó là cháu tao, mày muốn làm gì thì làm cho ai thì cho”. Gương mặt của người con gái non nớt khi mới mười sáu tuổi đầu đã phải làm mẹ đang đau đớn trước sóng gió ập tới cuộc đời mà chưa biết xoay xở ra sao.
Biết được câu chuyện của họ, bà ngoại nuôi của tôi liền vội vã tới ngỏ ý muốn nhận nuôi đứa bé và hứa sẽ chăm sóc như con ruột của mình, vì bà hiếm muộn lại vừa mất con. Sau một ngày suy nghĩ cuối cùng bà ngoại ruột tôi cũng quyết định để mẹ lại cho ông bà. Tuy là con nuôi nhưng mẹ tôi vẫn được uống dòng sữa mẹ mát lành và nhận được trọn vẹn tình yêu thương.
Tuổi thơ của mẹ trôi qua trong cơ cực nghèo đói trong những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mĩ, ông đi bộ đội xa nhà để lại mình bà ngoại chăm bẵm mẹ và các cậu (điều kì diệu là sau khi nhận nuôi mẹ tôi thì ông bà sinh được ba người con, dù sinh được con ruột nhưng họ vẫn coi mẹ tôi là máu mủ và hết mực yêu thương).
Khi hòa bình lập lại, ông tôi vẫn làm công việc lái xe trong quân đội nhưng được chuyển công tác về gần nên có thời gian chăm sóc cho gia đình nhiều hơn, nhưng cũng chính lúc này bà ngoại đổ bệnh, sau một thời gian thì bà mất để lại nỗi đau khôn xiết cho cả nhà đặc biệt là ông. Sau khi bà mất, ông càng trầm tính ít nói và già đi nhiều. Lúc này mẹ tôi mới lên tám còn đang đau khổ ngơ ngác trước nỗi đau mất mẹ – mất đi cả một bầu trời thương yêu thì đã phải thay bà chăm sóc các cậu, nên ngay từ nhỏ mẹ tôi đã rất tháo vát và đảm đang.
Bố mẹ lấy nhau và sinh ra tôi. Cuộc sống cứ tưởng như vậy bình yên trôi, những tưởng khi lấy bố, mẹ tôi sẽ có bờ vai vững chắc để dựa vào nhưng không ngờ sóng gió ập tới gia đình tôi. Sau khi sinh tôi, bố không tu chí làm ăn, theo sự lôi kéo của bạn bè sa ngã vào những cuộc chơi, kinh tế gia đình ngày càng sa sút.
Tôi lớn lên trong không khí của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những năm tháng ấy tôi thấy mẹ khóc rất nhiều. Năm tôi học lớp 12 là dấu mốc quyết định tương lai của cuộc đời. Tôi đăng kí thi đại học sư phạm trước sự phản đối kịch liệt của hai bên nội ngoại vì mọi người cho rằng nhà nghèo rất khó để xin việc, thêm nữa mẹ tôi cũng khó trang trải kinh tế để nuôi tôi ăn học đại học. Tất cả đều phản đối chỉ riêng mẹ tôi không nói lời nào, tôi có hỏi ý mẹ, mẹ chỉ nói mẹ tôn trọng vào quyết định của tôi.
Tôi đỗ vào đại học sư phạm, lúc này bố tôi trượt dài trong những cuộc chơi, mọi áp lực kinh tế dồn cả lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Ngày nhập học mẹ đưa tôi tới phòng trọ, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi xa nhà, bước vào cuộc sống tự lập. Chỉ đến khi mẹ bảo mẹ phải về tôi mới khóc òa. Mẹ thương tôi nhưng vẫn phải dứt áo ra về vì cảnh nhà túng quá, mẹ phải về vì không thể bỏ một ngày công. Lòng tôi đầy xót xa thương cảm.
Những năm tháng trọ học xa nhà, tôi luôn sống trong dằn vặt vì làm gánh nặng cho gia đình. Thời gian này mẹ làm thêm đủ việc để trang trải kinh tế như: phụ hồ, rửa bát thuê, có khi lại đi bốc vác, ai thuê gì làm nấy bất kể nặng nhọc, nắng mưa. Bà nội tôi ngày ngày mò cua bắt ốc, lúc lại trồng thêm rau bán để phụ giúp mẹ tôi một tay. Nhớ lại những năm tháng ấy bây giờ sống mũi vẫn còn cay.
Sau bốn năm tôi cũng tốt nghiệp ra trường với tấm bằng giỏi, được tuyển thẳng vào ngành và đi dạy ở trường cấp 2 cạnh nhà, gia đình vui mừng, sau bao năm đây cũng là lần đầu tôi thấy mẹ nở một nụ cười rạng rỡ như trút bỏ bao muộn phiền.
Những tưởng như trong phim là sau khi tốt nghiệp đại học tôi có việc làm và trở thành người thành đạt, giàu có để giúp đỡ gia đình vươn lên nhưng đời không như mơ. Với đồng lương giáo viên ít ỏi tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều cho gia đình. Đi làm được vài năm tôi lấy chồng. Và cho tới khi sinh con tôi mới thấu hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết nỗi cơ cực của mẹ, cuộc đời một người phụ nữ đầy sóng gió ngay từ khi vừa chào đời.
Những sóng gió, cơ cực theo năm tháng hằn sâu trên khuôn mặt mẹ, tóc mẹ bạc đi nhiều và chứng bệnh đau đầu kinh niên hành hạ mẹ mỗi khi trái gió trở trời. Tôi luôn cảm phục trước sự mạnh mẽ của mẹ, có lần tôi hỏi: “Sao mẹ có thể vượt qua được tất cả vậy mẹ”. Mẹ cười: “Con người ai cũng phải sống con ạ, sống mà vượt qua những đau thương không thể hèn nhát mà bỏ cuộc và vì mẹ có các con nên mẹ càng phải mạnh mẽ để lo cho các con nên người và các con cũng chính là điểm tựa giúp mẹ đứng dậy và vượt qua tất cả”.
Mẹ! Mẹ là đóa hướng dương kiên cường luôn hướng về phía mặt trời kể cả khi bão dông. Mẹ là thành trì vững chãi cho các con tựa vào mỗi khi gặp sóng gió trong cuộc đời, các con cần có mẹ.
Nguyễn Thị Hồng Nhung (Bắc Ninh)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Valentine ngọt ngào tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng
- Cuộc Phiêu Lưu của Scooby-Doo tung trailer 2 hé lộ hết dàn biệt đội thám tử nhí nhố
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Bố chồng tôi”
- 3 yếu tố khiến Bằng Chứng Vô Hình là bộ phim đáng mong đợi
- Cùng BAEMIN nhìn lại hành trình chinh phục người dùng Việt Nam
Bài của chị rất hay và cảm động ạ.
Quá hay😋😋
Người mẹ vĩ đại 💝
Mẹ là số 1