Mẹ tôi, người có thể biến cái vành nón và một mớ giấy bóng xanh đỏ thành cái vòng đồng diễn mà tôi tự hào vì thầy hiệu trưởng lấy lên làm mẫu cho cả trường cấp 1 của tôi; người có thể nấu mọi món ăn và tự tay cắt tóc Cẩm Vân cho chị em tôi suốt thời thơ bé; người hay nói nhiều và nói dai vì cái đứa lỳ lợm như tôi đã khiến người buồn lòng không chỉ một lần; người ấy, tôi thương lắm!…
Tôi thích nghe nhạc đương đại âm hưởng dân ca, một số bài tủ như Mái đình làng biển, Về ăn cơm, Con cò,…tôi cũng thích nghe Xẩm Thập Ân… đó là những bài hát vào những phút giây đặc biệt chậm lại, tự dưng lại gợi nhớ về gia đình da diết!…
Nội tôi
“Thi gan cùng tuế nguyệt… Bao lâu bao lâu rồi… Mái đình xưa làng Việt… Thanh thanh một góc trời…”. Những ca từ ấy lại gợi nhớ nội tôi ghê gớm. Có vẻ không liên quan nhỉ? nhưng vâng, là vậy đấy, ngôi làng nhỏ bên con sông Đào thơ mộng uốn quanh, có ông nội dắt tôi đi qua thời thơ ấu. Tôi tưởng như vẫn đang đứng ngắm mái đền Đồng cong cong có hai cây gạo già và bóng nội râu tóc bạc phơ, lông mày dài quắc thước, uy nghiêm.
Hồi nhỏ chả sợ ai, chỉ sợ nội, tôi sợ cây roi dâu đuổi bò đầu chái mỗi buổi trốn ngủ trưa ra leo cây ổi, sợ tiếng ngáy đều đều chợt im mỗi buổi len lén xem tivi… giờ giới nghiêm của ông nội. Thế nhưng, người chúng tôi vòi vĩnh xin tiền ăn kem là nội, người đều đều mỗi tháng tiếp tế học phí cho những đứa cháu xa nhà là nội, người rất hay hỏi tôi thích ăn gì mỗi lần trốn phố thị về quê cũng là nội…

Mẹ tôi
Mỗi lần nghe Xẩm Thập Ân, lần nào cũng thấy nhớ Mẹ. Tôi nhớ hồi làm bài Xây dựng kịch bản lễ hội hiện đại, lúc giảng viên hỏi em muốn thể hiện điều gì trong kịch bản “Cho con cuộc đời từ đôi bàn tay”, tôi nói rất đơn giản: điều em muốn mang đến cho người xem chính là cảm xúc, để khi chương trình kết thúc, người mà mỗi người nhớ ngay đến là mẹ, là bà của mình… Thế nên, trong kịch bản ấy, tôi có đưa vào bài Xẩm Thập Ân. Có lẽ bài hát xẩm hơi lạ với nhiều bạn tuổi tôi chỉ quen nghe nhạc trẻ, nhưng bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu lần giọng Đình Cương cất lên, lòng tôi luôn chỉ có một cảm xúc: “nghẹn ngào”.
“…Con ơi đất rộng trời cao… Sánh làm sao được công lao mẹ hiền….”

Mẹ tôi, người có thể biến cái vành nón và một mớ giấy bóng xanh đỏ thành cái vòng đồng diễn mà tôi tự hào vì thầy hiệu trưởng lấy lên làm mẫu cho cả trường cấp 1 của tôi; người có thể nấu mọi món ăn và tự tay cắt tóc Cẩm Vân cho chị em tôi suốt thời thơ bé; người hay nói nhiều và nói dai vì cái đứa lỳ lợm như tôi đã khiến người buồn lòng không chỉ một lần; người ấy, tôi thương lắm!… Để những ngày đi học đôi bàn tay người đã truyền cảm hứng cho tôi dựng thành thơ… Đôi bàn tay mẹ không còn thon mảnh búp măng như thời con gái nhiều chàng trai theo đuổi. Đôi bàn tay mẹ chai sần những năm tháng tần tảo cần lao để nuôi lớn cho bố tôi bốn nàng công chúa. Người ấy đã cho tôi cuộc đời từ đôi bàn tay!…
Bố tôi
Bố tôi, người đàn ông hiền lành truyền cho tôi ít nhiều năng khiếu thơ văn!… Bố tôi, người bạn lớn, hay mua kem cho tôi mỗi lần đạp xe chở tôi đi học trường chuyên cách nhà đến 12 cây số, người bắt tôi xin lỗi mẹ vì có lần tôi làm mẹ giận không thèm nói gì (vậy là giận lắm ý, chứ bình thường mẹ tôi nói nhiều lắm). Người bạn lớn tôi tự hào vì có thể sửa mọi loại xe, lắp đầy đủ các loại mạch điện, có thể từ hai cái quạt điện bỏ đi, lắp thành một chiếc chạy vù vù… Người mua cho tôi đôi dép màu đỏ và tuýp sữa rửa mặt đầu tiên trong đời chỉ vì người thấy những ngày con gái dậy thì mà mẹ lại vắng nhà, mặt con gái trông ghê quá!… Tôi còn nhớ mãi ấy!
“… Mười ân xong đã kể rạch ròi. công cha nghĩa mẹ con thời có hay!…”

Hải Vân (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Cánh vạc Kinh Bắc – Đêm nhạc tưởng nhớ 19 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Xuân Nghị cùng Cún cưng lạc trên đảo hoang trong Đường về nhà của Hai
- Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Kỳ nghỉ không mong đợi của đứa con bất hiếu
- Sóng Ở Đáy Sông – Triển lãm của 2 cha con họa sĩ Lục Quốc Nhượng và Lục Quốc Sỹ
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Xóm tôi ăn tết “6 không”
Đọc mà nhớ nội quá