Tết đến, việc đi lại, ăn uống ít nhiều cũng làm xáo trộn sinh hoạt và nếp sống của người bệnh mạn tính. Vui chơi, ăn uống quá độ, thường xuyên sử dụng rượu, bia, chất kích thích cũng như bỏ bê việc thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe khiến các tai biến nguy hiểm xảy ra trong dịp Tết năm nào cũng tăng cao. Để phòng tránh những rủi ro, bạn cần hiểu bệnh của mình để an tâm vui Tết cùng gia đình và chào đón một năm Canh Tý tràn đầy sinh lực.
Bệnh tim mạch, huyết áp
Bạn có biết, bệnh tim chiếm 1/3 số ca tử vong trên toàn thế giới và chế độ ăn uống đóng vai trò chính trong sức khỏe tim mạch vì nó ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ mắc bệnh. Có một số thực phẩm gây ảnh hưởng đến huyết áp, mỡ máu, cholesterol, chứng viêm…tất cả đều là yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Tết cổ truyền của người Việt nhiều dinh dưỡng, mâm cao cỗ đầy và tâm trạng vui vẻ khiến việc nạp thức ăn mất kiểm soát. BS CKII, Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, bánh chưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, dồi dào năng lượng, giàu đạm động vật, nhiều chất béo…gây ảnh hưởng không tốt tới tim mạch và huyết áp.
3 ngày Tết, các bữa ăn thường nhiều thịt, mỡ, rất nguy hiểm cho bệnh nhân có tiền sử mỡ máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Người có bệnh mạn tính như bệnh tim nên tránh ăn nhiều thức ăn như thịt kho tàu và phủ tạng động vật. Với những bệnh nhân tăng huyết áp hạn chế ăn mặn và các món nhiều muối như dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, pate, lạp xưởng…
Rượu, bia là đồ uống không thể thiếu trong ngày Tết nhưng nó lại chính là kẻ thù nguy hiểm của bệnh tim mạch, do gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết não. Người bệnh tim có thể dùng không quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu vang một ngày.
Thuốc lá cũng là kẻ thù số 1 của bệnh tim, chất nicotin có trong thuốc lá có khả năng làm rối loạn chức năng đàn hồi của mạch máu, gây tăng huyết áp và nhịp tim. Thuốc lá cũng gây co thắt động mạch vành, tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim.
Để có những ngày Tết vui vẻ hạnh phúc bên người thân, người bệnh tim nên chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Trong chế độ ăn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây để tăng nguồn vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Duy trì tập thể dục hàng ngày và dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp Tết, tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Bệnh tiểu đường
Ngày Tết nhà nào cũng bánh mứt, trái cây bày biện vô cùng hấp dẫn. Chưa kể bánh chưng, bánh tét, xôi chè là những món ăn dồi dào tinh bột, tăng đường huyết sau ăn. Bên cạnh đó, người tiểu đường cũng cần tránh uống bia, rượu và các loại nước ép, sinh tố trái cây ngọt như nho, xoài, sầu riêng, vải, nhãn. Có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng hạn chế không quá 1 lon/ngày. Người bệnh tiểu đường có thể thay thế các loại nước giải khát bằng các loại trái cây hoặc nước trái cây như bưởi, thanh long, mận và ăn nhiều rau xanh.
Một điều cần nhớ, trước Tết, người tiểu đường nên kiểm tra sức khỏe để bác sĩ điều chỉnh đường máu, huyết áp về giới hạn tối ưu. Dự trữ thuốc đầy đủ trong những ngày Tết, nhớ uống thuốc đủ liều và ngay sau Tết nên đi khám lại sớm nhất khi có thể.
Bệnh Gút
Thực đơn ngày Tết của người Việt vô tình mang lại tác hại rất xấu cho bệnh gut. Món ăn ngon lành, đa dạng, hấp dẫn, nhìn thôi cũng đã thấy thèm nhưng bệnh nhân gút cần biết kiểm soát lượng thức ăn nạp vào hàng ngày nếu không muốn nhập viện ngay trong những ngày Tết.
Bệnh nhân gút cần nhớ kiểm soát lượng đạm từ các loại thịt đỏ, hải sản, trứng gia cầm, phủ tạng động vật là nguyên nhân gây khởi phát cơn gút. Tuyệt đối không uống bất kỳ một dạng chất cồn nào như rượu, bia.
Sinh hoạt điều độ, duy trì tập luyện sức khỏe. Có thể ăn thoải mái cơm, mì, phở, bún, trái cây các loại giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm. Các loại rau ít purin tốt cho người bệnh gút là dưa leo, bông cải, bắp cải, cải xanh và các loại cà, trừ một số loại nên tránh như nấm, giá đỗ, măng tây. Có thể ăn các loại thịt trắng: cá sông, lườn gà, thịt heo…
Bổ sung thêm 500 – 1000mg vitamin C hàng ngày. Uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric.
Không có thức ăn nào là hoàn toàn xấu hay tốt. Thức ăn tốt hay xấu phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải. Vui chơi, ngủ nghỉ hợp lý, ngủ đủ giấc, giữ thói quen thể dục thể thao sẽ giúp các bệnh mạn tính ổn định trong những ngày Tết.
Lan Ngọc
- CEO & CMO Summit 2021- Hội Nghị cao cấp cho các lãnh đạo doanh nghiệp
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mẹ – Người thầy vĩ đại nhất!
- Lỡ chọc giận Lynk Lee, Puka “bay” luôn khỏi dự án song ca
- Vy Oanh: “Tôi không giả nai mà trong tôi tồn tại hai tính cách”
- Học trực tuyến về tiếp thị số cùng Grabacademy