Con gái hôn mê sâu hơn tháng, mở mắt, người đầu tiên tôi thấy là mẹ. Trong lúc thần trí còn hỗn loạn nhớ nhớ quên quên, mẹ ngồi bên tỉ tê nói chuyện quá khứ như cách giúp con tìm lại trí nhớ. Và lúc tay chân con gái còn cứng đơ chưa cử động được, mẹ nắn bóp, tập từng động tác buông nắm để đôi tay cầm phấn tìm được cảm giác.
Nhà nghèo, mẹ vẫn cho các con đến trường nhưng phải đúng nghĩa học. Không cua kèm, không la cà quán xá, không kẹp cài áo váy. Tuổi thơ tôi chỉ một lần được mang cặp mới. Còn vở, đương nhiên vở hẩm. Buổi học buổi chăn bò – từ năm lớp ba cho đến khi chính thức trở thành cô giáo.
Tôi đi học Cao Đẳng Sư Phạm bằng chiếc xe đạp cà tàng. Xe mày té xuống chỉ cần trầy thì sẽ chết ngay đuôi – vì nhiễm trùng! – bạn bè trêu thế. Trời ơi, tôi thèm một chiếc xe đạp mi ni, năn nỉ mua nhưng mẹ bảo: có xe đạp đi học đã mừng rồi, đòi gì cũ mới.
Thiệt buồn mẹ hết cỡ. Con gái đang đang tuổi mười chín đôi mươi, quê một thúng to đùng mà mẹ vẫn coi như không có chuyện gì. Tôi ấm ức. Sinh viên vẫn tận dụng quần xanh áo trắng thời cấp 3. Đạp xe xuống trường, sau ba ga cột thêm ràng bánh tráng – “Hai lúa” hết chỗ nói. Tôi tưởng tượng nếu được đeo cái cặp bên hông, diện quần jean áo pull và ngồi trên chiếc xe đạp mi ni có cái giỏ xinh xắn phía trước hẳn mình sẽ ra dáng lắm. Còn làn da mục đồng đen nhẻm, nếu có được hũ sữa rửa mặt, hộp kem dưỡng da, chắc sẽ mượt mà chứ làm gì đến nỗi vừa đen vừa nhám. Nhưng rón rén xin tiền mua kem dưỡng thì mẹ hét: “Tao cho bây đi học chứ không cho đi đua đòi!”.
Kể chuyện này, tôi còn thấy ân hận vì từng có ý nghĩ ước được một gia đình giàu có nào đó nhận làm con nuôi. Ai biểu mẹ cứ căn cơ, tằn tiện từng chút một để con gái thua chị kém em, để bạn bè gọi “dân gốc rạ”. Chỉ đúng đi học và những trang bị tối thiểu nhất, nếu có vòi vĩnh gì thêm, đằng nào cũng nhận được câu trả lời “lo học giỏi rồi mai mốt sướng thân, đua đòi có nước … mạt”.
Hồi đó, ngây thơ quá, tôi chưa hiểu nỗi thống khổ của người vợ có chồng đi cải tạo, thân cò một mình gồng gánh đàn con lo ăn lo học nên cứ trách nọ hờn kia mẹ. Nhưng sau này, phải khi đã biết nhịn cho con miếng ngon, biết giành chỗ ướt để chỗ ấm con nằm tôi mới biết, mới hiểu vì sao ngày xưa mẹ bảo thích ăn cơm độn để các con ăn cơm trắng, thích ăn chuối chát non chấm nước mắm để các con ăn cá, thích gặm mót trái bắp còn hạt mà các con đã gặm sơ sài. Nhưng sự thật là phải đợi đến khi tôi đã là cô giáo, hết lòng thờ phụng nhà chồng rồi khi trở về từ cõi chết, bị người ta ruồng rẫy như cái cách vứt đi một miếng dẻ rách tôi mới thấu cái lý của mẹ, mới thấm thía thế nào là tình mẹ.
Hồi đó, tôi bị tai nạn thương tâm. Lúc nghe tin tôi được đưa xuống phòng cấp cứu, mẹ bỏ hết chuyện đồng chuyện nhà, hấp tấp đón xe đò vào viện với con. Có mấy chỉ vàng chắt chiu tuổi già, mẹ dúi hết vào tay con rể.
Con gái hôn mê sâu hơn tháng, mở mắt, người đầu tiên tôi thấy là mẹ. Tôi hoảng hốt suy sụp vì hình hài méo mó, tay chân cứng đơ như liệt. Trời ơi, hai tám tuổi, tôi ước giá mình chết đi trong tai nạn đó. Cảm ơn cuộc đời vì trong cơn sinh tử, tôi còn có mẹ. Trong lúc thần trí còn hỗn loạn nhớ nhớ quên quên, mẹ ngồi bên tỉ tê nói chuyện quá khứ như cách giúp con tìm lại trí nhớ. Và lúc tay chân con gái còn cứng đơ chưa cử động được, mẹ nắn bóp, tập từng động tác buông nắm để đôi tay cầm phấn tìm được cảm giác.
Mấy tháng đồng hành cùng con trong bệnh viện, hết Chợ Rẫy đến Phục hồi chức năng sang Viện mắt nhưng mẹ không ăn cơm tiệm. Tới bữa ăn, mẹ đi mua cơm cho con gái còn mẹ đi xin cơm từ thiện. Tôi không cho thì mẹ bảo phải dành tiền để chữa bệnh, cơm từ thiện cũng rất ngon. Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng con chỉ ăn được vài thìa. Mẹ ăn cơm thừa của con. Tôi gắt: Sao lại ăn cơm thừa? Mẹ xua tay: Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con.
Khi tôi tái nhập viện. Mẹ lại khăn gói vào viện chăm con. Thấy con trằn trọc, mẹ tẩn mẩn nắn tay bóp chân cho con dễ ngủ. Chao ôi, giờ mới đủ tỉnh táo để nghe những vết sần trên tay mẹ cạ vào lớp da mềm mịn, tôi nghe tim mình rát buốt. Thấy con hoàn toàn tuyệt vọng, mẹ bảo, đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà sống. Còn hôn nhân, nếu đã khủng hoảng hết đường cứu vãn thì tùy duyên – mẹ nói ngậm ngùi.
Đất khách quê người, căn nhà nhỏ bỗng thênh thang trống trải, mẹ con lầm lũi, tôi gần như lúc nào cũng khóc. Phải sống chung với những di chứng kinh hoàng của chấn thương sọ não, khổ nhất căn bệnh động kinh, cứ gần tháng tôi lại lên cơn một lần, phải mất chục ngày để lên cơn và phục hồi sức khỏe. Thân xác điêu tàn, số phận lại khuyến mãi thêm cái mác “ bà giá” (đàn bà đơn thân quê tôi người ta gọi “bà giá”), tôi khủng hoảng toàn diện, muốn tìm cái chết như một sự giải thoát. Khi em gái phát hiện ý nghĩ điên rồ đó, em méc mẹ. Mẹ gọi điện khóc. Mẹ bảo sống một mình nơi đất khách không được thì đem con về với mẹ – Ngay lúc đó, những giọt nước mắt sụt sùi của mẹ đã tái sinh tôi. Tôi nhận ra rằng, người yêu thương tôi nhất là mẹ, chỉ có mẹ.
Mẹ con tôi về cái ổ chuột của mẹ. Các con thành vợ thành chồng ra riêng, mẹ vẫn ở trong căn nhà cũ được xây từ năm 80, nay đã lụp xụp thấy rõ. Khi thợ tới làm lại công trình phụ và sửa sang một số thứ lặt vặt khác, tôi phụ nhưng mẹ nhất định không cho. Mẹ bảo để dành tiền đi xe buýt, lo tái khám, thuốc men bồi bổ và tiền sữa cho con.
Chuyển chỗ ở, tôi phải đi dạy xa, xe buýt đi về 80km. Con nhỏ ở nhà với ông ngoại, còn bà ngoại còn lo bán vé số. Mỗi chiều về, nếu phải thấy mẹ xác xơ hất chiếc xe vô rào và kéo lê đôi dép vô nhà thì tôi đau nỗi đau của đứa con bất hiếu. Cảm giác này cực kỳ khó chịu. Tôi không muốn, không cho nhưng mẹ bảo bán vé số cũng như đi tập thể dục, làm thêm chứ mấy sào ruộng không đủ ngó chừng. Bị thoát vị đĩa đệm nhưng mẹ bảo từ ngày đi bán vé số mẹ thấy cái lưng bớt đau. Mẹ nói vậy để tôi bớt lo chứ sao tôi không biết đêm mẹ nằm trở lưng liên tục. Gần bốn mươi tuổi, tôi biết mẹ không muốn tôi chứng kiến bữa cơm đạm bạc rau mắm và càng không muốn trở thành gánh nặng kinh tế cho con nên phải ráng đi làm kiếm thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Nếu tôi cản, mẹ sẽ nói, đi được bữa nào mừng bữa ấy chứ đằng nào mẹ hổng nằm xuống báo đời báo chướng tụi bây. Thương mẹ quá, nỗi canh cánh của mẹ là tuổi già làm khổ các con.
Cảm ơn cuộc đời, tạ ơn lần trở về từ cõi chết đã giúp tôi nhận ra … tình mẹ.
Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Khu nghỉ dưỡng biển Meliá Hồ Tràm hỗ trợ dự án cộng đồng “Soap For Hope”
- Điểm danh các khách sạn Việt chào đón Tết Nguyên Đán Quý Mão hấp dẫn
- Combo 99K của KFC – Ưu đãi nhân hai
- Yêu thương cho đi đêm nhạc gây quỹ từ thiện hỗ trợ các em nhỏ và gia đình khó khăn ở xã Ia Sao
- 5 Tư thế yoga cho vòng eo thon thả
“Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con”.