Trưa 31-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức kêu gọi “cách ly toàn xã hội” từ 0 giờ ngày 1-4 nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Trưa 1-4, Thủ tướng tiếp tục công bố dịch trên toàn quốc. Cả xã hội rúng động, thay đổi mọi thói quen sinh hoạt, từ lê la quán xá nay lặng lẽ đóng cửa vào nhà. Một Sài Gòn như được làm mới hoàn toàn.

Yên tĩnh, trầm mặc, vắng tanh nhưng sạch sẽ, ít khói bụi ô nhiễm; khác hẳn một Sài Gòn cách đó không lâu vừa chen lấn đông đúc, vừa quá tải mọi thứ trong chiếc áo quá chật!
Ngày 1-4 hàng năm thường được người ta liên tưởng đến ngày nói dối, dù chỉ là vui đùa nhưng mọi thông tin đều được mọi người hỏi đi hỏi lại: thiệt không vậy? Ngày 1-4 hàng năm cũng là ngày những người yêu nhạc Trịnh tụ họp trong nhiều sinh hoạt để nhớ về ông – một nhân tài đất Việt đã để lại nhiều nhạc phẩm vượt thời gian. Nhưng ngày 1-4 năm nay lại khác hẳn so với mọi năm. Không ai còn dám đùa cợt với những thông tin đau lòng từ dịch Covid-19 trên nỗi ám ảnh toàn cầu. Không một hoạt động rầm rộ nào ngoài xã hội để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hôm nay là ngày đầu tiên người dân Việt Nam và phố xá Sài Gòn thực hiện “cách ly toàn xã hội”.

Tâm lý bầy đàn
Buổi sáng 1-4, phố phường lặng như tờ. Trừ những công nhân viên ít ỏi còn được đến cơ quan, công sở làm việc trực tiếp, những nhân viên ngân hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc… thong thả di chuyển trên đường, gần như suốt sáng đường phố vắng tanh. Tại các chợ truyền thống, giờ họp chợ cũng trễ hơn trước, phải từ sau 7 giờ mới có người lui tới. Khác với trưa hôm trước, người người tranh thủ ra chợ gom hàng với nào gạo, rau củ, đồ khô… đã khiến một số tiểu thương lợi dụng “đục nước béo cò”, nâng giá hàng lên nhằm trục lợi. Rau củ được nâng giá lên từ 30-50% giá buổi sáng; gạo đường đồ khô cũng lên giá vài ngàn đồng/ món. Trong các siêu thị, hình ảnh người dân đổ xô tranh mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu là có thật đến nỗi các siêu thị đã tăng cường nhân viên bán hàng lên gấp đôi, gấp ba ngày thường mà vẫn không phục vụ nổi. Cố chen chân trong dòng người đông đúc ở siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh, tôi hỏi một khách hàng vừa thanh toán hóa đơn trên 3 triệu với chiếc xe đầy hàng ngồn ngột: Nhà cô có mấy người mà mua nhiều dữ vậy? Chẳng ngại ngùng, người phụ nữ này thật thà “khai báo”: nhà có ai đâu, 3 mẹ con thôi. Nhưng thấy cả xóm kéo nhau đi mua đồ để trữ thì mình cũng đi mua cho có. Nhà tui đã mua từ bữa đến giờ cả trăm ký gạo, 30 thùng mì, đầy đủ mắm muối, đồ khô. Nhưng cứ sợ cách ly như Vũ Hán nên nay ra mua thêm chút đỉnh cho yên tâm.

Cứ như thế, tâm lý bầy đàn đã làm cho mọi người rối rít mua sắm, dù trong nhà đã chuẩn bị đủ đầy! Mãi cho đến tối, khi thông tin từ UBNDTPHCM gởi đến từng số thuê bao khẳng định: thành phố đủ sức cung cấp thực phẩm cho người dân ăn trong 6 tháng thì “cơn sốt” mua sắm dự trữ mới hạ nhiệt dần. Tuy vậy, trong ngày 1-4, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Sài Gòn vẫn náo nhiệt người mua kẻ bán.
Thay đổi thói quen mua sắm
Nếu như trước đây đa số người dân Sài Gòn chuộng hình thức mua sắm trực tiếp để được sờ nắn, chọn lựa thật kỹ trước khi quyết định mua hàng thì gần đây mua sắm trực tuyến đã thật sự lên ngôi và hoàn toàn làm chủ cuộc chơi của thị trường bán lẻ. Bà Đoàn Thị Mỹ Linh, quản lý siêu thị TAX (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA) cho hay: từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh số bán trực tuyến của siêu thị tăng 60% so với trước đây. Những ngày gần đây khách hàng ngại ra đường, đến những nơi đông đúc nên chủ động đặt hàng qua mạng rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu giao nhận trong ngày cho khách, chúng tôi phải tăng cường nhân viên giao hàng, kết hợp với xe công nghệ giao tận nhà cho khách. Riêng ngày hôm nay, đơn đặt hàng tăng gấp ba lần ngày thường; chủ yếu vẫn là các mặt hàng thực phẩm, chất tẩy rửa, nước rửa tay kháng khuẩn…

Không chỉ phố phường vắng lặng mà những con đường ăn uống nhộn nhịp một thời như dọc hai bên bờ kè, đường Trường Sa, Hoàng Sa với những dãy cà phê, quán nhậu không bao giờ vắng khách; đường Phan Xích Long, Lê Quang Định, Nơ Trang Long… đầy rẫy quán ăn các loại hôm nay bỗng yên tĩnh lạ thường. Chấp hành đúng chủ trương của nhà nước trong việc hạn chế tụ họp, đa số quán xá khu vực này đã đóng cửa từ nhiều tuần trước; trừ một vài quán vẫn cố gắng hoạt động cầm chừng với lèo tèo khách vãng lai. Thế nhưng hôm nay gần như chẳng khách nào còn đủ tâm trạng để lê la quán xá mà chủ yếu chỉ các bác tài xe công nghệ đến lấy hàng mang đi. Anh Nguyễn Văn Thi, một bác tài hãng Be cho biết từ sáng đến giờ anh nhận hơn 50 đơn đặt mua hàng thực phẩm từ khách, nhiều gấp 3-4 lần ngày thường.


Ngày đầu tiên thực hiện “cách ly toàn xã hội” là ngày Sài Gòn trở nên lạ lẫm trong mắt người dân: không nhậu nhẹt, la cà quán xá mà người người đi bộ nhiều hơn, đạp xe nhiều hơn, tập thể dục nhiều hơn. Tất cả đang cố gắng rèn luyện thể lực để ai ai cũng đủ sức đề kháng chống dịch! Ngày đầu tiên cách ly toàn xã hội cũng là ngày người bán vé số phải tạm ngừng hoạt động trong nửa tháng. Đâu đó trên đường, người Sài Gòn đang gom góp chút nghĩa tình để tặng cơm, tặng tiền nhằm tiếp tế cho những người tận đáy xã hội vì chống dịch mà mất chiếc cần câu cơm!



Một Sài Gòn ngày đầu cách ly dù tĩnh lặng nhưng thật dễ thương, đáng yêu đến thế!
XUÂN HÒA (Q. 1, TP. HCM)
BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM” TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020 Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”. Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC. Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules |