Những ngày nghỉ vì dịch bệnh cũng là những ngày tôi lắng nghe, quan sát và bàng hoàng nhiều nhất về số lượng người đã tử vong vì đại dịch Covid-19.
Sống ở Việt Nam, may mắn với đội ngũ y bác sĩ tận tình và phản ứng kịp thời của Chính phủ nên chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Thế nhưng với quá nhiều người đã ra đi trong cơn khủng hoảng, có những người chết khi chưa kịp nhìn người thân, có người chết trong cô đơn, có người ra đi ẩn khuất đâu đó đã khiến tôi phải đau đáu nghĩ về sự sống và cái chết. Cái chết liệu có màu gì?
Thỉnh thoảng, chúng ta hay gặp những tựa sách như “Những việc bạn muốn làm trước khi chết?”, hay “30 điểm đến nhất định phải tới trước khi chết”,… với nội dung hãy trải nghiệm, khám phá và sống một cuộc đời không hối tiếc.
Nhưng thực tế, con người sẽ hối tiếc điều gì nếu phải chết?
Bản chất con người là ham sống sợ chết, nhưng ẩn sâu trong đó, con người sợ mình biến mất trong mắt của người khác hơn là sợ cơ thể này tan ra và quyện vào cát bụi. Bởi vậy nên họ lao động quần quật, không dám ngơi nghỉ để chứng tỏ bản thân, tìm kiếm địa vị trong xã hội. Bởi vậy mà họ không dám là chính mình chỉ vì sợ người đời chỉ trỏ. Bởi vậy mà họ chỉ đang sống cho người khác nhưng lại loay hoay với chính cuộc đời mình. Con người, sợ nhất vẫn là không được công nhận sự tồn tại, không được lưu giữ trong ký ức của một ai đó. Thế nên mới có câu nói, sống trong ký ức của người khác là sự sống vĩnh hằng nhất.
Dù sợ hãi cái chết hay sợ hãi sự biến mất trong ký ức của bất cứ ai thì việc cái chết luôn tồn tại song song với sự sống là điều không tránh khỏi. Khi cái chết ập đến quá nhanh như đại dịch đang diễn ra, nó khiến chúng ta phải sống trọn vẹn hơn nữa. Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều đã làm được điều mình muốn làm, ăn món mình thích, gặp người mình thương, làm việc khiến mình hạnh phúc. Có như vậy khi ai đó hỏi bạn có còn gì hối tiếc trước khi chết không, ta có thể dõng dạc trả lời: “Tôi đã sống một đời hạnh phúc”.
Cái chết có màu gì?
Phải chăng cái chết lúc ấy sẽ màu hồng?
Có một bài thơ tôi rất thích nói về cái chết, được dịch từ phiên bản Tiếng Anh trong một group trên Facebook, chia sẻ để các bạn cùng đọc.
Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi đã yêu
Không phải chàng trai dưới phố
Chẳng phải học trưởng cấp hai
Không phải anh chàng chạy bộ
Hay người xếp bơ mỗi ngày
Tôi yêu người mẹ vĩ đại
Yêu cách bà ngồi phòng tôi
Tay nắm chặt vài viên đá
Đến khi đá đổ mồ hôi
Tôi yêu người cha cần mẫn
Lúc ông ngồi ở ven sông
Thả trôi từng tờ giấy nhớ
Trong chai xuôi mãi theo dòng
Tôi yêu cậu em bé nhỏ
Cậu bé tin vào kỳ lân
Giờ đang ngồi ở lớp học
Vẫn tin chị còn trên trần
Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi trở lại sân nhà hàng xóm
Nhớ ngày tôi hai tuổi
Từng in dấu chân lên
Muốn nhìn xem một chút,
Dấu vẫn còn, hay quên?
Tôi bứt vài cọng cỏ
Hái vài bông hoa hiên
Nhìn người phụ nữ ấy
Đọc báo ở bên thềm
Qua khung cửa sổ nhỏ
Chồng bà lấy thuốc sang
Còn bà vẫn đang đọc
Tin tôi chết, muộn màng…
Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi ngắm mặt trời lên
Từng mảng màu cam rực rỡ
Nở bừng như những bàn tay
Cậu bé vội vàng chỉ mẹ
Một đám mây đỏ đang bay
Buổi sáng sau ngày tôi tự sát, tôi quay về với thi thể trong nhà xác
Tôi nói chuyện với cô gái đó
Về trái bơ, tảng đá bên đường
Về dòng sông, và về cha mẹ
Về hoàng hôn, chó và đại dương
Buổi sáng sau ngày tôi tự sát,
Tôi đã cố trở lại thật lâu
Nhưng hóa ra, mãi là không thể
Cứu vãn được điều tôi bắt đầu…
BUỔI SÁNG SAU NGÀY TÔI TỰ SÁT – MEGGIE ROYER
Người dịch: LILY KS
HỒNG ANH (TP. HCM)
BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM” TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020 Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”. Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC. Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules |