Khi tàu hàng dừng tránh ở ga vào một – hai giờ sáng, cũng là lúc mấy bó củi nhanh chóng được ba chuyển lên giúp má, rồi trở về lo cái rẫy đang còn dang dở. Má “nhảy tàu” đưa củi xuôi về miệt Biên Hòa, Sài Gòn đổi lấy gạo, dầu, cá khô,… và vài thứ cần dùng. Nhưng không phải chuyến nào cũng trót lọt, có khi tàu chưa kịp dừng ở ga đến, củi đã bị tịch thu, mất sạch, má thất thểu trở về nhìn mấy đứa con đang ngồi đợi, mắt má buồn vô tả…
“Má bị ba bây lừa suốt mấy chục năm qua. Vàng của ổng là vàng da, vàng mắt”. Má nở nụ cười hiền nói với anh em tôi như vậy khi nhắc về những ngày đã xa, về lời hứa của ba thuở trước…

Hồi đó, má theo ba vào vùng kinh tế mới. Vùng đất nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai bốn bề toàn là rừng rậm với vài căn nhà nằm dọc theo đường ray xe lửa, những căn nhà cách nhau vài trăm mét nên chẳng lấy đâu ra láng giềng. Đêm đầu tiên nằm trên chiếc giường ghép lại bằng mấy tấm ván bìa, má không tài nào chợp mắt. Một phần má thấy tủi thân khi nhìn “căn nhà” của mình trống trước trống sau, không có gì đáng giá ngoại trừ mấy cái cưa, búa, rựa… để ba đi làm; Một phần má sợ khi nghe tiếng heo rừng sột soạt bên cạnh vách nhà và căn bệnh sốt rét như bóng ma ám ảnh. Vài hôm, ngỡ như đã quen thì tiếng kẻng vang lên báo hiệu voi về quấy phá, má phải theo ba chạy ngược lên hướng nhà ga, nơi có đông người cùng gõ kẻng khua chiêng, đốt lửa mong rằng “ổng” sợ tránh xa.
Mới ở chỉ hơn mười ngày, má không chịu nổi nên nằng nặc đòi về quê với ngoại. Ba “giở giọng” năn nỉ má: “Thôi mình ráng ở sẽ quen. Mai mốt tui mua cho mình chỉ vàng để cất”. Không biết lúc đó má “trẻ người non dạ” nghe lời ngọt ngào của ba “dụ dỗ”, hay thương ba một mình ở nơi xứ lạ mà xuôi lòng ở lại nơi đây.
Năm sau má sinh tôi, rồi thêm bốn đứa nữa lần lượt chào đời. Lời hứa của ba cứ như một món đồ nằm im trong ngăn tủ, má không buồn lục ra, nhắc lại khi nhìn ba phải vất vả ngược xuôi. Ba lấy ngắn nuôi dài, hết đi rừng kiếm củi lại cặm cụi phát rẫy khai hoang, mong có thể biến mảnh đất hoang sát bìa rừng thành thành vườn, thành rẫy.
Nhớ hồi nhỏ, tôi vẫn thường nhìn thấy má đùm cơm trong lá chuối cùng ít con cá khô cho ba vào rừng mỗi sáng. Cuối ngày, ba trở về trên vai gánh vài bó củi. Ba xếp mấy bó củi buộc bằng dây rừng vào một góc, đợi chuyến tàu khuya. Khi tàu hàng dừng tránh ở ga vào một – hai giờ sáng, cũng là lúc mấy bó củi nhanh chóng được ba chuyển lên giúp má, rồi trở về lo cái rẫy đang còn dang dở chưa thành. Má “nhảy tàu” đưa củi xuôi về miệt Biên Hòa, Sài Gòn đổi lấy gạo, dầu, cá khô… và vài thứ cần dùng. Nhưng không phải chuyến nào cũng trót lọt, có khi tàu chưa kịp dừng ở ga đến, củi đã bị tịch thu, mất sạch, má thất thểu trở về nhìn mấy đứa con đang ngồi đợi, mắt má buồn vô tả.
Mà cũng lạ, má đã quên thì thôi, không ngờ chính ba là người nhắc lại. Như cái năm voi không về quấy phá, bắp được mùa có giá, ba lại nói: “Năm nay tôi mua cho bà chỉ vàng để cất, phòng khi đau ốm”. Má chưa kịp mừng thì đứa em gái đổ bệnh ngay ngày giáp tết. Căn bệnh “lớn tim” mà nó mang trong người từ bao giờ không biết. Vậy là bao nhiêu tiền bạc tích cóp trong năm cũng theo má, theo em vào đón tết nhà thương. Ba cùng mấy đứa con ở nhà lại lủi thủi ngoài vườn kiếm củ mài, rau dại, nghĩ gì đến chuyện tết đến xuân sang.
