Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Nơi nào có mẹ, nơi đó có mùa xuân!

…Mẹ dọn rác trong vườn, mùi khói ám lên mái tóc đen nhẻm của tôi, nhưng vì có mẹ, tôi thấy mùi khói ngày ấy thơm kỳ lạ. Đến bây giờ, mỗi khi về nhà, tôi lại dành phần dọn rác, hun khói, vì tìm thấy ký ức trong veo của mình, tìm thấy những ngọt ngào ấu thơ mà càng về sau này, các con tôi, chắc không thể nào có được như tôi ngày ấy…

Bố mẹ tôi lập nghiệp tại mảnh đất miền Đông Nam Bộ được gần bốn mươi năm. Bằng đó thời gian nhà chúng tôi đón Tết tha hương. Nhưng ở đâu có gia đình, đó chính là mùa Xuân. Cũng vì vậy, mùi Tết quê tôi có vị ra sao, nôn nao thế nào, mùi nhang trầm thoảng trong gió báo hiệu Tết đến thế nào, đầu năm mưa phùn ra sao, đều được tôi cảm nhận chỉ qua lời kể của mẹ…

Noi-nao-co-me-noi-do-co-mua-xuan-03

Quê tôi sống hiện nay một vùng đất thân thiện của xứ đất đỏ miền Đông, dân tứ xứ tụ về, từ miền Bắc, đến miền Trung, vô tình tạo nên phong vị Tết thật đa dạng… Đang chuyển mình từ vùng nông thôn lên thị trấn, nhưng các nét dân dã, đạm bạc theo trong trí nhớ từ ngày tôi còn bé đến giờ hầu như không mấy thay đổi.

Ngày Tết của tôi ngày bé luôn gắn liền với hình ảnh mẹ. Tôi thích thấy mẹ loay hoay chuẩn bị các món ngon ngày Tết. Mứt dừa mẹ tự làm, dù sên qua lửa quá tay một chút, hơi cháy nhưng với tôi đó chính là món mứt dừa ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời mình. Mẹ lùa chị em tôi dọn dẹp cùng mẹ, nhưng mẹ làm là chính. Mẹ dọn rác trong vườn, mùi khói ám lên mái tóc đen nhẻm của tôi, nhưng vì có mẹ, tôi thấy mùi khói ngày ấy thơm kỳ lạ. Đến bây giờ, mỗi khi về nhà, tôi lại dành phần dọn rác, hun khói, vì tìm thấy ký ức trong veo của mình, tìm thấy những ngọt ngào ấu thơ mà càng về sau này, các con tôi, chắc không thể nào có được như tôi ngày ấy…

Tết, hoa vông đỏ nở rợp trời, loài hoa kỳ lạ, nở rộ vào những lúc tiết trời khắc nghiệt, gió hanh hao thổi, lành lạnh, sáng sớm trời còn bàng bạc màu sương, thì le lói trong màn sương ấy là màu đỏ của hoa vông. Nơi tôi sống, đa số trồng hồ tiêu, cây vông vươn lên cao chót vót, làm chỗ dựa cho thân hồ tiêu leo bám, càng thấy loài hoa đó kiêu hãnh, tiêu dao, tự cao, tự đại. Tôi thèm về quê ngày tết không chỉ vì không khí rộn ràng, ấm cúng, an yên mà còn vì có nhiều thứ khiến tôi bình tâm hơn, cân bằng hơn, đặc biệt là khi ngắm hoa cỏ xứ mình. Có vài nhà còn trồng thêm cây hoa anh đào, nên nói không phải quá lên, cần gì sang Nhật hay Hàn ngắm hoa anh đào, đi trong vườn ngày xuân giữa quê tôi cũng hoa anh đào rực rỡ, không khí trong lành, tha hồ “sống ảo”…

Chợ Tết quê tôi bây giờ cũng đa dạng lắm. Hàng hóa ngập tràn những sản phẩm công nghiệp từ khắp nơi tụ về, nhưng một người hoài cổ như tôi, vẫn thích dừng lại những nơi bán các món nhà làm, hoặc những thứ quà quê còn lưu giữ mùi Tết… Nhà nước cấm pháo, nên các trung tâm văn hóa xã thường tổ chức chương trình văn nghệ mừng xuân, mừng Đảng vào đêm giao thừa. Một bà mẹ mấy con như tôi muốn con mình trải nghiệm Tết quê cũng bế con chen chân coi hát, các bài hát thịnh hành, nhạc nhẽo remix chói tai, ầm ĩ, gần đó là hội chợ loto. Các gian hàng sáng đèn, tôi dẫn các con qua những gian hàng chất đầy mì tôm và bánh quy, những món quà ấu thơ của mẹ chúng nó là “siêu phẩm” là khát khao, là thách thức, là đấu tranh dữ dội với ông bà ngoại để xin tiền tham gia trò chơi. Các con tôi, trề môi, không muốn tham gia vì mì tôm không ngon, bánh chúng không thích. Chúng háo hức với các trò chơi thảy vòng, bắn tên, dễ chơi, dễ trúng. Tham gia cùng các con để thấy mình trong đó, thấy mình từng háo hức ra sao mỗi khi Tết về âu cũng là hạnh phúc…

Noi-nao-co-me-noi-do-co-mua-xuan-04

Đến bây giờ, đã làm mẹ, làm vợ, làm chủ một gia đình, nhưng giờ tôi đã hiểu vì sao cứ Tết, tôi lại cồn cào, thèm khát cảm giác ngồi xe khách về nhà với mẹ. Nhà gỗ, mùi bánh tét mẹ vừa nấu chín vớt lên còn thơm mùi lá chuối làm xao xuyến hết mọi giác quan. Mẹ hơn sáu mươi vẫn lục đục tự làm bánh in, rồi biếu xén hàng xóm. Hàng xóm là người xứ Nẫu sẽ làm bánh thuẫn biếu lại nhà tôi. Vậy đó, ai cũng mang theo những món ngon quê hương của mình từ trong máu thịt chia sẻ cùng nhau, hoài niệm cùng nhau về một quê hương riêng trong lòng mỗi người. Mấy năm nay, các nhà còn tự làm nước quả chua, nấu gạo nếp để uống mừng trong ngày tết rồi biếu nhau nữa cơ. Xuân tha hương, xuân của đất trời tứ xứ, nhưng gia đình ở đâu, mùa xuân ở đó là vậy!

Tôi hay bị bệnh nhìn tết này, nghĩ tết xưa…Ngày ấy, còn được đốt pháo, đêm giao thừa mấy chị em tôi chui vào chăn nhưng không hề ngủ, bọn tôi nôn nao chờ nghe tiếng pháo từ khắp nơi vang lên. Rồi chờ bố đốt pháo nhà mình. Nghe tiếng pháo để dự đoán năm sau vận hạn thế nào, nếu tiếng pháo giòn tan, không bị nhiều viên pháo xịt thì mẹ bảo, năm sau được mùa, có thêm tí tiền mua quần áo cho các con…

Tết quê bây giờ nơi nơi, rộn ràng hội chợ diễn văn nghệ. Băng rôn giới thiệu ca sĩ, nhạc sĩ treo đầy tại các chợ trong thị trấn. Chiều chiều một chiếc xe hơi cũ có loa thật to chạy khắp các hang cùng ngõ hẽm làng quê giới thiệu chương trình tới bà con cô bác. Ca sĩ nào đang hot, có dòng nhạc phù hợp thị hiếu với làng quê đều tranh thủ có suất về diễn. Tôi nhớ, có năm cái bài hát gì của Hồ Quang Hiếu làm mưa làm gió, đi đến đâu cũng nghe “Con bướm xuân”, ôi thôi đủ loại remix, cover nhưng cũng vui tai phết.

Sáng mùng một Tết ở quê đến giờ vẫn còn tục lệ rất dễ thương. Cúng gia tiên đón giao thừa xong, anh em dòng họ sẽ thi nhau đi đạp đất nhà khác (miễn đừng có tang ma) thì sẽ được chào đón nồng hậu, rộn ràng cho đến hai- ba giờ sáng thì ai về nhà nấy, chợp mắt lấy sức để sáng mùng Một lại kéo nhau lên Chùa hoặc Nhà thờ. Có người thì có thói quen viếng nghĩa trang thăm người thân vào những ngày đầu năm. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, nghĩa trang ngày tết, hoa, nhang, và người thân chen nhau, ấm cúng, tôi đứng trước mộ người thân, trò chuyện, kể lể… mỗi năm một lần như thế biết bao nhiêu điều cần nói, nhìn hình người thân mỉm cười trên bia mộ, lời của mình nói ra, chắc rằng người thân sẽ nghe hết, nên tâm hồn được xoa dịu rất nhiều…

Tôi hay được hỏi, sao không thấy ở lại Sài Gòn ăn Tết! Câu trả lời của tôi 14 năm nay vẫn vậy, nơi nào có người thân, nơi đó là mùa Xuân. Dù làng quê của tôi đã ngày càng xoay vào lốc xoáy phát triển lên thị xã, thị trấn gì gì đi nữa, thì hồn quê, ký ức và tình yêu của tôi vẫn không thay đổi. Tôi cũng muốn con tôi được trải nghiệm những điều đẹp đẽ như vậy!

Hồ Ngọc (TP. HCM)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Song Chan Nguyen
Song Chan Nguyen
1 year ago

Tôi thấy hình ảnh của gia đình mình qua bài viết, thật xao xuyến về tết miền quê yêu thương!

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx