Là giảng viên Học viện Cán bộ TP. HCM, tôi phải đứng lớp quanh năm và liên tục đi các tỉnh giảng dạy. Đầu năm ngoái, tôi phát hiện mình bị đau khớp gối. Nhà tôi ở tận lầu 4 một chung cư cũ, không có thang máy nên mỗi lần “lội bộ” lên cầu thang rất khó khăn; thậm chí tôi nghe rõ đầu gối kêu răng rắc sau mỗi bước đi. Cứ đụng nhẹ vào đầu gối, tôi cũng cảm giác như bị kim châm.
Đau đớn là vậy, nhưng do “tham công tiếc việc” tôi không dám xin nghỉ. Cuối cùng, không chịu nổi cơn đau, tôi đến khám ở bệnh viện Đại học Y dược. Sau khi thăm khám, bác sĩ nói tôi phải mổ khớp gối và khuyên “tốt nhất là cô nên chuyển nghề, đừng đứng lâu hoặc đi lại nhiều”.
Tôi nghe như sét đánh ngang tai dù thật sự tôi không bất ngờ lắm. Hai người em tôi ở những quốc gia tiên tiến như Đức, Úc đều phải mổ khớp gối vì không có cách chữa trị nào ưu việt hơn! Tuân lời bác sĩ, đầu tiên tôi uống thuốc rồi chuẩn bị mọi thứ để làm phẫu thuật. Nhưng mới uống hai ngày thuốc thì tôi lại đau bao tử nên phải dừng thuốc khớp. Nhiều người quen cũng cho tôi hay dù có mổ nhưng mỗi khi trở trời, đầu gối vẫn đau. Vì thế nên cân nhắc xem có mổ không? Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều phương cách để hạn chế bệnh tật.

Ai khuyên gì tôi cũng lắng nghe và chọn lọc những thứ phù hợp với mình. Nào là đi bơi, đạp xe, uống nước đậu bắp mỗi ngày, tập vật lý trị liệu… Nghe đi bơi là tôi thấy “thua” rồi vì tôi sợ nước từ nhỏ; cứ lần nào học bơi là uống no bụng nước mà chẳng khi nào nổi lên được. Chỉ còn uống đậu bắp, đạp xe và tập vật lý trị liệu là còn có thể thực hiện. Tôi đã từng lên kế hoạch chi tiết nhưng rồi cứ sáng dậy là tất bật lo ăn sáng cho cả nhà, sửa soạn đi dạy, cũng phải lượt là, trang điểm… Nhiều hôm chiều về sớm, định lấy xe đạp ra chạy nhưng lại nhớ đến bổn phận làm vợ, làm mẹ với buổi cơm chiều chưa nấu, nhà chưa lau, tủ quần áo chưa xếp…
Cứ thế, thời gian trôi qua, mỗi lần đau gối quá tôi lại nhờ vào thuốc…
Một hôm họp tổ dân phố, nghe tôi than bị thoái hóa khớp gối, bác hàng xóm khoe “thành tựu” chữa trị của bác: Cô cứ nghe tôi, đạp xe mỗi sáng khoảng 1 tiếng. Hôm nào tối rảnh thì đạp thêm 1 tiếng nữa. Chỉ đều đặn vậy thôi mà hết đau khớp gối đó cô.
Nghe lời bác, tôi bàn với chồng mua chiếc xe đạp để chạy. Chồng tôi bảo lấy tạm chiếc xe Martin 107 cũ của con gái không dùng từ 2 năm nay mà tập. Nhìn chiếc xe lấy từ trong nhà kho ra, tôi hơi nản lòng nên cứ nấn ná mãi từ dịp tết đến nay. Nhưng từ ngày 1-4, khi toàn xã hội bắt đầu thực hiện giãn cách, tôi hoàn toàn “mất dạy” nên có đủ thời gian để sống cho mình, để thực hiện triệt để “những việc cần làm ngay” nhằm bảo vệ sức khỏe của mình.
Thấy tôi lôi chiếc xe đạp ra, chồng tôi bảo để anh đem xe đến hãng Martin 107 nhờ xem lại cho yên tâm. Nửa giờ sau, chồng tôi đạp xe về nhà vô cùng phấn khích: “May ghê, giờ này hầu như các cửa hàng xe đạp ở Võ Thị Sáu đều nghỉ bán, chỉ Martin 107 vẫn mở cửa. Thiệt không ngờ nhân viên bảo hành của hãng xe đạp này phục vụ khách nhiệt tình hết sức. Xe còn tốt em ơi, chỉ chỉnh lại thắng thôi!”.
Lâu lắm rồi tôi chưa bước lên xe đạp, dù thời sinh viên cũng từng đổ mồ hôi hột đạp xe vất vả đến trường. Buổi chiều đầu tiên đạp xe, tôi thấy thiếu tự tin nên rủ ông xã đạp xe cùng. Tôi đạp hơi lọng cọng, tay lái còn yếu. Ông xã chạy bên cứ ân cần động viên, giống hệt bố tôi ngày xưa. Nhà tôi ở Đakao nên chúng tôi chọn cung đường Hoàng Sa, Trường Sa – 2 con đường song song, ven kênh Nhiêu Lộc. Mỗi ngày chúng tôi chạy một đoạn ngắn, độ nửa giờ rồi tăng tốc từ từ. Sau một tuần, chúng tôi khám phá hết chiều dài hơn 17 km của cung đường này trong 2 giờ đồng hồ.
Thật kỳ diệu, sau 3 tuần đạp xe, tôi cảm nhận được khớp gối của mình cải thiện đáng kể. Tôi đã dễ dàng đi một mạch lên nhà ở tầng 4 mà không nghe đầu gối kêu lắc cắc hay đau nữa. Không chỉ “hạ nhiệt” cơn đau đầu gối mà nhờ đạp xe, chúng tôi khám phá nhiều điều tuyệt vời ở cung đường nối qua nhiều quận như quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận… để tìm những góc máy đẹp qua màu xanh bất tận của cây cối hai bên bờ kênh, những vườn hoa xinh xắn được chăm chút cẩn thận, những khu vườn cảnh được thiết kế vừa thẩm mỹ vừa lãng mạn với sắc màu phong phú. Chúng tôi cũng trải nghiệm được những lối kiến trúc độc đáo của những căn nhà khu vực này, những ngôi chùa cổ, nhà thờ độc đáo, những quán cà phê “có một không hai” ở Sài Gòn. Do bản tính thích khám phá, chúng tôi cũng len lỏi vào những con hẻm ngoằn nghoèo như bàn cờ trên cung đường này và tìm được nhiều lối thoát ngoạn mục ra các đường chính.
Trên cung đường này, thời điểm giãn cách xã hội, đâu chỉ có vợ chồng tôi mà còn nhiều người khác, già trẻ nam phụ lão ấu… Bất chợt, tôi nhớ ca khúc một thời “Xe đạp ơi” qua giọng ca Phương Thảo – Ngọc Lễ: “Nhớ khi xưa anh chở em; trên chiếc xe đạp cũ; dưới trăng khuya cùng trao chiếc hôn đầu. Nhớ khi xưa bao mộng mơ, trên chiếc xe đạp cũ; ước mong sao tình yêu mãi không rời… Quay đều quay đều quay đều”.
Nhờ những vòng quay của xe đạp mà những kỷ niệm thời yêu nhau vất vả của vợ chồng tôi cũng hiện về đầy ắp trong ký ức để chúng tôi cùng hồi tưởng và cố gắng gìn giữ hạnh phúc hiện tại trong vòng xoáy cuộc đời!
CAO NGỌC DIỄM PHƯỚC (Quận 1, TP. HCM)
BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM” TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020 Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”. Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC. Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules |
- Hội nghị khoa học Quốc tế Thẩm mỹ Nội khoa lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam
- M·A·C Cosmetics tôn vinh nét đẹp Á Đông với BST son bullet Wander. Lust.
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Đợi chờ là hạnh phúc”
- Biến tấu 3 món ăn thân quen thành món ngon cực phẩm
- Điểm danh những ngôi sao hành động U80 đình đám của Hollywood