Ông ngoại tôi là thầy giáo dạy Văn nên ông rất giỏi tiếng Hán-Nôm. Thuở nhỏ, tôi gần gũi với ông ngoại nhiều hơn cha mẹ nên dường như tôi chịu ảnh hưởng của ông, từ cách ăn, nết ở. Ông cũng yêu tôi hơn những đứa cháu khác, có lẽ do ông muốn bù đắp sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của các đấng sinh thành ra tôi.
Ngoài giờ đến trường, hầu như tôi quanh quẩn trong nhà cùng ông để được nghe ông kể chuyện đời xưa, dạy tôi ca dao tục ngữ, những điển tích văn học, trong cũng như ngoài nước. Ông là người đã tưới tắm vào tâm hồn tôi một vườn thơ văn bất tận, giúp tôi nên người hữu ích, dù tôi có vẻ “khác thường” hơn bạn bè cùng trang lứa.
Hồi bé, dưới mắt tôi, ông ngoại như một ông tiên; không phải vì mái tóc bạc như cước mà vì ông hiền lành, tốt bụng, thương người. Bất cứ những điều tôi cần, tôi chỉ “ông ngoại ơi, con muốn…” là y như ông sẽ gắng hết sức để đáp ứng cho tôi. Nhưng dĩ nhiên đó là những điều tốt đẹp cho tôi, hữu ích cho xã hội, không ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Tôi còn nhớ “ông tiên” viết chữ rất đẹp, đặc biệt là thư pháp. Những lúc rảnh rỗi, ông hay bày “văn phòng tứ bảo” của ông ra và tận tình giảng giải cho tôi công dụng từng bảo bối ấy. Đó là bốn vật dụng tiêu biểu, cơ bản nhất của các nho sĩ: bút lông, nghiên, mực tàu và giấy.

Ông thường nói bút lông là bảo vật đứng đầu, gần như quyết định sự thành bại của bức thư pháp. Tôi thật sự thú vị với những cây bút cán gỗ và tự hỏi không biết từ khi nào mà người xưa đã tạo ra được cây bút uyển chuyển đến vậy. Bút lông được làm từ lông dê, lông thỏ, lông chuột và các sợi nhân tạo nhưng mỗi “ông đồ” lại có những tiêu chí riêng để chọn cho mình một cây bút vừa ý. Nhưng tiêu chuẩn chung vẫn là “tiêm, tề, viên, kiện”, tức là cây bút đó có lông mượt, độ đàn hồi tốt, bụng bút giữ được mực khi viết, không bị rụng lông, có đủ kích thước tiểu trung đại để đa dạng trong cách lựa chọn.
Vật thứ hai trong tứ bảo là “nghiên” dùng để mài mực tàu. Ông tôi kể các cụ ngày xưa thường hay chạm khắc hình long phụng trên nghiên vì tin rằng nghiên là nơi hội tụ linh khí của trời đất, là nơi trấn giữ gia lễ của gia đình dù ngày nay, chúng ta vẫn có thể sử dụng các vật dụng hằng ngày như chén bát để làm nghiên mài mực!
Tôi cũng thường nghe ông nói “Vàng dễ kiếm mà mực khó tìm” vì mực tốt mới viết ra chữ đẹp. Tiêu chuẩn chọn một lọ mực vừa ý là mực đen sậm và keo sệt, có mùi hương dễ chịu, không bị hôi, độ sánh cao, không loãng, không nhòe khi viết chữ, giữ được chữ trên giấy lâu. Dù mực nước tiện dụng, khi cần có thể đổ ra dùng ngay không cần phải mài, nhưng ông lại chọn mực thỏi truyền thống và mài mực khi sử dụng. Ông giải thích: Để mài mực, chỉ cần cho một ít nước sạch vào nghiên mực, dựng thỏi mực đứng theo chiều kim đồng hồ, mài nhẹ nhàng thư thái. Ông thích mài mực vì đó là lúc tâm hồn được tĩnh lặng, cơ tay được rèn luyện, thần trí minh mẫn để chuẩn bị tốt khi viết thư pháp.
Cuối cùng là giấy viết thư pháp, cũng có nhiều loại, nhưng hai loại hay được dùng là giấy dó và giấy gòn. Giấy dó làm từ cây dó, thường được dùng để vẽ tranh Đông hồ vì độ bền cao, ít bị mối mọt, ẩm nát, bảo quản được lâu. Giấy gòn là loại giấy rẻ, chỉ thích hợp cho những người mới bắt đầu luyện thư pháp.
…Những lúc ông viết thư pháp, tôi ngồi bên cạnh ông mà lòng đầy ao ước đến một ngày mình cũng “múa bút” được như ông. Ông cũng thế, ông muốn dạy tôi viết thư pháp vì đó là môn nghệ thuật thú vị và đặc sắc cần được lưu giữ. Trong mỗi tác phẩm đều chất chứa cái hồn của dân tộc, mộc mạc nhưng trữ tình, giàu cảm xúc, tinh tế và sâu sắc. Ông hay nói “Nếu nhà văn là người dùng con chữ để tô vẽ đời sống thì nhà thư pháp là người dùng nghệ thuật để tô vẽ nên con chữ”. Nhìn vào bức thư họa, người ta có thể đoán biết tính nết, phong cách và thiền định của tác giả nên ông muốn thông qua thư pháp để gởi gắm tâm sự mà ông không thể nói bằng lời.
Bẵng theo thời gian, giấc mơ thư pháp vẫn còn vương vấn mãi trong tôi. Nhưng rồi những kế hoạch học thêm, những kỳ thi tốt nghiệp, cuối học kỳ… đã chiếm hết thời gian của tôi.
Những ngày chuẩn bị đi du học, tôi tranh thủ theo học một lớp thư pháp căn bản. Tôi muốn đem hồn Việt đến đất nước xa xôi mà tôi du học và ao ước trong “những ngày Việt Nam” tổ chức ở nước ngoài, tôi có cơ hội viết những câu thư pháp hay để tặng các bạn Việt kiều xa quê cũng như người nước ngoài nhằm giúp họ hiểu về văn hóa Việt Nam. Vì thế trong hành lý xa quê của tôi luôn có “văn phòng tứ bảo” giống như của ông ngoại tôi. Thế nhưng, cuộc sống du học sinh của tôi cũng chẳng lấy đâu ra thời gian rảnh rỗi để mà múa bút!
Những ngày tháng này, toàn nhân loại phải cách ly vì con virus xuyên biên giới. Melbourne cũng thế. Chúng tôi không đến giảng đường nữa mà chủ yếu là học online. Tôi cũng chẳng thể đến thư viện để học như thường lệ. Ngoài giờ làm thêm ở nhà dưỡng lão, tôi tranh thủ thời gian này để luyện lại thư pháp. Cứ mỗi lần mở “văn phòng tứ bảo”, tôi lại nhớ đến ông ngoại dù giờ đây ông đã ở một nơi xa lắm rồi và tôi chỉ có thể gặp ông trong những giấc mơ!
Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh ông đồ già trong bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của Vũ Đình Liên mà ông tôi vẫn thường đọc cho tôi nghe lúc ông mài mực “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua. Bao nhiêu người thuê viết. Tấm tắc ngợi khen tài. Hoa tay thảo những nét. Như phượng múa rồng bay”. Nhưng rồi “Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu”… Cầm lại cây bút lông, tay tôi hơi run, những con chữ còn cứng ngắc, nhưng tôi sẽ cố gắng để múa bút được như ông, để giữ hồn dân tộc Việt dù có sống ở đâu trên thế giới!
HUỲNH XUÂN BẢO LONG (Melbourne, Australia)
BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM” TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020 Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”. Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC. Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules |
- Running Man Vietnam: Chơi Là Chạy dời lịch phát sóng đến tháng 9
- AMS vận hành tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí The Arena
- Những điểm đến “Hot” nhất bạn nên đến đón chào Năm Mới 2020
- Top truyện Halloween đặc sắc và kỳ ảo, bạn không thể bỏ qua
- Trào lưu tóc nhuộm French Balayage đẹp như tranh vẽ được nhiều người nổi tiếng mê đắm