Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Đẹp đẽ tình người trong cơn hoạn nạn

Hàng ngày chúng ta luôn tất bật chạy đua với thời gian để có thể hoàn tất cả núi công việc khiến chúng ta không kịp dừng lại để nhìn ngắm và suy nghĩ về những gì đang xảy ra chung quanh ta. Công việc được lặp đi lặp lại mãi rồi như một thói quen bất di bất dịch, như đã được lập trình, cứ thế mà chúng ta sống, chúng ta làm việc như một thói quen đương nhiên phải vậy. Trong cuộc sống đó, hình như ít khi nào chúng ta dừng lại một chút để suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống mà chúng ta đang tồn tại.

dẹp-de-tinh-nguoi
Ảnh: Cảnh Nguyễn

Thế rồi có ai ngờ rằng virus Covid-19 xuất hiện như một cơn lốc đã làm cho cả thế giới phải đảo lộn tất cả trong chớp mắt. Không ít người mới hôm qua còn là chủ của một núi gia sản bỗng chốc bị phá sản, người thì lúng túng với bao khó khăn ập đến quá bất ngờ, bao nhiêu người ngẩn ngơ vì bị mất việc làm.

Cả hành tinh này như ngừng lặng. Giao thông bị đình trệ. Kinh tế cả thế giới như tan hoang sau một trận bão lớn. Cả thế giới loài người như ngưng thở theo dõi một cách bất lực về con số thương vong do Covid-19 cuốn theo. Mọi hoạt động cho sự sống hàng ngày đều bị đình trệ. Hình như không còn ai nghĩ đến chuyện bươn chải cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Không còn nghĩ đến chen lấn ganh đua.

Sự giàu có-tiền bạc, địa vị và sự cách biệt giàu-nghèo bây giờ không còn ý nghĩa nữa. Tất cả mọi người đều cùng hướng về một mục đích duy nhất là làm sao để bảo toàn mạng sống. Đây là khoảng thời gian mọi người sống chậm lại theo đúng nghĩa của câu nói này. Trong cơn hoạn nạn mọi người mới có dịp nhìn rõ nhau hơn để cùng chia sớt giúp đỡ cho nhau. Nhờ đó giúp chúng ta nhận ra bao nhiêu điều đẹp đẽ quanh ta mà hàng ngày đôi khi vì vội vã với cuộc sống thường ngày chúng ta không đủ thời gian để nhận ra.

Thật cảm động biết bao khi trong cơn hoảng loạn vì đại dịch thì các bác sĩ và nhân viên y tế vẫn phải đương đầu giành giật lại sự sống của biết bao nhiêu bệnh nhân, bất chấp sự hiểm nguy đến tính mạng có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào. Và rồi đã có những người đã vội vã ra đi không kịp từ biệt gia đình.

v
Ảnh: Cảnh Nguyễn

Chúng ta gọi đó là những hành động cao cả như những chiến binh trong thời chiến bất chấp mạng sống của mình để cứu nguy cho người khác. Phải có cận kề giữa ranh giới của sự sống và cái chết người ta mới hiểu rằng tiền bạc không thể mua được mạng sống con người.

Vẫn trong cơn hoảng loạn đó, vẫn chưa biết ngày mai mình sẽ ra sao, người người lại bảo bọc cho nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nghĩa cử cao đẹp đó không chỉ đến từ những người dư dả cơm ăn áo mặc mà còn đến từ những người chiếc áo mặc không đủ lành, từ những người chưa từng quen biết nhau.

Chỉ có trong cơn bĩ cực chúng ta mới nhận ra được điều quý nhất còn lại là tình người dành cho nhau, mới thấy được những điều rất nhỏ nhưng làm lay động trái tim của từng con người.

Trong những ngày đó chúng ta thấy được những chiếc bàn, những cái thùng đựng thực phẩm với dòng chữ “Nếu bạn cần hãy lấy một phần. Nếu bạn đủ xin nhường cho người khác”. Đó là cái tình của những người không quen biết chia sớt miếng cơm cho nhau.

Có ai biết được ở một góc trong khu xóm nghèo có những người bán vé số, lao động giản đơn cũng phải ngồi nhà. Họ đã xài đến những đồng bạc cuối cùng, những miếng bánh mì cuối cùng. Tất cả đều không còn gạo nấu. Họ đùm bọc lẫn nhau, nhưng rồi cũng đến lúc tất cả họ không còn gì để san sớt cho nhau.

Trong số họ có một cô bé trước kia hàng ngày đi rửa chén cho một quán cóc lề đường thấy mấy con chó bị bỏ rơi cô nhặt về nuôi với thức ăn là những đồ ăn còn thừa lại của khách. Nhưng trong cơn đại dịch này cô nghỉ ở nhà, đến người còn không có gì ăn thì nói chi đến con vật. Có người khuyên cô nên đem mấy con chó cho nhà nào dư dả có cơm nuôi nhưng cô không đành lòng. Thương người, thương vật trong cơn bần hàn nên mấy người hàng xóm lại bớt chút cơm góp lại nuôi chó. Hôm chúng tôi đến thăm và góp một chút tấm lòng với họ; chỉ với phần quà không đáng giá, nhưng thấy những giọt nước long lanh trong đôi mắt của họ mà không kềm được nước mắt.

Và rồi một hình ảnh khác làm cho những ai được chứng kiến sẽ thấy lòng mình xúc động. Đó là hình ảnh một người đạp chiếc xe đạp chạy rong trên những con phố vắng rao bán bánh mì, nhưng không có ai mua trong thời gian giãn cách. Đến bên ngã tư lúc đèn đỏ, anh gặp một người ăn xin có lẽ đã từng quen mặt nhau. Hai người hỏi thăm nhau. Rất bất ngờ, anh bán bánh mì hỏi người hành khất “anh ăn không thì lấy hai ổ?” Người kia trả lời: “Cám ơn nghen. Hồi nãy được người ta cho cơm ăn rồi. Thôi để bán đi!”.

dẹp-de-tinh-nguoi
Ảnh: Cảnh Nguyễn

Bên ngoài biên giới cuộc chiến đấu trên lằn ranh sống-chết vẫn đang tiếp diễn ở một số quốc gia. Chúng ta may mắn đã được thoát ra khỏi thời gian giãn cách. Mọi hoạt động thường ngày đã được khôi phục từng bước một cách thận trọng.

Đâu đó trong trận đại dịch này vẫn còn nhiều điều chưa được đẹp xảy ra. Thế nhưng, những gì của tình người dành cho nhau khiến cho chúng ta càng hiểu rõ hơn về cái đẹp trong cuộc sống, về ý nghĩa của cuộc sống này. Đối với tôi, tôi càng thấy rõ thêm rằng những danh lợi, những hơn-thua, những được-mất không còn ranh giới nữa. Cái đẹp trong cuộc sống là khi chúng ta nhìn thấy được cái đẹp thì khi đó chúng ta sẽ chế ngự được cái thấp hèn. Và tôi thấy rằng sự tồn tại của mình, cái tình người đối với nhau trong cơn hoạn nạn là những điều đẹp nhất, có ý nghĩa nhất.

LÊ XUÂN HƯƠNG


BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM”  TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020

Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”.

Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC.

Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx