Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới sinh được con trai Đỗ Hùng Khôi, ở nhà gọi là cu Bin. Quá trình phát triển của cu Bin bình thường như những đứa trẻ khác, khi cháu được hơn 2 tháng thì luôn miệng cười và hóng chuyện tíu tít mỗi khi có người hỏi chuyện. Cu Bin phát triển qua từng giai đoạn: lật, ngồi, trườn, đứng, đi… đúng theo lộ trình phát triển của một đứa trẻ (nhưng bé không bò, và sau này khi tôi đi học lớp dạy cho trẻ tự kỷ thì mới biết được là trẻ bị tự kỷ thường là bỏ bò). Cu Bin có rất nhiều đồ chơi, nhưng bé chỉ thích xe hơi, bé lật qua lật lại, xem xét, cau mày tò mò… đến cả 2 tiếng đồng hồ mà không biết chán. Cháu rất ngoan, ngồi chơi cả ngày rất hiếm khi nghe tiếng khóc, tôi còn nói đùa với ông xã rằng: “Đẻ em bé ngoan như vậy thì đẻ mấy đứa nữa tôi cũng chịu”.
Thời gian trôi qua đến khi cu Bin được gần 16 tháng, đột nhiên bé khóc đêm, khóc nức nở, tức tưởi… vợ chồng tôi lo lắng không biết tại sao, tình huống lặp lại liên tục khiến chúng tôi áp dụng đủ mọi cách trong dân gian chữa mẹo, vẫn không có gì thay đổi, cứ đến 12 giờ đêm là 2 vợ chồng tôi đều sợ, cứ đến giờ là khóc như được lập trình, và bé sẽ ngủ lại từ 5 giờ đến 9-10 giờ sáng hôm sau, chơi và ăn uống sinh hoạt bình thường.
Cách nhận biết con tự kỷ
Vợ chồng tôi đưa bé đi khám và nhận được kết quả từ bác sĩ là Cu Bin bị mắc chứng tự kỷ. Đây là cú sốc lớn với cả hai. Qua tư vấn của bác sĩ, chúng ta có thể nhận ra 5 điểm cơ bản mà đứa trẻ tự kỷ nào cũng đều giống nhau:
- Không biết chỉ tay.
- Không nhìn vào mặt người đối diện hoặc gọi tên không nghe, không quay lại hoặc không có phản ứng (ban đầu gia đình nghĩ cháu có vấn đề về thính giác).
- Đi nhón chân, chạy vòng tròn
- Chậm nói
- Hay ăn vạ…
Và có những biểu hiện khác như: trốn bò, ngồi chơi một mình rất ngoan, ít khóc, không vòi vĩnh, không biết bắt chước… có những bé hay nói nhảm mà bố mẹ không biết bé nói gì.
Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý, thì chứng tự kỷ này khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân do đâu: gen di truyền, môi trường phát triển quá nhanh, môi trường ăn uống, tiếp xúc những hoá chất độc hại, ngạt thở trong bào thai, thiếu oxy lên não do trong quá trình mẹ đang mang thai, cơ thể mẹ không thích ứng với thuốc chích ngừa các loại bệnh trong quá trình mang thai… rất nhiều yếu tố khác.
Thời gian trẻ phát bệnh khoảng qua 12 tháng tuổi, vì dưới 12 tháng tuổi sự phát triển bình thường như những đứa trẻ bình thường khác, dần dần tuỳ cơ địa mỗi trẻ, nó sẽ có những biểu hiện bất thường xảy ra, nay thế này, mai thế khác… những biểu hiện bất thường của trẻ, nếu không kịp thời cắt và ngăn chặn, trẻ càng ngày sẽ càng nặng về hành vi, ở đây, tôi chưa đề cập đến ngôn ngữ, vì đa số các cháu biết nói rất chậm: có đứa 3 tuổi, 5 tuổi và thậm chí đến 10 tuổi mới phát âm được một từ… (con trai tôi đến 8 tuổi mới bật nói được 1 từ sau hơn 6 năm dạy phát âm).
Kiên trì đến từng phút giây
Khi biết con mình mắc chứng tự kỷ, tôi bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh này. Tôi đã đi học một lớp về truyền đạt kinh nghiệm và cách dạy trẻ tự kỷ, nghiên cứu nhiều loại sách viết về căn bệnh này, và sau một thời gian ngắn, tôi đã nghỉ làm và bắt tay vào việc dạy con càng sớm càng tốt. Tôi bắt tay vào việc lên kế hoạch dạy con, vì lúc này con tôi đã hơn 20 tháng tuổi, trước tiên là tập cho con vận động đi bộ 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và buổi chiều, kế đến là tập tâm vận động, tập nói và tập những sinh hoạt thường ngày từ những động tác nhỏ nhất cũng phải dạy… mà dạy đi dạy lại liên tục nhiều lần từ tháng này qua tháng nọ, năm này sang năm kia.
Sau khi đi bộ về nhà, tiếp đến là “đè” nó ra tập: nào là bắt đu xà, nào là dốc ngược đầu để máu chạy về não (đa số những đứa trẻ này đều thiếu máu lên não), rồi chơi cầu tuột để cháu có cảm giác, tập chườm nóng, chườm lạnh, tập chéo tay này chân kia, tập bò… Ôi thôi đủ thứ tập, thấy mà xót xa cho con, nó không hề có tuổi thơ vui chơi, chạy nhảy, mà chỉ có ăn rồi học, tập thể lực cho máu huyết lưu thông.
Cũng với những kế hoạch mà tôi đã lên lịch kín bưng cho con, tôi lên tiếp kế hoạch dạy cho nó về tất cả những gì mà một đứa trẻ mới chào đời phải bước qua theo từng giai đoạn. Thật sự ban đầu tôi rất sốc, vì hôm nay dạy con làm được, ngày mai nó lại quên. Đứng trước đứa con mắc chứng bệnh tự kỷ, tôi quyết không từ bỏ, vẫn nuôi hy vọng và sự bền bỉ của mình sẽ giúp con hết bệnh. Thời gian thấm thoát qua đi, sự kiên trì của tôi đã được đền đáp, con trai tôi đã được 16 tuổi, ngoan, hiền… Về tư duy có thể hiểu biết và nhận thức được môi trường xung quanh cháu khá tốt, nghe và cảm nhạc là sở trường của cháu, cháu biết tự chăm sóc bản thân.
Đúng là một thử thách rất lớn đối với những bà mẹ có con chẳng may bị mắc bệnh tự kỷ, vì xảy ra hàng trăm, hàng nghìn thứ phát sinh, chỉ có tấm lòng người mẹ mới thấu hiểu và trải nghiệm qua những thử thách không hề nhỏ chút nào. Tôi cũng thầm cảm ơn con trai tôi rất nhiều, vì cháu là người dạy ngược lại cho tôi tính kiên nhẫn cao, chịu được đủ mọi thử thách, áp lực, tôi đã thay đổi cách sống, cách suy nghĩ kể từ khi tôi bước vào thế giới riêng của con.
Hoàng Trần
- Trải Nghiệm “Hè Thảnh Thơi, Nghỉ Ngơi Trọn Vẹn” tại Sheraton Grand Danang Resort
- AkzoNobel khoác áo mới cho trường mẫu giáo Làng trẻ em SOS TP. Hồ Chí Minh
- Điểm danh 5 bộ phim dành cho gia đình sẽ bùng nổ màn ảnh 2020
- adidas ra mắt trái bóng chính thức “Al Hilm” cùng phim ngắn kết hợp với “Rick and Morty”
- Vẻ đẹp có mang lại may mắn cho cuộc sống của bạn?