Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt ba rơi, ba vội giấu đi bằng cách đưa tay khoát nước sông rửa mặt và ngậm một ngụm nước khọt khọt như người bị viêm họng, rồi ba phun nước ra thật xa làm mặt sông như đang có một cơn mưa rào. Cảm xúc dâng trào như thủy triều đang lên. Tôi thấy ân hận quá, hình như tôi vừa làm ba phiền muộn hơn. Và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đòi ba nghỉ học nữa.
Sông Cần xuôi chảy về Đông
Mang theo phiền lụy trong lòng ba tôi.
Bóng ba đã khuất xa rồi
Lời ba năm ấy trọn đời không quên.
Ba tôi không còn lo nghĩ nữa! Ba đã thanh thản ra đi. Giờ này ba đã vui cùng ông bà nơi chín suối. Ừ! Có lẽ vậy. Có lẽ chỉ có nơi đó ba mới có được niềm vui, còn cuộc sống nơi trần thế ba chưa có một ngày trọn vẹn. Cả đời ba luôn lo lắng cho những đứa con: thằng Tùng giờ ra sao? Thằng Vĩnh làm thuê ở Thành phố như thế nào? Con Viễn ở ngoài chợ hôm nay buôn bán không biết có được không? Sao giờ này thằng Trí không thấy về để hai đứa nhỏ chờ trông mỏi cả cổ?… đã ngoài 70- cái độ tuổi của một người vốn đã “nghỉ hưu cả về thể xác lẫn tinh thần”. Nhưng ba thì không. Những đứa con của ba đã lớn, đã lập gia đình. Nhưng vẫn để ba lo nghĩ. “Ba không cần mày cho tiền! Tại sao mày về mà không qua thăm ba?”. Thằng Út nói lại cho tôi nghe khi nó là người ở trong bệnh viện cùng ba trong cái đêm cuối cùng trước khi ba về với ông bà! Ba đã nói chuyện qua điện thoại với anh tôi như thế!

Tôi chèo ngược dòng nước, thường nghe ba tôi nói với mấy chú mấy bác chiếc xuồng này chở được 20, 25 giạ lúa gì đó. Nhưng việc khua máy chèo trên sông bằng chiếc xuồng này đã bao nhiêu lần tôi không còn nhớ. Và dù xuôi hay ngược dòng, máy chèo của tôi vẫn lướt nhịp nhàng đưa chiếc xuồng này đi phăng phăng mà không hề hấn gì. Đôi khi lướt lên đám lục bình hàng chục mét, chúng phải dạt ra hai hàng nép hai bên mạn thuyền để cho chiếc xuồng của tôi lướt qua một cách dễ dàng, bởi nó sợ bị xuồng đè xấng lên hay sợ máy chèo uyển chuyển nhưng cũng rất uy lực của người cầm chèo.
Nhưng hôm nay khác lạ, chiếc xuồng rất nặng tôi có cảm giác như vậy! Bởi tôi điều khiển máy chèo bằng lực hơn ngày thường mà nó đi trên mặt nước một cách chậm chạp, uể oải.
– Để ba chèo cho! Giọng của ba cắt dòng suy nghĩ của tôi.
– Ba nghỉ chút đi, con chèo được mà!
Ba quấn cái quần dài lại thành một cuộn tròn như một cuộn rơm nhỏ. Rất nhỏ bởi cái quần dài này tôi nhớ má may cho ba hồi tết ba năm về trước, không còn mặc để tiếp khách đến chơi nhà được nữa bởi có nhiều chỗ rách nhưng ba tôi không bỏ đi. Ba nói không bận trên bờ được thì bận dưới sông (ý ba tôi là đi chài lưới). Ba đưa cuộn rơm quần lên đầu. Quấn một điếu thuốc song lọc lạc bật quẹt và khói thuốc khi thì bay thẳng lên trời khi thì bay vòng vèo trong chiếc xuồng bởi gió thổi nó cuộn thành vòng.
Ba đã rất mệt rồi, bởi hai giờ khuya ba đã thức đi chài với má, ba giờ rưỡi hơn về đến nhà, má đem thành quả khoảng cân lòng tong đá, hơn nửa cân tép bạc non lên bờ. Má kêu tôi dậy xuống xuồng đi cùng ba ra tận vàm Gạch Vung cách nhà ngót 20 cây số để hốt thuốc nam cho thằng út bị phong phù. Xuống đến xuồng tôi ngủ tiếp để ba chèo đi. Có đến hơn bốn giờ sáng mới tới cái bến để đậu xuồng đi lên nhà thầy thuốc nam. Tôi giữ xuồng cho ba đến nhà thầy cũng gần nửa tiếng hốt thuốc xong xuống xuồng về, thử hỏi sao ba không mệt chứ trong khi tuổi ba cũng 50 ngoài rồi.
Ấy vậy mà ba làm thuê ban ngày ban đêm lại đi chài. Tôi muốn nói với ba một chuyện nhưng không biết phải nói như thế nào. Ba đang mệt ba tạm nghỉ lưng, hay ba đang buồn cho bệnh của thằng Út. Không hiểu sao hễ má sắc thuốc nam cho nó uống thì cơ thể nó không còn sưng phù, nhưng cứ hết thuốc thì toàn thân nó lại phù lên như chưa uống thuốc. Có lẽ ba đang lo nghĩ nhiều lắm. Nếu là bệnh phong phù thì chỉ ba thang đầu là hiệu quả, mấy chú bác khi chỉ thầy thuốc này cho ba đều nói thế. Nhưng đã bốn thang rồi năm thang… đã hơn tháng trời rồi còn gì.

