Chị tôi thuộc dạng người trông dễ coi, hiền lành, chăm chỉ nhưng rất hay khóc. Có chuyện gì buồn tủi chỉ lại ngồi bên bàn thờ ba mẹ tôi hàng giờ khấn nguyện với đôi mắt đỏ hoe. Nghe đâu có nhiều mối mai dạm hỏi nhưng chị nói “chị hai đã già rồi, chồng con chi nữa cho bận bịu. Thôi thì ở vậy để phụng dưỡng mẹ cha”.
Nhà tôi có 2 chị em gái. Ba mẹ tôi dưới quê miệt Bến Tre mất đã lâu. Tôi lên thành lập nghiệp ngót nghét đã gần 30 năm. Chuyện cúng giỗ, vườn tược đều do chị hai tôi lo toan. Nghe nói hồi trước chị cũng có một người yêu nhưng nghe đâu ba má tôi không đồng ý bởi người nầy con nhà gia giáo, giàu có còn gia đình tôi thuộc diện nghèo “rớt mùng tơi”. Sau đó anh nầy cưới vợ còn chị hai tôi “ở giá” đến tận bây giờ. Mỗi lần về thăm quê tôi thường trêu chọc chị bằng lời bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến “Rồi mẹ tôi khuất xa chúng tôi không còn thơ ngây. Chị lại lo các em chuyện chồng con. Ngày chia tay bến sông thấy chị buông mà thương, í a. Chị vẫn chưa lấy chồng”. Cứ mỗi lần như thế chị lại cười nhưng trong đôi mắt ấy ẩn chứa rất nhiều nỗi buồn sâu thẳm. Hai chị em lại bật khóc.

Chị tôi thuộc dạng người trông dễ coi, hiền lành, chăm chỉ nhưng rất hay khóc. Có chuyện gì buồn tủi chỉ lại ngồi bên bàn thờ ba mẹ tôi hàng giờ khấn nguyện với đôi mắt đỏ hoe. Nghe đâu có nhiều mối mai dạm hỏi nhưng chị nói “Chị hai đã già rồi, chồng con chi nữa cho bận bịu. Thôi thì ở vậy để phụng dưỡng mẹ cha”. Có lần tôi hỏi “Vậy sau nầy chị lên thành phố ở với vợ chồng em và mấy đứa nhỏ cho vui. Dưới quê đơn độc một mình lỡ có chuyện gì thì biết tình sao?”. Chị nói ngay “chắc ba mẹ phù hộ cho chị mạnh giỏi mà. Thời buổi bây giờ có gì gọi điện mấy hồi. Vả lại trên đó ồn ào lắm, chị là “hai lúa” nên không quen đâu”. Tôi im lặng bởi hiểu rằng không thể làm lung lay ý định của chị.

Mỗi ngày sau khi thắp hương và cúng cơm sáng cho ba mẹ tôi là chị hai tôi chèo ghe đi mua ve chai khắp các con kênh đến trưa mới quay về nhà lo việc hương khói, cơm nước. Nhiều người thấy chị thiệt thà nên giành rất nhiều phế liệu để bán cho chị với giá rẻ, có lúc họ còn “cho không” như để chia sẻ sự đồng cảm với người con gái “lỡ thời” hiếu thảo. Cái điệp khúc buôn bán trên sông lại được tiếp tục đến tận chiều với tiếng rao buồn “Ai ve chai lông vịt dẹp đứt mũ bể hôn?”.
Có lần tôi mang về quê tặng chị chai nước hoa trị giá hơn 1 triệu đồng. Chị không mấy vui lại trách: Chị ở dưới quê đâu có xài những loại mỹ phẩm mắc tiền, em mua chi cho tốn kém. Tôi làm bộ giận hờn khiến chị phải mở nắp sử dụng cho tôi vui nhưng sau khi tôi về lại thị thành, chai nước hoa được chị đặt ngăn nắp trong chiếc rương của chị.
Chị hai tôi rất khéo tay trong việc chăm sóc hoa kiểng ngày tết. Cứ vào dịp gần tết, mấy làng hoa gần nhà thường tới “đặt cọc” nhờ chị đến trang điểm hoa kiểng và hậu tạ bằng bánh mứt, vải, thịt heo, gà vịt tùy chủ nhà bởi chị không chịu nhận tiền công của bất kỳ ai. Hay những lúc rảnh rỗi chị lại ngồi bó chổi dưới mái hiên mát rượi, trong những cơn gió ào ào từ quê biển Bến Tre ầm ập thổi về.

Mỗi khi tôi về thăm, chị gác lại chuyện đi mua ve chai lông vịt, bó chổi tàu dừa hay đi tỉa hoa kiểng cho hàng xóm để ở nhà trò chuyện, nấu những món ăn mà tôi ưa thích để hai chị em cùng ăn, thích nhất là món canh chua cá lóc đồng nấu với trái bần có rất nhiều ở Bến Tre quê tôi hay món cá bống dừa kho tiêu chị nấu rất ngon. Chị thường hái lá bồ kết dưới bến sông nhà tôi để gội đầu cho tôi như thuở còn thơ và kể rất nhiều kỷ niệm về ba mẹ tôi khi còn sống với đôi mắt thật buồn. Mỗi lần về lại Sài Gòn chị thường buộc phía sau chiếc “ba ga” xe hon đa con gà trống, mấy đòn bánh tét nhưn chuối, mấy chục bánh phồng nếp và một keo ba khía tái chanh xứ biển Thạnh Phong. Cứ mỗi khi đưa tôi ra ngoài “vàm” chị hai tôi lại khóc như trẻ con khiến tôi phải khóc theo. Tánh nết chị tôi là vậy.
Mấy ngày nay cứ mỗi buổi chiều về, chị tôi lại gọi điện dặn dò: ở trên đó nghe nói dịch bệnh cô vít từa lưa hột dưa hết, hai đứa bây nhớ coi chừng mấy đứa nhỏ cẩn thận, nhớ mua mì gói, nước tương, gạo thóc “thủ” trong nhà. Chị còn để dành được mấy triệu để chị gởi “măng đa” lên để hai đứa có xài gì thì xài. Hè rồi nhớ xấp nhỏ quá nhưng dịch bệnh cái “mửng” nầy thì thua rồi.
Chị tôi vẫn vậy, vẫn tận lòng với tôi, với chồng con tôi như ngày nào tôi còn trẻ con. Tôi bật khóc vì nhớ chị thật nhiều. Bên khung cửa chiều mưa tháng 5 tôi lại nghe ai đó ngân nga lời hát “chị tôi chưa lấy chồng”.
Chị Hai ơi!
Phan Thị Anh Thư (Cần Thơ)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Tận hưởng ngày cuối tuần vui vẻ với Rạp hát tại gia (home theater)
- Thư cám ơn: Bạn đọc tham gia cuộc thi “Nhật ký 15 ngày sống chậm”
- POPS Bonus Program – Sân chơi đầy sáng tạo cho giới họa sĩ truyện tranh
- The Body Shop ra mắt sáng kiến nhựa tái chế thương mại cộng đồng
- Rap Việt mùa 2 chốt danh sách thí sinh sẵn sàng ghi hình vòng Chinh Phục