Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Cha tôi không làm thơ

Cha tôi làm trưởng trạm y tế và còn cày thêm năm sào ruộng khoán của hợp tác xã. Cụ bận bịu suốt ngày chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Về nhà là cụ tranh thủ khi thì chăm sóc khu vườn, khi thì đan rổ rá, khi thì ra đồng. Dường như cụ chẳng có thời gian để mà buồn.

Về hưu năm 1985 khi vừa tròn 60 tuổi, đến năm 2003 thì cha tôi mất. Cụ đã sống vắt qua hai thế kỷ đầy biến động của lịch sử nhân loại mà những biến động đó đều ảnh hưởng đến cuộc đời của cụ.

cha-toi-khong-lam-tho-01
Chân dung cụ Phan Xuân Thiều (cha tôi)

Khi học xong chương trình tiểu học, thi đậu Primer thì cụ nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình (con vợ lẽ). Năm 1944 đến năm 1945, cụ làm liên lạc cho ông Phan Phúc Tường (Đại tá, nguyên cục trưởng cục quân lực quân đội nhân dân Việt Nam những năm thập niên 50-60 của thế kỷ 20) khi đó là lãnh đạo Đảng ở địa phương. Rồi cụ tham gia dân công hỏa tuyến, đi học y sỹ và làm trưởng trạm y tế đầu tiên của xã nhà cho đến khi về hưu.

Thủa nhỏ, có lần cha tôi dẫn về nhà một cụ già. Cụ đi thăm con ở Hải Phòng về đến ga Si (Diễn Châu, Nghệ An) thì cụ xuống tàu và đi bộ về nhà ở Đô Lương cách nhà tôi hơn mười cây số. Đến địa phận xã tôi thì trời tối, cụ xin ở nhờ mấy gia đình ngoài đường cái quan nhưng họ từ chối. Họ nói: “Cụ già rồi, lỡ có chuyện gì thì ách giữa đàng lại quàng vào cổ”. Khi đó, cha tôi đi từ trạm xá xã về nhà thì nhìn thấy cụ. Cha tôi mời cụ về nhà mời cụ ăn uống. Đêm mùa đông giá rét, chúng tôi nhường tấm chăn dày cho cụ ở chiếc giường nơi phòng khách còn ba cha con nằm trong chiếc giường ở gian nhà trong. Sáng hôm sau, mẹ tôi dậy sớm thổi cơm cho cụ và gói thêm một gói cơm nếp kèm theo hai con cá trích để cụ ăn đi đường.

Cha tôi làm trưởng trạm y tế và còn cày thêm năm sào ruộng khoán của hợp tác xã. Cụ bận bịu suốt ngày chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Về nhà là cụ tranh thủ khi thì chăm sóc khu vườn, khi thì đan rổ rá, khi thì ra đồng. Dường như cụ chẳng có thời gian để mà buồn.

Vườn nhà tôi rộng hơn so với nhiều nhà khác. Vườn trồng cây quanh năm, hết trồng rau, cà lại đến thuốc lào, mía. Xung quanh vườn và trước sân nhà là hàng cau. Đến mùa thu hoạch, sân nhà tôi phơi đầy cau để đến khi khô thì cất vào chum bán dần. Thời đó, cau và thuốc lào là hai mặt hàng được giá. Có câu thành ngữ: “Được mùa cau đau mùa lúa” là nói lên giá trị của quả cau đã đi vào đời sống văn hóa của người Việt hàng nghìn năm. Năm đó, đang mùa cau thì tôi bị ốm. Cha tôi run tay không còn tiêm cho tôi được mà phải nhờ người khác tiêm giúp. Khi tôi khỏe lại, tôi nghe nói cha tôi vì thương tôi mà khóc thành tiếng.

cha-toi-khong-lam-tho-02
Ngôi nhà của ông nội tôi, nơi gắn bó với cuộc đời và tuổi thơ của cha tôi

Vừa rồi, tôi đang đi tập thể dục buổi sáng thì nghe một chị kể rằng:

Thủa nhỏ, chị bị bệnh, người nhà đã chuẩn bị khâm liệm thì bác Thiều đi qua vào tiêm cho một mũi. Thế là chị khỏe lại và sống đến tận bây giờ. Hồi đó, trình độ y học còn kém nên nhà chị nghĩ là đã hết cách. Người dân xã tôi bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc cha tôi với niềm kính phục. Khi cha tôi đã nghỉ làm trưởng trạm mà vẫn còn nhiều người tỏ lòng yêu quý.

Có lần, cha tôi đi làm cỏ ngô gặp người phóng viên là người cháu bên ngoại gọi cha tôi bằng bác. Người phóng viên đó là chú Nguyễn Thế Kỷ (Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài tiếng nói Việt Nam) khi đó còn là phóng viên của đài phát thanh truyền hình Nghệ An bảo cha:

– Bác cứ cuốc cỏ ngô để cho cháu ghi hình chút.

Vậy là cha tôi được lên truyền hình. Đó là năm 1989, khi đó, cả xã tôi chưa ai có ti vi. Năm đó cũng là đầu tiên xóa bỏ mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu bao cấp. Chiếc cối giã gạo, chiếc cối xay lúa rồi đến cái trục úa dần tạm biệt gia đình nằm ở một góc vườn.

Cha tôi vẫn còn làm ruộng cho đến mấy năm sau mới nghỉ hẳn.

Tôi vào Nam và đi bộ đội năm 1993. Sau ba năm thì ra quân vào đại học. Mãi đến năm 2001 thì mới về quê sau 8 năm xa cách.

Cha tôi ngày một già yếu. Mẹ tôi lưng đã còng. Nhưng tình cảm của cha mẹ dành cho nhau thì vẫn như giàn trầu cau trước nhà.

Năm 2003. Cha tôi mất sau một cơn tai biến. Chúng tôi bàng hoàng khóc nghẹn

Chú tôi từ Hà Nội về đưa tang, chú đọc một bài thơ đưa tiễn.

Mấy tháng sau, chú tôi đăng bài thơ khóc cha tôi và nhà thơ Thu Bồn trên báo Văn Nghệ.

Bài thơ như sau:

Hai nửa lòng đau (1)
Hai nửa lòng đau tím bầm thương tiếc
Nửa gửi anh, nửa gửi Thu Bồn
Hoa Thành – Bình An, xám trời vĩnh quyết
Hè một đêm đưa tiễn hai linh hồn
Tám mươi năm một đời thầy thuốc
Chiến trường xa và đất Nghệ nhọc nhằn
Ống tiêm đi cùng túi dết chữ thập
Cao núi, sông sâu nào có thể ngăn…
Ngót bảy mươi. Một đời chiến sỹ
Một đời thi sỹ chim Chơ rao (2)
Màu cánh vạc, mây còn bay suy nghĩ (3)
Ngũ Hành Sơn – biển nhớ biển gầm gào!
Anh và bạn: đêm tình cờ gặp gỡ
Ra đi, hai người đầu, giữa miền Trung
Phút linh thiêng xin là gạch nối giữa
Hai nửa lòng đau nhói nỗi lâm chung.

Nay đã gần hai mươi năm cha tôi đi xa nhưng hình ảnh cha tôi vẫn còn sâu đậm trong tâm trí. Nhớ cha tôi, tôi cũng làm thơ về người:

Cha tôi không làm thơ
Người làm trạm trưởng trạm y tế xã
Thêm năm sào ruộng tháng năm vất vả
Cùng mẹ nuôi con, tất cả trưởng thành
Cha tôi không làm thơ
Nhưng với chúng tôi, cuộc đời người là một bài thơ bất hủ.

(1): Bài thơ Hai nửa lòng đau đăng báo Văn Nghệ ( Hội nhà văn) số Tết năm 2004.

(2,3): Tên trường ca và tiểu thuyết của Thu Bồn

Phan Xuân Hậu (Nghệ An)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3.8 5 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
3 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Phan Xuân Hậu
Phan Xuân Hậu
1 year ago

Gia đình của tôi

Phạm Anh Tuấn
Phạm Anh Tuấn
1 year ago

Xúc cảm quá anh ạ

Phan Xuân Hậu
Phan Xuân Hậu
1 year ago
Trả lời  Phạm Anh Tuấn

Cảm ơn bạn nhiều

3
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx