Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Gánh nước đêm giao thừa

…mười hai tuổi, chân dài bằng chân ông nội, cha vẫn được ông nội cõng đi chơi khắp làng. Sự yêu chiều thái quá của ông nội làm nên một người cha thật khác người. Trọn đời cha không gánh gồng việc nặng, không cấy gặt, cày bừa, không lấy củi, làm nhà, không bôn ba, bươn chải … Ông bà nội lo cho cha đến khi mười tám, rồi mẹ về và gánh vác giang sơn nhà chồng. Trọn đời cha, phần lớn chỉ là những cơn say, những chửi bới, thậm chí là đánh đập. Duy chỉ có việc gánh nước lúc giao thừa, là cha chưa năm nào bỏ, kể từ khi tôi biết nhận thức.

Tôi kể ngày nay chuyện ngày xưa. Mỗi độ xuân về là muôn ngàn niềm nhớ.

Người Làng La vẫn gọi “giếng bà Tân”, dù tôi không thấy bà Tân dùng nước nơi này. Nước giếng trong văn vắt bốn mùa. Ngày bé, tôi uống nước lã suốt, dù mẹ vẫn bảo rồi con sẽ đầy một bụng giun. Nước không màu, không mùi, nhưng khi uống xong, vị ngọt ở đầu lưỡi, thật lâu mới tan. Nhớ nhất là ngày hè, nước làm dịu những cơn khát, mát lịm trong miệng, rồi xuôi xuống vòm họng, tôi không cưỡng được sự hấp dẫn từ nước giếng làng. Tôi vẫn nghĩ, dân gian nói “mát lòng, mát dạ”, hẳn là do được uống nước giếng làng tôi. Các cụ uống chè cắm tăm luôn tấm tắc khen, chả có nước giếng nhà nào pha chè được ngon như nước giếng này. Giếng chỉ sâu quá đầu người độ nửa mét mà chưa bao giờ cạn nước, kể cả vào năm hạn hán kéo dài, khi rất nhiều giếng của những nhà trong làng không bồi đủ nước cho gia đình họ dùng.

Ganh-nuoc-dem-giao-thua-03

Cha thường tự hào, say sưa kể về mạch nguồn sống đó. Bà Tân chọn điểm đào giếng, sau bà chuyển nhà. Làng gọi tên giếng bằng tên bà như sự ghi ơn.

Cha là con út trong gia đình nên được ông bà chiều chuộng từ nhỏ. Cha hay kể với niềm tự hào, rằng khi mười hai tuổi, chân dài bằng chân ông nội, cha vẫn được ông nội cõng đi chơi khắp làng. Sự yêu chiều thái quá của ông nội làm nên một người cha thật khác người. Trọn đời cha không làm trụ cột, trọn đời cha không gánh gồng việc nặng, không cấy gặt, cày bừa, không lấy củi, làm nhà, không bôn ba, bươn chải … Ông bà nội lo cho cha đến khi mười tám, rồi mẹ về và gánh vác giang sơn nhà chồng. Trọn đời cha, phần lớn chỉ là những cơn say, những chửi bới, thậm chí là đánh đập. Duy chỉ có việc gánh nước lúc giao thừa, là cha chưa năm nào bỏ, kể từ khi tôi biết nhận thức.

Làng tôi có lệ gánh nước ngay sau thời khắc giao thừa, nước mới, để mang lộc về nhà, để gột rửa những buồn thương năm cũ, để tưới mát cho những tin yêu năm mới. Cả làng cùng đi gánh nước, nhưng cứ tuần tự, trước giao thừa, ai đến trước đứng trước, lấy nước đầu tiên. Từ lúc lên năm, tôi đã thập thững theo cha gánh nước lúc giao thừa. Chưa thấy năm nào, cha chịu là người đến sớm thứ hai, thứ ba, … mà luôn là người đầu tiên, rất trách nhiệm. Để rồi, sau đó, lại là những cơn say. Tôi đã từng giận cha, đỉnh điểm là khi, mẹ và chị em tôi, vừa kịp bưng bát cơm lên thì cha bê cả mâm cơm hất ra ngoài sân. Tôi cứ tự vấn mãi, về hai con người trong một con người – là cha, trách nhiệm – không trách nhiệm? Nhưng rồi, việc ấy không còn có nghĩa nữa.

Cha rời cõi tạm khi tôi ba mươi hai tuổi, sướng, khổ, buồn, vui, thành công, thất bại… tôi đã trải đủ rồi. Mà cái cảm giác như ngày hôm đó, tôi chưa từng gặp. Ngày cha đi, cứ tạc mãi vào cõi lòng tôi. Đau lắm. Giờ ngực tôi vẫn còn nghèn nghẹn, khó thở vô cùng…. Hôm ấy, đến Hà Nội, tôi đã không lỡ hẹn với nhóm bảo vệ luận văn cuối cùng của lớp cao học. Rời nhà chị bạn, bắt xe về nhà, phóng vội vào cơ quan để hoàn thành nốt việc còn dang dở và nhận nhiệm vụ mới, tôi đã không lỡ hẹn với lãnh đạo của mình. Về quê chồng giữa trời chang chang nắng lúc mười một giờ trưa, tôi đã không lỡ hẹn với hai con trai sau một tuần đi biệt… Để rồi, lỡ một cuộc gặp mà từ đó đến cuối đời, sẽ không bao giờ còn có lần thứ hai. Cha đi rất nhanh, đột ngột, không hề có ý chờ ba (trong số bốn) đứa con tha phương vẫn chưa kịp trở về. Cha không để cho một đứa con nào có cơ hội phục vụ, nâng giấc cha lấy một ngày. Mười hai giờ trưa, chị gọi: “Em về ngay nhé, cha yếu lắm rồi, chắc vẫn chờ các em”. Tôi chưa sắp xong quần áo, chị đã lại nức nở: “Em bình tĩnh đi về, không cứu được cha rồi”. Chắc cha thương, vợ, con đã khổ một đời, cha không muốn ai khổ thêm một ngày nào nữa.

Rồi nhà ai trong làng cũng đào được một chiếc giếng khơi. Không ai còn gánh nước giếng làng về dùng nữa, kể cả lúc giao thừa. Người được vinh danh “điển hình xây dựng kinh tế nông thôn” của xã làm mô hình rau sạch, khoan một cái giếng cạnh giếng làng, để lấy nước tưới tiêu. Giếng làng cạn nước. Hồn làng từ ấy, cũng phiêu diêu.

Tết giờ, mỗi lúc sang canh, không ai trong gia đình tôi còn phải đặt nặng gánh nước trên vai, để đón lộc vào nhà. Anh chị vẫn nhớ, việc đầu tiên là bơm nước lên bể, nước mới, của năm mới, tiếp nối mạch nguồn nghĩa tình, chẳng bao giờ vơi cạn … Chồng tôi cũng thường làm thế.

Có những niềm đau, trước kia, và những nỗi nhớ, bây giờ, không màu, không mùi, như nước giếng làng, nhưng đa vị, có chua chát, đắng cay, có ngọt bùi, tiếc nhớ… chẳng thể nào quên. Để mỗi khi khoảnh khắc giao thừa tới, sống mũi lại cay cay.

Trịnh Thị Hiên (Thái Nguyên)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

 

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Chu Lan
Chu Lan
1 year ago

Vẫn là ngôi nhà ấy ở Làng La! ❤️❤️❤️❤️
Lần này là xúc động nghẹn ngào chị ạ, giống như ” ngày cha về” em đã khóc!

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx