Đến Dương Nỗ đi tìm Bolero Chợ Nọ

Biết tôi ra Huế…. Hào nhắn: “Chị ghé em nha, em đưa chị đi thăm Chợ Nọ tìm câu ca Bolero đậm phương ngôn xứ sở nghen”. Hồi nào tới giờ, Bolero có lạ lẫm gì cho cam. Nhưng nghe lời Hào, tôi cũng theo chân cậu ấy tìm đến làng Dương Nỗ.

Từ Huế, xe đi qua đập Đá rồi ngang qua thôn Vỹ Dạ từng nổi tiếng trong bài thơ về chơi Thôn Vỹ của cố nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Làng Dương Nỗ có ngôi đình làng khá ấn tượng nằm cận kề bên dòng sông Phổ Lợi xanh um, lãng đãng mây trời… Chú xích lô vắng khách nằm khểnh trốn nóng dưới bóng si già xum xuê, cất giọng ngân nga những câu thơ lẫn trong tiếng gió rì rào. Lắng nghe thơ của chú, bất giác tủm tỉm cười khi nghe những địa danh ngồ ngộ: Làng Sình, Chợ Nọ, Truồi, Sịa, Ô Lâu… Vừa thoáng nghĩ vẩn vơ thì tiếng nói của Hào kéo tôi về thực tại: “Tới chợ Nọ rồi chị”.

Ra khỏi xe, tôi nhìn quanh quất khung cảnh đầu tiên của chợ Nọ.

Cho dù nhà lồng chợ được xây bằng bê tông khá vững chắc. Khu chợ này vẫn mang cái hồn của một khu chợ nhà quê rất rõ nét, những mảnh đời đã gắn bó với khu chợ này, dường như mọi thứ vẫn không thay đổi, bà con vẫn bưng bê mọi thứ dàn trải trên mặt đường chờ người mua. Từ thau cá, thúng tép hay lồng chó, chim cho đến sạp bán đồ chơi bằng nhựa xanh đỏ, bong bóng cho trẻ em và cả hàng chè đậu… Tất cả đều khiêm tốn nép mình dưới những hàng cây bằng lăng rực rỡ màu hoa tím ngay đầu cầu Dương Nỗ.

Dương Nỗ

Cắt nghĩa cho tôi vì sao dân gian đặt cho nơi đây là Bolero chợ Nọ, Hào cho biết: “Lý do đơn giản là khu vực này có con đường nằm hai bên sông Phổ Lợi rất nên thơ”. Theo tay Hào chỉ, sát mép bờ sông có tới vài chục gốc sung cổ thụ, gốc cây to hơn một vòng tay người ôm. Dọc thân cây là những chùm trái chi chít, lấm tấm cả hai màu xanh đỏ. Những gốc Sung vươn cành lòa xòa soi bóng dưới làn nước xanh trong. Không chỉ có thế, điểm xuyết cho cảnh đẹp của Dương Nỗ chính là những cánh phượng bay là đà trong không gian, rồi đáp trên mặt đất những cánh hoa đỏ thẫm. Dưới mặt sông, cũng thấp thoáng những cánh hoa rơi, lững lờ trôi vô định. Hòa trong tiếng ve ran, tiếng gió thì thào, tiếng gọi nhau dọn hàng, thăm hỏi vang vọng, tiếng được tiếng mất xen cùng giọng ca của chàng ca sĩ gốc Huế Quang Lê trong chiếc radio nhà ai. Khung cảnh ấy tạo cho đường làng thật dịu dàng, yên ả…

Tôi bỗng chợt nhận ra vì sao những ca từ của các tình khúc Bolero xưa sao mà thấm đẫm hồn người, bởi các ca khúc ấy, nó đã diễn tả được tâm tình của tác giả khi nhớ về quê hương: “Đường xưa lối cũ có lũy tre, lũy tre che thôn nghèo…”. Dần dà, giọng ca chuyển sang mượt mà: “Huế ơi… không biết bây chừ, tiếng ca nào vương bên mạn thuyền, có ai chờ ai bên Tràng Tiền, không biết bây giờ, nữ sinh che nón bài thơ, để trai xứ Huế ngẩn ngơ…”

Ôi chao! Phải chi có cái võng nằm đu đưa bên gốc sung già này hứng gió, rồi thiu thiu ngủ nghe câu ca Bolero ngọt như đường phèn thì đời còn gì thảnh thơi, tuyệt vời hơn thế!

Ghé thăm đình làng Dương Nỗ nằm lặng im trong nắng trưa. Hào kể: “Đình làng này đã có tuổi đời hơn 500 năm và thăng trầm theo các triều đại phôi pha. Theo các bản ghi chép, ngôi đình này đã xuất hiện vào năm 1471 dưới thời Vua Lê Thánh Tông nhằm ghi công đức của các vị tiền nhân. Thuở ban sơ, ngôi đình chỉ được cất bằng mây tre nứa nên dân chúng phải tu bổ hàng năm rất cực khổ. Cho đến thời Vua Gia Long, vào năm 1808, được sự giúp đỡ của Tri tượng Chánh chưởng Tượng quân kiêm Cai tào vụ Giám quân Nguyễn Đức Xuyên – một người con của làng tạ ơn công đức các bậc tiền hiền, ông đã bỏ công của để xây Đình làng với nguyên liệu gạch vôi vữa và đất sét. Từ đó, ngôi Đình đã có hình dáng được duy trì cho đến nay dù trải qua nhiều lần tu sửa”.

Dương Nỗ

Phía ngoài bờ sông cũng có một bến đình được xây bằng đá rất vững chãi.

Nằm cách đình hơn 100m. Hào mời tôi đi vào một con hẻm nhỏ ngắn và chỉ cho tôi di tích căn nhà của gia đình Bác Hồ từng cư ngụ khi bác còn nhỏ. Bước qua con đường nhỏ sạch sẽ với hàng rào chè tàu được cắt tỉa cẩn thận. Trưa nay, trong cái nắng nồng mang hơi nóng của gió Phơn, ngửa mặt nhìn trời xanh thoảng những vệt mây trắng bay bay… bên ngôi nhà tranh đơn sơ của Dương Nỗ, tôi như đi ngược lại thời gian, tưởng tượng khi Bác còn là một cậu bé đã có khoảng thời gian hạnh phúc cùng cha và anh, với những kỷ niệm tắm sông cùng bạn bè tại bến đá, rồi sau đó cả hội cùng trèo hàng rào xem hát cúng đình, rồi rủ nhau đi hái trái cây cùng ăn và đùa nghịch…

Dương Nỗ

Dương Nỗ

Dương Nỗ

Dương Nỗ

Dương Thủy 

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx