Đã hơn ba năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về bố là nước mắt tôi lại rưng rưng và cay nơi sống mũi. Hình ảnh về bố tôi suốt một đời lam lũ – cay cực không bao giờ phai mờ trong tôi.
Nhà tôi ở một miền quê nghèo, bố tôi suốt ngày cặm cụi trên mấy công vườn trồng trọt, chăm bón các loại rau, củ quả…để làm kế sinh nhai cho cả gia đình. Dù trời nắng hay trời mưa bố đều đặn như chiếc đồng hồ. Cứ sáng sớm đúng sáu giờ là bố vác cuốc ra khỏi nhà, mười một giờ rưỡi là về ăn cơm trưa, một giờ chiều lại ra vườn, sáu giờ chiều thì bố về nhà ăn cơm tối và nghỉ ngơi, cứ thế… cứ thế lịch trình của bố ngày nắng cũng như ngày mưa, không sai một ngày nào cả.
Ngày nghỉ học tôi hay theo bố xuống vườn, đám vườn của bố trồng đủ thứ rau: hành, ngò, rau muống, rau cải, xà lách, khoai lang, tỏi, ớt, các loại rau thơm… mảnh vườn lúc nào cũng sạch bong, tuyệt không có một cọng cỏ nào. Từng luống, từng luống rau mơn mởn, xanh tươi nhìn thật thích mắt. Bố tôi tự cuốc đất bằng tay, làm theo thứ tự luân phiên dây chuyền để có rau bán gối đầu cho nhà hàng nên hai bàn tay bố gân guốc và chai sần. Xuống vườn, tận mắt thấy công việc của bố mới thấy hết được sự vất vả của bố mà càng thương bố nhiều hơn. Mỗi khi trời mưa bố lại lo lắng đứng ngồi không yên. Nhiều đêm mưa to bố bật dậy khoác áo mưa vội vã cầm đèn pin xuống vườn để tháo bớt nước sợ ngập úng rau sẽ chết hết. Những tháng mưa bão dầm dề bố tôi buồn so, ít cười, ít nói hẳn.
Dù công việc vất vả, cuốc đất, tưới nước, rải phân, xịt thuốc… cả ngày mệt mỏi nhưng mỗi tối sau giờ cơm, bố vừa ngồi xem ti vi, vừa hỏi thăm việc học hành của các con hay kể chuyện tuổi thơ của bố cơ cực như thế nào để động viên chúng tôi cố gắng chăm chỉ học hành để trở thành người tốt và có ích cho gia đình, xã hội. Công việc dù nặng nhọc như vậy, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bố nổi nóng với ai bao giờ, bố luôn điềm đạm, từ tốn, nụ cười hiền lành của bố luôn nở trên đôi môi tái xám, thâm đen.
Bố tôi còn là tấm gương sáng cho anh chị em tôi trong cuộc sống hàng ngày. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không toan tính. Tôi còn nhớ có lần ông cụ Ké ở đối diện nhà tôi bị chết trôi sông, bố bỏ việc cả ngày cùng mấy người hàng xóm xuống sông lặn tìm vớt được xác ông cụ lên. Hay lần một bà cụ trúng gió té ngã ngay trước cửa nhà tôi được bố cạo gió và cõng về nhà. Có ai cần giúp sửa nhà, lợp tôn bố cũng sẵn sàng giúp đỡ, nhà nào trong xóm có tang, bố tôi đều bỏ công, bỏ việc đến giúp đi đào huyệt, hoặc nấu bếp… nói chung trong mắt tôi, bố là một người rất tài giỏi, không những chỉ làm việc đồng áng nặng nhọc mà việc gì bố cũng làm được.
Chị em chúng tôi lớn lên đều đi học, đi làm xa, thi thoảng một tháng mới về nhà. Dạo mấy năm gần đây, mỗi dịp về nhà tôi thấy bố ốm và sút hẳn, da sạm đen lại, hai má gầy tóp vào, tôi hỏi: “Bố có bệnh gì không mà sao bố ốm vậy? Bố lên thành phố khám thử xem sao?”. Mỗi lần như vậy bố đều cười hiền: “Có gì đâu con! Bố vẫn khỏe mà”. Ra trường, đi làm đã có chút tiền, tôi thường nói: “Bố làm ít thôi, tụi con cũng đã có việc làm rồi, bố không phải vất vả như trước nữa đâu” nhưng bố chỉ cười cười: “Bố còn khỏe thì bố cứ làm thôi con”.
Cuối năm chị em tôi góp lại một số tiền và động viên bố mẹ đi du lịch cho thoải mái, nhưng bố từ chối và bảo rằng: “Các con cất đi để lo những công việc khác, khi nào nhà mình khấm khá dư dả hơn rồi tính sau”. Thế đấy, bố tôi lo lắng tiết kiệm suốt một đời chỉ là để lo cho vợ con và gia đình chứ chưa bao giờ nghĩ đến bản thân mình một chút gì cả.
Mẹ điện thoại: “Bố con ốm nặng rồi, các con sắp xếp về ngay nhé”. Bố nằm lặng lẽ trên giường, thân hình tiều tụy, hốc hác, gầy sọm, chỉ còn đôi mắt là tinh anh thôi, các con không cầm được nước mắt và nỗi xót xa cho cuộc đời của bố. Bố đã lao lực quá sức, giờ lại rơi vào căn bệnh quái ác hiểm nghèo vô phương cứu chữa.
Những ngày cuối đời bố vẫn kiên cường cho đến hơi thở cuối cùng, dù đau đớn dữ dội nhưng bố không hề rên la lấy một tiếng, bố cắn môi đến rướm máu chịu đựng những cơn đau vò xé một mình để vợ con không lo lắng. Bố lặng lẽ ra đi thanh thản trong những giọt nước mắt xót đau quặn thắt của mẹ và chị em chúng tôi. Một đời bố đã lặng lẽ hy sinh, một đời bố là tấm gương sáng cho chúng tôi, bố đi để lại cho tụi con một gia tài về lòng nhân ái yêu thương.
Đã nhiều năm qua đi, nhưng hình ảnh bố luôn mãi còn hiện diện trong chúng con, mỗi khi nhớ về bố lòng tôi lại quặn đau, bố chưa có một ngày an nhàn tận hưởng niềm vui sướng, chưa được thưởng thức những món ăn ngon, một đời của bố chỉ là chuỗi ngày cực khổ nối tiếp nhau.
Bố ơi! Con thật lòng xin lỗi bố – dù là những giọt nước mắt muộn màng! Bố luôn là tất cả của đời con – bố là tấm gương sáng để con noi theo – con cảm ơn bố và hãnh diện vì bố – bố là người cha rất tuyệt vời của chúng con.
Xuân Lý Thùy Linh (Lâm Đồng)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Thưởng thức vở múa đương đại Đa Thức – Method
- Cuộc Phiêu Lưu của Scooby-Doo tung trailer 2 hé lộ hết dàn biệt đội thám tử nhí nhố
- TikTok khởi động Cuộc thi TikTok Master 2021 – Tìm kiếm và tôn vinh thế hệ nhà sáng tạo nội dung tài năng
- Không khí mùa lễ hội cuối năm tưng bừng tại Meliá Hồ Tràm
- Herbalife Việt Nam thưởng nóng cho 30 Huy Chương Vàng đầu tiên của Đoàn Thể Thao Việt Nam tại SEA Games 31
Cảm động quá . Cảm ơn những người con hiếu thảo ….chúc cho người ở lại luôn vững vàng trong quảng đời tiếp theo thiếu vắng Bố .