Người ta có thể dễ dàng thốt ra lời yêu thương với mẹ, nhưng với ba, bao nhiêu câu chữ ngọt ngào dường như nghẹn lại, “Công cha như núi Thái Sơn…” tôi muốn dành tặng bài viết này cho Ba tôi – người đàn ông cả đời gìn giữ mái ấm cho chúng tôi có nơi để về,…
Ba mẹ sinh tôi khi ba gần 50 còn mẹ cũng hơn 40, với ngày xưa thì ba mẹ đáng lẽ đáng tuổi ông bà của tôi. Tôi là con út trong nhà, sinh ra khi các anh chị đều đã trưởng thành chỉ còn mình tôi sống trong cảnh cha già con còi cọc. Mỗi lần ba chở tôi đi chơi mọi người đều hỏi ông chở cháu nội hay cháu ngoại đấy. Ba tôi tính tình cởi mở xuề xòa lúc nào cũng vui vẻ chẳng lấy gì làm giận hay đối đáp tếu táo theo lời bông đùa ấy, chỉ có tôi lớn thêm một xíu lại hay mắc cỡ khi nghe người ta chọc “ba mẹ mày già mà con thì còn nhỏ xíu mơi mốt lấy gì nuôi?”. Lúc đó tôi cũng hay buồn giận vu vơ, nhà đã nghèo lại đông con sao ba mẹ còn sinh mình ra làm chi, sau này nghĩ lại mới thấy bản thân mình thật vô lý và có lỗi với ba mẹ.
Tôi ra đời trong cảnh nhà khá ngặt nghèo, anh Hai vừa vào đại học, chị Ba cũng đi học xa, chị Tư, chị Năm đều đang tuổi ăn tuổi lớn, ba tôi lại đổ bệnh nặng vì quá lao lực, nhà có mấy công ruộng chẳng đủ gạo nên quanh năm phải giật gấu vá vai cơm chẳng đủ no, cái đói lúc nào cũng quay quắt. Ba tôi bệnh nhưng vẫn miệt mài chạy xe lôi từ sáng tới tối, dù thân hình ba lúc đó gầy nhom vẫn ráng gồng gánh cùng mẹ kiếm tiền nuôi chúng tôi khôn lớn, không đứa nào phải bỏ học giữa chừng.
Đêm tôi nằm ngoài nghe bên trong vách tiếng ba ho sù sụ, bữa tôi lén xem cái ảnh chụp x-quang thấy một màu trắng xóa ghi phổi bị tổn thương nghiêm trọng, còn nhỏ tôi chưa hiểu bệnh ấy nguy hiểm đến thế nào nhưng mỗi ngày thấy ba đi chạy xe về đều mang theo mớ thuốc nam xin được ở chùa nấu uống cho đỡ tiền thuốc tây, thứ thuốc đắng nghét có mùi thật khó chịu, ba vẫn ho từng cơn không dứt. Để tránh ảnh hưởng đến chúng tôi ba cố gắng kềm chế nên tiếng ho trở nên khùng khục như mắc nghẹn trong lồng ngực. Lúc ấy còn nhỏ tôi chưa hiểu chuyện hay vòi vĩnh ba xin tiền mua kẹo, bữa nào ba nói hôm nay ế khách không có tiền là tôi lại ngúng nguẩy dậm chân rồi khóc lóc ỉ ôi, nghĩ lại mới thấy mình thật sự là cậu bé hư. Có bữa ba giận quá còn lấy cây đánh cho tôi vài roi. Sức khỏe ba yếu vừa đánh vừa la được mấy cái phải ngồi thụp xuống thở dốc, nhân lúc ấy tôi ba chân bốn cẳng chạy đi mất mặt, tiếng ba kêu khản cổ sau lưng… Giận vậy nhưng đến tối không thấy tôi về là ba lại cầm đèn dầu đi kiếm, nhà tôi khi ấy ở sát mé ruộng xung quanh toàn những ngôi mộ cổ, trời nhập nhoạng tối sẽ không thấy đường đi, ba biết tôi sợ ma và sợ tôi té xuống rạch nên cầm đèn đi kiếm, mỗi lần bị đòn tôi hay trốn sang nhà cậu gần đó rồi chẳng dám về. Nhìn thấy ba mắt tôi lúc nào cũng rơm rớm vì mừng, ba nắm tay tôi còn tay kia cầm đèn, ba nói đi sát vào ba kẻo té, bàn chân ba to bè mang đôi dép lào màu xanh đi từng bước rất khó nhọc, đi ngang những ngôi mộ tôi cảm thấy lạnh gáy nên co rúm người, ba biết ý nên đưa đèn ra phía trước để tôi bớt sợ, vừa đi ba vừa kể chuyện ngày còn nhỏ ở quê cho tôi nghe, câu chuyện về các trò chơi tuổi thơ của ba thu hút sự chú ý của tôi, nhờ thế mà tạm quên đi nỗi sợ, qua hết bãi tha ma từ lúc nào cũng không rõ.
Tôi là út nên thỉnh thoảng cũng được nuông chiều luôn cảm thấy mình quan trọng việc nhà tôi chẳng động tay, cứ học xong là tót đi chơi đá bóng đá cầu cùng đám trẻ cùng xóm, có bữa ham đuổi theo trái bóng tròn chân tôi dẫm phải miếng thủy tinh vỡ, vết rạch rất sâu máu không ngừng tuôn ra tôi òa khóc vì sợ hãi có đứa chạy đi kiếm ba tôi, nhìn thấy ba xấp xãi chạy tới chân không mang dép tôi biết ba đã hoảng hốt đến mức nào, ba dìu tôi lên xe chở tôi ra trạm xá băng bó. Về nhà tôi sợ bị mắng nên lầm lũi nhưng ba chẳng nói gì chỉ bảo tôi muốn ăn gì ba mua, sau này nghe mẹ nói mẹ định đánh thêm cho tôi một trận nên thân vì đã làm cả nhà lo lắng nhưng ba đã cản, bảo tôi đã đủ sợ rồi đừng đánh thêm nữa, có gì từ từ bảo ban sau. Mấy hôm sau vết thương mưng mủ rồi sưng lên hành tôi sốt mê man, trong giấc ngủ chập chờn tôi thấy ba ngồi vắt khăn lau trán cho tôi đỡ sốt, những ngày sau ba đều chở tôi đi học đến giờ lại đón về dù bình thường tôi thường đi bộ trên trường. Tôi sợ mẹ la nên dù chân đau vẫn ráng ưỡn ngực giả bộ đi đứng bình thường mắt mẹ kèm nhèm không thấy nhưng ba nhìn thấy hết ba chở tôi đi mua thuốc, mua cồn về lau sát trùng rồi lấy lon sữa bò ông thọ pha cho tôi uống. Giờ nghĩ lại mới thấy thương ba thật nhiều, ba bệnh người ta cho lon sữa quý giá cũng nhường cho tôi, trẻ con vô tư đâu biết gì uống hết ly sữa ngọt ngào ấy vẫn thòm thèm vị ngọt thơm của nó, còn ba hằng đêm vẫn chống chọi với từng cơn ho không dứt.
Năm tôi học lớp 8 mẹ tôi bất ngờ bị tai biến nằm một chỗ suốt nhiều tháng trời, các anh chị đều đã đi học, đi làm xa nhà chỉ có hai cha con, việc trong nhà một tay ba làm hết từ chăm sóc, tập vật lý trị liệu mẹ cho đến giặt giũ nấu cơm. Người đàn ông đứng trước biến cố gia đình trở nên trầm tĩnh và là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Không biết có phải vì trời còn thương không mà sau đó mẹ hồi phục nhanh chóng có thể đi lại làm việc như bình thường dù sức khỏe giảm 40%. Ba bỏ nghề chạy xe lôi để phụ mẹ bán quán ăn nhỏ tại nhà, mẹ không làm được việc nặng nên bưng bê nặng nhọc hay rửa tô rửa chén ba đều làm tất cả, nhờ có ba mà nhà tôi vẫn bình yên vượt qua cơn giông tố.
Tôi đã lớn lên với rất nhiều va vấp ngoài xã hội, bao nhiêu cay đắng cũng đã từng nếm trải, cũng đi rất nhiều nơi nhưng chẳng có nơi nào tốt bằng ngôi nhà của ba mẹ, chẳng có bữa ăn nào ngon như cơm mẹ nấu, khi tôi lạc đường chẳng có ai đốt đèn đi kiếm như ba. Lúc nào mỏi mệt chán nản với cuộc đời tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà với ba mẹ, tôi ước gì mình trở lại nhỏ bé như xưa nép vào ba đi trên bờ ruộng, bàn tay ba vững chãi nắm chặt tay tôi, bao nguy hiểm chẳng còn gì đáng sợ nữa. Khoảnh khắc tuổi thơ chợt ùa về, nhớ về ba với niềm hối hận khôn nguôi ngày ấy con trẻ dại khờ bao lần làm ba buồn lòng ba nhỉ?
Năm nay ba tôi đã ngoài 70 tuổi vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn, mỗi ngày vẫn lao động miệt mài, ba bảo tự lo được, các con cứ lo cho cuộc sống của riêng mình ba không muốn làm gánh nặng cho đứa nào hết.
Người ta có thể dễ dàng thốt ra lời yêu thương với mẹ, nhưng với ba bao nhiêu câu chữ ngọt ngào dường như nghẹn lại, “công cha như núi Thái Sơn” tôi muốn dành tặng bài viết này cho ba tôi – người đàn ông cả đời gìn giữ mái ấm cho chúng tôi có nơi để về, nơi ấy có người đàn ông yêu thương chúng tôi bằng tình yêu vô bờ bến, yêu mẹ tôi bằng sự chung thủy son sắt trọn đời, người đàn ông với nhân cách tuyệt vời luôn là tấm gương cho chúng tôi noi theo.
Lê Hoàng Long (Kiên Giang)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Radisson đến với vùng biển Phan Thiết
- The Anam Mũi Né chính thức trở thành thành viên của Small Luxury Hotels of the World
- 6 góc trang điểm ấn tượng – Chốn riêng cho nàng
- PurpleAsia kết nối cộng đồng thiết kế với công việc thiện nguyện vô cùng ý nghĩa
- AkzoNobel đồng hành cùng KOTO đưa ước mơ của trẻ em bay cao