Nhưng chuyện của tôi thì dù gì cũng phải nói. Đây là cơ hội tốt nhất và biết đâu khi tôi nói ra điều đó sẽ làm ba vui hơn. Tôi nghĩ vậy! Bởi tuy mới học lớp 7, nhưng tôi thường được chú bác đến nhà chơi khen là thông minh mà, nên tôi tự tin tự khẳng định suy nghĩ của mình là đúng nên quyết định nói:
– Ba… Ba (nghĩ là thế nhưng tôi kêu tiếng Ba không rõ)
– Hả, chuyện gì?
– Ba cho con nghỉ học hé
– Sao nghỉ
– Con học không nổi (tôi vội nói). Nghỉ học con đi bơi xuồng cho ba chài
Khi tôi dõng dạc tuyên bố: “Nghỉ học con đi bơi xuồng cho ba chài” tôi nghĩ ba sẽ rất vui. Chị Năm, chị Sáu thằng Tám thì cứ đi học, má khỏi phải bơi xuồng cho ba, chỉ ở trên bờ lo việc cơm nước với thằng Út đang bị bệnh nữa. Như vậy má đỡ vất vả hơn.
Thái độ của ba làm máy chèo của tôi loạng choạng. Ba nhìn tôi với cặp mắt buồn nhưng rất trìu mến, nhưng lòng tôi nóng ran. Ba ngồi dậy xếp lại cái quần kê đầu. Nhìn lên phía mũi xuồng. Ba hỏi:
– Mấy thang thuốc bỏ vào khoang nào? Coi chừng ướt!
– Con bỏ ở khoang đầu, không ướt đâu. Con có lấy cái bọc quấn lại rồi!
Thật ra trước đó ba đã thấy tôi để mấy thang thuốc ở khoang nào rồi và chính ba kêu tôi lấy cái bọc quấn lại mà, có vẻ như ba muốn tạo không khí thoải mái bởi chuyện tôi vừa nói với ba dường như rất quan trọng. Dòng sông Cần Trong dường như đang thời khắc giao thoa giữa thủy triều xuống và lên. Đám lục bình lười biếng cũng không buồn trôi, những hàng dừa nước hai bên bờ cũng không còn trình diễn những vũ điệu lả lơi. Tôi có cảm giác như mọi vật đang tạm ngừng hoạt động để trông chờ một điều gì đó hay chính tôi đang chờ quyết định cuối cùng. Thấy ba nghiêm nghị, tôi đang chờ những lời trách phạt nhưng ba không hề la mắng, cũng không đưa ra một câu trả lời cụ thể nào.

– Nhà mình không ruộng, không vườn, ba má bây làm thuê, làm mướn. Mày nghỉ học, nữa lớn lên cũng giống như ba má, cuộc sống đói nghèo cả đời ba má, rồi tới mày cũng không gì đổi thay nếu mày nghỉ học. Ba má ráng lo cho mấy chị em mày ăn học là hy vọng cuộc sống sau này của chị em bây đỡ vất vả hơn. Ba không ép mày học, ba chỉ nói vậy. Nghỉ hay tiếp tục học? Ba cho mày tự quyết định.
Lần đầu tiên tôi thấy nước mắt ba rơi, ba vội giấu đi bằng cách đưa tay khoát nước sông rửa mặt và ngụm một ngụm nước khọt khọt như người bị viêm họng, rồi ba phun nước ra thật xa làm mặt sông như đang có một cơn mưa rào. Cảm xúc dâng trào như thủy triều đang lên. Tôi thấy ân hận quá, hình như tôi vừa làm ba phiền muộn hơn. Và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đòi ba nghỉ học nữa
Giờ đây, tôi đã là một giáo viên nghề nghiệp ổn định. Cuộc trò chuyện của hai cha con năm nào như vừa mới hôm qua vẫn còn in trong trí nhớ của tôi. Tôi viết thành câu chuyện này để kể cho đám tiểu yêu của tôi nghe. Kết thúc câu chuyện tôi đều nói với chúng: “Nếu không có câu chuyện của hai cha con trên chiếc xuồng hôm đó, thầy và các em sẽ không gặp nhau trong mối quan hệ thầy trò hôm nay!”. Và khi kết câu nói này tôi đều có cảm giác như có một luồn điện chạy trên sống lưng, bên tai vẫn nghe văng vẳng câu nói của cha năm nào: “Nghỉ hay tiếp tục học? ba cho mày tự quyết định!”
Trần Minh Thông (Trà Vinh)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Chuyện xóm tui 2 của Thu Trang – Tiến Luật nhận cúp ở hạng mục Webdrama hay nhất
- Xu hướng thời trang rực rỡ và năng động cho tủ đồ mùa hè
- Điểm danh 6 bộ phim anime học đường chiếm trọn trái tim khán giả
- Không những đẹp trai chuẩn “soái ca”, Nam vương Cao Xuân Tài còn gây bất ngờ về giọng hát khi cover hit Mỹ Tâm
- Zannier Hotels Bãi San Hô yêu thích các món ăn truyền thống Việt Nam
Cảm ơn tất cả những ai đã chia sẻ bài viết để lan toả tình yêu thương gia đình từ đí đến tình yêu thương bạn bè rồi rọing hơn là cộng đòing xã hội. Đó cũng là mong muốn duy nhất của tác giả vậy!
Đọc những dòng chữ này làm mình nhớ cha lắm. Người đã hi sinh rất nhiều để cho những đứa con thành đạt.
Hãy trân trọng những gì còn ở bên ta nghe em!
Bài viết cảm động!
cảm ơn Châu Mộng Thúy đồng cảm
Chúc cho ba mẹ luôn vui- khoẻ