Bà ngoại trông mãi chẳng thấy đứa nào về, nghi có chuyện chẳng lành kêu cậu đạp xe chở vào. Ngoại nhìn mấy đứa mặt mũi tèm lem, giở lu gạo ra xem không còn mấy hạt nên chỉ ở chưa tới nửa ngày đã đòi về. Ba nghĩ ngoại giận, nhưng không! Ngoại về xay vội bao lúa rồi hối cậu đưa vào cho cháu, cho con ăn tết, bởi ngoại biết ba đã cố gắng hết sức, chỉ trời chưa thương nên cái nghèo đeo bám. Ba đón bao gạo từ tay cậu mà như sắp khóc. Đó cũng là cái tết buồn nhất của gia đình tôi, dẫu qua lâu rồi mà có đứa nào quên được.
Chúng tôi lớn dần lên, mảnh vườn điều ba trồng ngày nào bắt đầu thu hoạch, cũng là lúc chúng tôi phải đi xa để tiếp tục học hành. Tôi đi trước, mấy đứa em cứ tiếp bước theo sau khi chỉ mới mười một, mười hai tuổi đầu. Ở đây không có trường cấp hai, muốn đi học phải vài mươi cây số đường rừng nên không còn cách nào khác là về quê với ngoại.
Xa ba má khi tuổi còn quá nhỏ, mấy lần chúng tôi xin được nghỉ học ở nhà. Ba kiên quyết: “Phải học! Ba má cực khổ như thế nào cũng cố gắng mà lo”. Vậy là chúng tôi chỉ mong sớm nghỉ hè hay nghỉ tết để được về nhà. Ba má chắt chiu từng đồng gởi về phụ cho ngoại nuôi mấy anh em tôi.
Tết đến có lẽ là thời điểm ba má vui hơn cả vì nhà đông đủ. Má làm ít mứt dừa, bánh in… rồi chạy ra chợ mua cho mấy đứa con bộ quần áo mới, sau khi mặc Tết còn mặc đến trường. Riêng ba má vẫn mặc bộ quần áo như ngày thường .Nhiều đêm, nằm nghe lén má nói với ba về khoản nợ ở nhà. Năm nay khoai mì mất giá, chắc phải khất ra năm thu điều mới trả. Ba dặn má nói nhỏ, kẻo lũ trẻ nghe được lại buồn. Anh em tôi nằm im thin thít, thấy thương ba má vô cùng.
Rồi chúng tôi trưởng thành, có vợ có chồng, lập nghiệp ở xa, ba má cũng già nhưng lời hứa của ba năm xưa vẫn chưa thành hiện thực. Có khi về quây quần, nghe má ngồi nhắc lại chuyện cũ, anh em tôi bàn nhau góp lại để ba làm quà tặng má, hoàn thành lời hứa của ba năm nào. Còn chưa kịp mua, má hay tin vội cản lại liền: “Ba bây hứa với má mấy chục năm rồi chưa trả. Cứ để cho ổng nợ má cả đời cũng được”. Nói xong má nhìn ba nở nụ cười mãn nguyện.
Chúng tôi chợt hiểu ra, má cần ba “mắc nợ” hơn là trả cho sòng phẳng, bởi khi “nợ” rồi thì cứ vậy nhớ nhau, thương nhau, sống trọn kiếp trọn đời bên nhau. Mà như chúng tôi nợ ba má cũng có bao giờ trả được hết đâu? Tình thân đâu cần sòng phẳng như một món hàng, đâu thể đặt lên bàn cân để đong đếm thiệt hơn.
Đành thôi. Cố gắng thu xếp về để nghe má lại nhắc chuyện xưa, mà cũng không biết chúng tôi còn được nghe bao nhiêu lần nữa trong đời…
Việt Ngô (Bà Rịa Vũng Tàu)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Bài viết quá suất sắc, tôi bình chọn cho tác giả Việt Ngô
Dễ thương nè, lại nhớ một thời ngăn sông cấm chợ.
Ấm áp
Nhắc ta trân quý hơn gia đình! Cảm ơn tác giả thật nhiều!
Bài viết thật cảm động.
huongtham3008dtd@gmail.com