Đi tìm lời ru… cho con

“À a a a à… ơi…, con ơi con ngủ cho ngoan, cha còn mải miết đồng sâu chưa về, mẹ đi đào đất đắp đê… À a a a à… ơi…!”… tiếng hát ru văng vẳng những trưa hè trở thành miền ký ức miên man của biết bao người. Thế nhưng, trong vòng xoay của cuộc sống hiện đại ngày nay, không ít bà mẹ trẻ chật vật tìm cách ru con hay thậm chí bỏ quên cả lời hát ru.

DI TIM LOI RU CHO CON

Quỳnh Nga (28 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa sinh được bé 3 tháng tuổi, đây cũng là bé đầu của Nga nên mọi thứ từ chăm sóc cho con bú, đến tã bỉm cô đều bỡ ngỡ. Nga vẫn nhớ ngày bé được mẹ hát ru ra sao, nhưng khi cô con gái khóc ré lên, cô lại lật đật cầm điện thoại mở nhạc thiếu nhi cho bé nghe, nhờ vậy bé chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. Nga tự nhủ, nếu cất lời hát ru, chẳng may cô hát không hay, quên lời hay hát lớn, con lại không chịu ngủ yên. Cứ thế, cô bé con mỗi lần đi ngủ lại được mẹ vỗ mông kèm nhạc thiếu nhi phát ra từ điện thoại hay tivi.

Cũng như Nga, Hoa (30 tuổi, nhân viên văn phòng) là mẹ của cậu bé 2 tuổi và chưa từng hát ru cho con. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, bé Khang con trai Như tập làm quen với điện thoại từ sớm và bé chỉ chịu ngủ khi xem hết bộ phim hoạt hình mình yêu thích. Đáp ứng nguyện vọng của con, trước khi đi ngủ, bé được mẹ cho xem phim hoạt hình ngắn rồi từ đó chìm vào giấc ngủ. Bà mẹ trẻ chẳng cần học cách ru con, bé Khang cũng chưa từng được nghe mẹ cất một lời ru.

Thực trạng này trở nên vô cùng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Nhiều người mẹ trẻ nói rằng không biết hát ru, đành ru con bằng những bài nhạc trẻ, thậm chí nhạc pop, chachacha và cả… nhạc vàng. Có những bà mẹ không có chất giọng mượt mà, không dám hát ru con vì sợ lỡ ai đó nghe rồi cười. Hay thậm chí do cuộc sống hối hả, đi làm về mệt mỏi, lại cơm nước việc nhà, mẹ chỉ còn kịp mở cho con nghe một bài nhạc rồi từ đó cùng con chìm vào giấc ngủ.

DI TIM LOI RU CHO CON

Tuy nhiên, lời hát ru của mẹ đóng một vai trò quan trọng và mang ý nghĩa cực kì lớn lao. Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phòng tư vấn tâm lý gia đình & trẻ em, Q. Bình Thạnh, TP. HCM) chia sẻ: “Những người mẹ viện lý do không có giọng ca hay nên thường xuyên bật nhạc ru con có thể do không có nhiều thì giờ dành cho con. Cũng có thể họ rất quan tâm đến con nhưng không biết giá trị các biện pháp tương giao với con, và lời ru của mẹ là một trong những công cụ hữu ích… Qua âm điệu trầm bổng và đặc biệt là mối tương giao yêu thương người mẹ thể hiện, trẻ sẽ cảm nhận được một cảm giác an toàn trong nội tâm”.

“Tuy vậy, lời ru chỉ là một trong những công cụ hữu ích cho mối quan hệ mẹ con, có thể thiếu vắng ít nhiều nếu người mẹ vẫn biết cách quan tâm đến con bằng các hoạt động khác như cho con bú, ôm ấp, trò chuyện. Vấn đề ở đây không phải là hát hay mà hát ru là “hát có tình”. Bởi tiếng ru không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ mà khi người mẹ cất tiếng ru con cũng là tự nâng tâm hồn mình lên”, chuyên gia Lê Khanh kết luận

Nhiều người cũng cho rằng các câu hát ru như “Ầu ơ… / Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua/ Khó qua mẹ dắt con qua/ Con đi trường học mẹ đi trường đời” mang hơi hướng tiêu cực và không thích hợp với thời đại ngày nay. Nhưng theo cố giáo sư Trần Văn Khê cho biết nếu âm nhạc cổ điển, giao hưởng rất tốt cho thai nhi, giúp con phát triển trí thông minh, tư duy tốt… thì chính lời hát ru của cha mẹ mới tạo được tình yêu thương khắng khít, tạo nền móng cho năng khiếu nghệ thuật của con sau này. Cha mẹ có thể chọn lọc những lối dân ca hò vè khác nhau nhưng hãy chọn câu hát ru có ý nghĩa như “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hơn là “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ; Trời mưa bóng bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai…“.

DI TIM LOI RU CHO CON

Lời hát ru không chỉ là hình thức âm nhạc dân gian cần bảo tồn và lưu giữ. Đó còn là sợ dây gắn kết, thắt chặt tình yêu của con với cha mẹ, với quê hương, với mọi thứ quanh mình thông qua những ca từ bình dị mà gần gũi.

Ngọc Bút

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx