Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Dì tôi – cây xương rồng

Dì bảo ngày xưa dì mê dượng là vì cái tính hiền lành, chỉ biết đánh cờ, không rượu chè, trai gái. Mà đấu cờ giỏi nhất nhì xã chứ chẳng chơi. Thông minh vậy sao không biết “cờ bạc là bác thằng bần” nhỉ? Chắc là dượng biết, nhưng mấy ai vướng vào cờ bạc mà từ bỏ dễ dàng. Đồ đạc trong nhà cùng những thứ dì dành dụm, tích góp cứ từng ngày đội nón ra đi.

Người ta nói phụ nữ tuổi Dần thường trắc trở đường tình duyên. Còn mẹ tôi thì hay chắt lưỡi “Cái tuổi Dần nó làm đời dì mày sao mà lận đận, long đong”. Vậy mà mỗi lần kể chuyện về “cái số khổ” của mình, dì cứ kể như đang kể một bộ phim nào đó, pha trộn đầy đủ thể loại bi, hài, tâm lí, hành động, thỉnh thoảng lại thêm điệu cười “hè hè” mà dì bảo “cười vậy cho đời nó nhẹ”.

di-toi-cay-xuong-rong-01

Các dì và mẹ đều nói dì hồi trẻ xinh đẹp, thông minh và khéo tài ăn nói biết bao nhiêu. Dì tốt nghiệp thủ khoa trung cấp Thú y, nhưng lúc về nhà chồng thì phải phụ mẹ chồng buôn thúng bán bưng. Nhìn dì lúi húi với gánh bánh cuốn, sáng chợ, trưa ngõ, tối nhà. Ông ngoại xót, la, rồi giận không thèm nhìn mặt. Dì nói gái theo chồng thì phải vậy, rồi lại cặm cụi chăm lo cho gia đình vẹn toàn. Con trai đầu lòng được vài tháng tuổi, niềm vui làm mẹ chưa được bao lâu thì đứa bé ra đi vì một cơn bệnh nặng. Dì nói bệnh lúc đó chẳng có gì hết, nhưng mà thầy lang dưới quê dở quá đi, nên không chữa được. Dượng vì thế mà sa vào chiếu bạc rồi càng lúc càng dấn sâu. Dì bảo ngày xưa dì mê dượng mày là vì cái tính hiền lành, chỉ biết đánh cờ, không rượu chè, trai gái. Mà đấu cờ giỏi nhất nhì xã chứ chẳng chơi. Thông minh vậy sao không biết “cờ bạc là bác thằng bần” nhỉ ? Chắc là dượng biết, nhưng mấy ai vướng vào cờ bạc mà từ bỏ dễ dàng. Đồ đạc trong nhà cùng những thứ dì dành dụm, tích góp cứ từng ngày đội nón ra đi.

Dì lần lượt có thêm hai thằng con trai. Gia đình thêm miệng ăn là thêm phần vất vả. Dì tất bật hơn với gánh bánh cuốn để kiếm tiền nuôi con và lo cho gia đình. Nhưng dượng thì vẫn chưa dứt được những tụ, những sòng, những sô cá độ. Chiếc xe máy hai vợ chồng tích cóp bao lâu mới sắm được ra đi ngay sau ngày chung kết Euro. Có lần dượng bỏ nhà đi gần một tuần, dì bắt xe đò lên tận sòng bạc trá hình quán cà fê trên phố, khóc lóc đòi người ta trả chồng, rồi gào khóc kể tội bà chủ sòng bạc làm biết bao gia đính tan nát, vỡ nợ. Dì kể lại lúc đó cũng run muốn chết vì sợ bọn ma-cô nó xử, nhưng  không làm lớn một trận thì trước sau gì mình cũng chết vì tán gia bại sản. Dân tình thấy dì còn trẻ, hiền lành, tội nghiệp cũng bu vào… đòi thả người. Rồi dượng chịu theo dì về nhà. Dì bảo tưởng lần đó dượng đã tỉnh ra. Ai dè vài tháng sau, dì điếng hồn khi biết tin dượng cầm luôn mảnh đất cơ quan cấp cho hai vợ chồng xây nhà.

 Dì ngó trân trối căn nhà vừa xong phần bê tông cốt thép, gạch ngói, tôn vữa vẫn còn ngổn ngang trước sân, rồi gạt nước mắt, đưa ra quyết định quan trọng của đời mình. Dì gom hết quần áo vào bao tải, dắt hai đứa nhỏ bắt xe đò về nhà ngoại. “Tới đó là hết chịu nổi”. Vậy mà số dì còn phải “chịu nổi” nhiều thứ nữa. Ông ngoại càng thương dì thì càng rủa con rể rồi quay sang trách móc, la mắng chính con gái mình “ Tốn bao nhiêu cơm gạo nuôi ăn nuôi học, sao có lớn mà không có khôn. Nhìn người nhìn cũng không ra…” Dì chẳng thanh minh, chẳng đính chính, chỉ quần quật làm lụng nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ. Mấy đứa nhỏ càng lớn, dì càng phải xoay xở nhiều hơn để con cái có thể ăn học đàng hoàng. Dì xuống Sài Gòn, làm công nhân trong nhà máy, tạp vụ trong bệnh viện, bảo mẫu trong nhà trẻ… nghề gì cũng kinh qua. Một thời gian, dì quyết định về nhà vì “cũng chẳng sung sướng gì ở cái đất đắt đỏ và khắt nghiệt đó, lại còn phải xa mẹ xa cha”. Dì chuyển qua buôn quần áo trẻ con, lấy hàng từ Sài Gòn về bán ở Dak Lak, rồi có cả thu gom quần áo sida ở biên giới.

di-toi-cay-xuong-rong-02

Nhiều năm bôn ba, Dì cũng tích góp đủ để có mảnh đất ra ở riêng. Dượng đến tìm dì, mong có lại một mái ấm gia đình. Dì nghĩ mình thương con thương cái, và cũng còn thương… ổng – “Thôi kệ”. Sau này lâu lâu bực dượng, dì lại trách trổng có hai chữ “thôi kệ”.

Dượng về, tu chí làm ăn, có với dì thêm một đứa con gái. Mẹ tôi la dì “đã nghèo sao lại sinh lắm!”. Dì cười hè hè “Hai thằng kia mai mốt nó lớn nó đi mất đứt. Có con nhỏ này thủ thỉ tâm sự vui cửa vui nhà”. Nhưng nghề thú y, chích heo gà trong xóm trong buôn của dượng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dì chuyển nghề bán trái cây ngoài chợ. Đếm những ngày nắng cháy mặt cháy da mà vẫn phải ngồi chợ đến tận trưa; đếm những ngày mưa nước nhỏ tỏn tỏn qua cây dù lủng lỗ chỗ; đếm những đêm chong đèn ngồi chia cọc tiền dành dụm thành từng khoản – cái này cho đứa lớn thuê nhà, cái này tiền ăn của thằng nhỏ, cái này đóng bảo hiểm cho con út, cái này để lo cơm gạo trong nhà; đếm những sớm tinh mơ lục tục dọn hàng mà lòng hoang mang: tháng này chưa gom đủ tiền để trả bà Ba Đậm trái cây, không biết bả có cho lấy hàng bán tháng sau? … Dì chưa bao giờ có một phút thôi dừng  đếm. Chỉ đến một ngày, ngồi trong giảng đường dự lễ tốt nghiệp thằng con cả, dì mới thẫn thờ: mấy mẹt trái cây cũng nuôi được nó đến đây, mười năm chứ ít ỏi gì.

Dì thì thầm với tôi: “ thằng kế còn ba năm, con bé còn… trời… không dám tính tiếp luôn”. Tôi ôm dì cười: “Dì dư sức mà, ráng giữ sức khoẻ để cày nha dì”. Dì cười hè hè “Cày bao nhiêu mà dì cày hổng được. Dì mày là số một rồi, mà tại số một nên lúc nào cũng phải bươn chải một thân một mình”. “Mà con thấy lập gia đình như dì thiệt khổ quá đi. Làm con cũng sợ, chắc khỏi lập gia đình luôn”. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ai mà chẳng có những cái khổ riêng, mày. Nhưng mà cứ ráng sống tốt thì sẽ gặp được những điều tốt đẹp”.

Không biết dì có biết tôi luôn học được rất nhiều từ dì không? Tôi hay đùa: “sao hông ai viết báo hay làm phim về dì ta?”. Mà cũng không cần báo, không cần phim, mỗi khi nghĩ về dì, tôi lại tin “Mỗi cuộc đời là một cuốn truyện tiểu thuyết với đủ các chương; bi hài cười ra nước mắt, hay ngôn tình diễm lệ nhưng đau đớn cay đắng tột cùng lại phải nuốt vào trong…’’.

Lập gia đình đối với dì là bước vào canh bạc hôn nhân– mà dì đã mụ mị thua ngay từ ván đầu tiên – phải làm thế nào để trở mình thoát ra đây dì ơi ?

Ngày thằng lớn ra trường, rồi được đi làm ở nước ngoài, dì mừng như được hồi sinh lần nữa – suốt đời không nhờ được chồng – may ra nhờ con vậỵ!

Những tưởng sẽ ngẩng cao đầu, một chút tự hào với bà con lối xóm  có thằng con làm việc gì ở  “trên trời “á? … à Hàng Không Vũ Trụ – chế tạo vệ tinh – đi đâu dì cũng được mọi người thăm hỏi trầm trồ khen ngợi, dì hớn hở cười tít mắt, lòng rộn ràng như ngày ấy được ngỏ lời… không uổng công cho những năm tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Thế nhưng, giữa cám dỗ vật chất, cuộc sống quá ư buồn tẻ, cô độc ở nước ngoài, thằng  con lớn của Dì đã dẫm  lên “vết xe đổ” của ba nó ngày xưa! Đam mê cờ bạc, cá độ banh bóng một cách bệnh hoạn, chơi lớn thắng lớn, nó đã đốt sạch tương lai tiền đồ vào những trò chơi hoang tưởng trên mạng – khi công nghệ 4.0 ra đời ! Vậy đó, bốn năm trời nó ở SGP,  dì khóc không biết bao chum nước mắt – niềm vui ngắn ngủi chỉ thoảng qua như giấc mơ!

Dì ơi ! sao khổ quá vậy dì? Mạnh mẽ kiên cường chịu đựng là thế, nhưng cú sốc này lớn lao quá! Nó chính là nguồn an ủi duy nhất của cuộc đời dì . Dì tôi đổ bệnh gục ngã hoàn toàn, cộng thêm thân xác rã rời với gần hai mươi năm làm bò kéo xe từng chuyến hàng nặng nhọc ra chợ, dì bị xụp cột sống và liệt hai chi dưới … dì than với tôi: “Dì muốn buông xuôi nhắm mắt làm ngơ tất cả…”. Nhưng cuộc sống oan nghiệt còn tiếp tục giày vò dì, không cho dì làm cánh chim tung bay giữa bầu trời rộng lớn. Dì phải tiếp tục  sống vì con bé út đang cần dì! Thế là dì lại thức khuya dậy sớm với gánh xôi đầu ngõ… khi bắt đầu bước vào tuổi sáu mươi!

Dì ơi! cây xương rồng hãy mãi vươn lên trong bão táp phong ba hay sa mạc khô cằn nắng cháy! Con mong dì luôn khỏe mạnh để đi hết quãng đời còn lại thật an nhiên ý nghĩa!

Một chút tâm tình chia sẻ cảm thông với cuộc đời buồn như những lời ru – gởi tặng dì H thân thương!

Tác giả: Đây chính là tự sự cuộc đời của Tác giả – ghi lại dưới hình thức viết thư: của cháu YÊU gởi cho dì rất THƯƠNG.

Trần Thị Thu Hồng (Đăk Lăk)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3 1 Bỏ phiếu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Long
Huỳnh Long
1 year ago

Tuổi dần.

Nguyễn thanh
Nguyễn thanh
1 year ago

Hay quá

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx