Nhà tôi ở khu phố này đã hơn nửa thế kỷ, từ lúc bố mẹ tôi vừa lấy nhau. Hai ông bà cùng dân Bắc di cư vào Nam nên có vẻ hơi lạc lõng ở một khu vực toàn người Nam mà hầu hết lại là bà con của nhau.
Thuở bé tôi hay nghe mẹ tôi nói: sống ở đây chỉ cần mích lòng một người trong xóm là bị mọi người tẩy chay ngay. Chính vì thế bố mẹ tôi rất giữ ý, cẩn trọng trong từng cách ăn nết ở. Được cái bố mẹ tôi bản tính hiền lành, cả đời chẳng gây gỗ với ai, lại là người của ngành giáo dục nên được cả xóm trọng vọng gọi là “ông giáo”. Thêm nữa, các con của “ông giáo” cũng đều học hành giỏi giang, luôn đứng đầu lớp nên mấy đứa trẻ trong xóm đều dè chừng, không dám ăn hiếp.

Cứ thế, chúng tôi tiếp tục lớn lên trong mái nhà của bố mẹ mình, bình yên và hạnh phúc, chẳng bị ai “đè đầu cưỡi cổ”. Rồi khi trưởng thành, những chú chim đủ lông đủ cánh đã vụt bay đến những chân trời mới, để lại những kỷ niệm tuổi thơ còn vương vấn trong căn nhà cũ của bố mẹ. Giờ thì bố mẹ tôi đã quy tiên, những người già trong xóm cũng lần lượt ra đi. Xem như thế hệ F1 ở đây không còn.
Thế hệ F2 lớn lên, chúng tôi gần như biết nhau từ thuở còn “ở truồng tắm mưa”. Chúng tôi sinh hoạt đội với nhau từ bé, cứ sáng sớm gõ cửa hết nhà đứa nọ đến đứa kia kêu nhau đi tập thể dục buổi sáng. Tối đến lại kéo nhau đi sinh hoạt chi đội, lại hát vang “vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn. Đi sao cho đều cho khéo, để vòng tròn đừng méo đừng vuông…”. Rồi những buổi tập văn nghệ, làm báo tường, tập đánh trống đội, tập nghi thức, làm kế hoạch nhỏ, đốt lửa trại… đã đưa chúng tôi gần gũi với nhau.

Nhưng sau mấy mươi năm, thế hệ F2 cũng đã lớn, ai nấy yên bề gia thất, dù người sang kẻ hèn. Xóm tôi vẫn thế, kẻ ở người đi. Tôi may mắn, dù đã lập gia đình nhưng vẫn ở chung với bố mẹ dưới mái nhà xưa trong khu xóm cũ.
Bình thường mọi người trong xóm tuy biết nhau hết nhưng ai cũng tất bật công việc nên đến một câu chào nhau đôi khi cũng khá kiệm lời. Trong cuộc sống thường nhật, đôi khi nhà này cũng mích lòng nhà kia, thậm chí giận hờn “bằng mặt không bằng lòng” vào những lúc phát hiện “ai đó” để chó “tặng” một bãi phân trước cửa nhà mình hay một sáng đẹp trời thấy trước hẻm đầy rác rưởi, cả xác chuột chết…

Nói về gia đình tôi, vợ chồng tôi đều là công chức nên ít có thời gian bù khú với hàng xóm. 2 đứa nhỏ cũng đi học suốt ngày nên chẳng qua lại với mấy đứa trẻ cùng trang lứa. Nhìn chung, gia đình tôi không thuộc danh sách các bà tám, sống chừng mực, không quá thân thiện cũng chẳng đỏng đảnh.
Từ hồi giãn cách xã hội, ngày ngày phải ở trong nhà, tôi phát hiện ra nhiều chuyện thú vị về những người hàng xóm xung quanh. Cô Ba nhà bên cạnh ưa mở nhạc sến, loại tình cảm ủy mị nhưng tính tình thẳng thắn, tốt bụng. Sáng nào cô cũng dậy sớm quét hẻm thật sạch. Chị Năm hột vịt lộn tính ưa càm ràm nhưng dễ thương, nhà ai có chuyện gì cần là chị có mặt ngay. Thím Tám bán hủ tíu thì chuyện trên trời dưới biển gì cũng thông biết. Anh Tuấn chạy xe công nghệ thuộc loại người hào hiệp, chuyện gì của xóm cũng tình nguyện sửa sang, vừa bỏ công, vừa bỏ của.
Lúc trước giãn cách, tôi không thích “dây” với hàng xóm vì sợ phiền phức. Nhưng bây giờ rảnh rỗi, đứng trước ban công nhà hóng gió là đụng mặt nhau, không cười, không chào hỏi nom cũng kỳ.

Hôm rồi con tôi than phiền nhà cô Ba mở nhạc kỳ quá con tôi “nghe không lọt lỗ tai”. Sáng nay tôi đứng trước ban công thấy cô Ba tưới cây, tôi rón rén hỏi nhỏ: cô Ba ơi, chắc nhà cô Ba nhiều dĩa nhạc hay lắm hả? Loa nhà cô Ba cũng xịn dữ, mở cả xóm cùng nghe!. Cô thiệt thà khai báo: mấy đứa nhỏ mua đủ thứ, đâu chừng ba vali dĩa. Bay thích nghe gì cô Ba lựa nhạc bay ưng cô Ba mở cho nghe. Con tôi nghe vậy bèn đề xuất một lô nhạc trẻ của nó. Ai dè cô Ba mở thiệt!
Một sáng nọ, ở ban công nhà đối diện, cậu Thanh ôm cây đàn guitar réo rắt bản nhạc tình. Tôi lại nói vọng sang: Thanh ơi, chị thích bài “Triệu đóa hoa hồng”. “Vậy hả chị, em cũng thế”. Thế là “một chuyện tình yêu anh họa sĩ” ngân lên.

Rồi nhà này nói chuyện với nhà kia qua khung cửa sổ, ngoài ban công. Mọi người chia sẻ với nhau kinh nghiệm trồng cây trên sân thượng, những thông tin lượm lặt đó đây, những bài tập thể dục ở nhà trong mùa dịch; thậm chí cách chế biến món ăn, cách quản lý con cái sao cho khỏi nhàm chán trong lúc chúng phải ở nhà dài ngày.
Nhà này nhà nọ lại đem đồ ăn nhà mình nấu sang biếu nhau như hồi thế hệ F1 vẫn làm. Xóm tôi lại gần gũi, yêu thương nhau hơn trong những ngày giãn cách xã hội – một thứ xa xỉ trong thời buổi công nghệ lên ngôi này!
Huỳnh Ngọc Bảo Trân (Thủ Đức, TP. HCM)
BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM” TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020 Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”. Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC. Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules |