Nhưng cũng giống như bầu trời thường tươi sáng hơn sau những cơn bão giông, có lẽ sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy mà mấy chị em tôi biết nghĩ sớm hơn, biết bảo nhau phải chăm làm và học thật giỏi để bố mẹ không có cớ gì cãi nhau nữa. Và chúng tôi trân trọng vô cùng những khoảnh khắc bình yên của gia đình mình…
Thực lòng tôi không muốn kể về những “khoảng tối” của gia đình mình. Đó là vùng kí ức buồn mà mỗi lần ai đó vô tình gợi nhắc, tôi lại thấy tim mình nghèn nghẹn. Nhưng tôi viết ra như để tự bồi đắp niềm tin yêu về sứ mệnh “giữ lửa” cho tổ ấm của mình.
Bà nội bảo bố mẹ tôi có số “xung khắc”. Còn nhỏ nên tôi chẳng hiểu xung khắc là gì, chỉ thấy bố mẹ tôi cãi nhau như cơm bữa. Từ bàn chuyện lớn như xây sân, xây cổng hay mua bò mua trâu, đến cái chuyện cỏn con như việc bố cắt tóc cho anh trai tôi quá ngắn hay đĩa rau luộc quá nhừ, bố mẹ tôi cũng có thể nổi xung lên với nhau.
Khi biết nhận thức đánh giá, chúng tôi đều công nhận rằng nếu xét riêng từng người thì bố hay mẹ đều có rất nhiều ưu điểm. Mẹ tôi là trạm trưởng Trạm y tế xã, là người hoạt bát, căn cơ. Bố tôi là một giáo viên mẫn cán, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý bởi có khiếu hài hước đặc biệt. Nhưng hình như mọi sự minh tuệ vui vẻ ấy họ đã dốc cạn nơi làm việc, về nhà chỉ còn rặt nỗi căng thẳng, tức bực. Để rồi có khi chỉ một câu nói hài hước không đúng lúc của bố hay một hành động bất thường của mẹ là một trận khẩu chiến lại nổ ra. Dù bố mẹ không giận nhau lâu, cãi nhau hôm trước hôm sau lại có cớ xoa dịu làm lành, nhưng sau mỗi cuộc khẩu chiến, bao giờ cũng có một vật dụng nào đó vỡ tan khiến mấy chị em tôi vừa sợ vừa tiếc ngẩn ngơ.
Tuổi thơ tôi là nỗi sợ hãi ám ảnh triền miên. Có buổi trưa hè đi học về, tôi háo hức sà vào mâm cơm có bát canh cua nấu mồng tơi rất ngon. Mẹ biết bụng tôi yếu, ăn canh cua sẽ bị đau bụng nên nhắc: “Hải ăn ít cua thôi…” Mẹ chưa dứt câu, bố đã gắt: “Trời đánh tránh miếng ăn, có thìa canh thôi mà cũng cấm hãm con..”. Vậy là bố mẹ lại cãi nhau. Bố lia cả mâm cơm ra sân thóc. Mẹ kéo các con chạy xuống nhà ngang, mẹ rủ rỉ dỗ dành: “Lát nữa mẹ nấu mì cho mấy đứa ăn nhé…” Rồi mẹ đội nón ra nhặt mảnh bát vỡ và lấy cào chang thóc những chỗ đẫm nước canh. Lát sau mẹ trở vào, tôi thấy nước mắt mẹ chảy lẫn vào những giọt mồ hôi đang rịn ra trên khuôn mặt ửng đỏ. Còn bố, đến chiều dọn thóc thì lụi cụi sàng sẩy gạn ra các mảnh bát còn sót lại. Bố sợ những mảnh bát ấy “ăn vào rồi cứa ruột ra”. Bố đâu biết chính sự khắc khẩu của bố mẹ đã cứa vào trái tim non nớt nhạy cảm của mấy chị em tôi những vết thương vô hình.
Một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi, vì tôi chính là nguyên nhân khiến bố mẹ cãi nhau. Buổi tối hôm ấy, cả nhà quây quần bên mâm cơm có món cá diếc kho tương mà bố mới đi đánh giậm lúc chiều. Chị em tôi hí hửng vì đây là bữa cơm hiếm hoi có món tươi. Bố gắp vào bát mẹ một con cá ngon nhất, đó cũng là một hành động hiếm hoi của bố. Mẹ ân cần gỡ miếng cá ấy cho tôi ăn. Dư vị êm đềm của bữa cơm ấy khiến mấy chị em tôi thấy lâng lâng. Nhưng đến nửa đêm, tôi tỉnh giấc, thì thào đòi mẹ lấy nước uống, mẹ càu nhàu: “Cá kho mặn chát như ướp muối thế làm gì mà chẳng khát”. Bố ở giường bên nghe được, thế là một trận chiến lại nổ ra. Cả nhà mất ngủ, cả xóm mất ngủ theo. Bố đập tan cái đài băng, vật dụng giải trí duy nhất của mấy chị em tôi thời đó. Nỗi tiếc nuối như một vết thương rỉ máu mãi trong kí ức của chúng tôi…
Có giai đoạn mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi trong cơn say, bố đã gây thương tích khá nặng cho mẹ. Sau khi bình phục, mẹ mang tôi xuống Trạm xá ở. Mẹ bảo nhất định mẹ sẽ li dị chứ không thể chịu đựng thêm được nữa. Chị cả tôi đồng tình: “Mẹ li dị bố đi, chúng con lớn rồi, cứ như thế này thì xấu hổ với bạn bè hàng xóm lắm”.
Mẹ vắng nhà đến ngày thứ ba thì anh tôi hớt hải chạy xuống cấp báo: “Nếu mẹ không về nhà thì bố sẽ thịt hết đàn gà đang nuôi. Từ hôm qua bố đã mổ hai con gà trống to nhất rồi.” Anh tôi chìa ra cặp lồng cháo gà còn ấm, đặc quánh, bên trên rắc cả hạt tiêu và rau thơm trông rất ngon. Tôi biết âu cháo thơm phức ấy là tự tay bố chuẩn bị cho anh tôi mang đi. Tôi mời mãi mẹ cũng không ăn, mẹ quay mặt đi lau nước mắt. Miếng cháo ngọt sánh nghẹn bứ trong cổ tôi. Mẹ tôi hiểu đó là “tối hậu thư” của bố để ép mẹ mang tôi về.
Lớn lên tôi hiểu sự xung khắc ấy không hẳn là sự bất đồng quan điểm mà như một sự khắc khẩu khó cưỡng. Họ từng có một tình yêu đẹp. Mãi sau này, tôi mới được đọc cuốn nhật kí mà mẹ viết cho bố khi ông ra chiến trường. Hai người đều tốt, nhưng họ là những bánh răng cưa không hề ăn khớp mà luôn ở thế đối chọi nhau. Mẹ vốn là người căn cơ tiết kiệm. Còn bố, vì đời sống giáo viên hồi đó quá ngặt nghèo nên xin nghỉ hưu sớm, tìm công việc khác nhưng không thuận lợi nên sinh ra bất mãn. Vì thế mâu thuẫn cứ triền miên không thể nào tháo gỡ.
Nhưng cũng giống như bầu trời thường tươi sáng hơn sau những cơn bão giông, có lẽ sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy mà mấy chị em tôi biết nghĩ sớm hơn, biết bảo nhau phải chăm làm và học thật giỏi để bố mẹ không có cớ gì cãi nhau nữa. Và chúng tôi trân trọng vô cùng những khoảnh khắc bình yên của gia đình mình.
Đó là những buổi trưa đi học về, thấy mẹ ngồi hì hụi sàng gạo ngoài hiên, bố thì mồ hôi nhễ nhại bưng mâm cơm từ dưới bếp lên, giọng hồ hởi: “Nghỉ tay ăn cơm nào…”; Đó là buổi sáng sớm thấy bố múc nước từ giếng khơi lên cho mẹ giặt quần áo; Đó là khi mẹ hồ hởi khoe với hàng xóm về những truyện của tôi được đăng báo: “Con út được thừa hưởng chất văn từ bố nó đấy…”; Đó là nụ cười mãn nguyện với ánh mắt rưng rưng của bố khi cầm giấy chứng nhận học sinh giỏi Quốc gia của tôi. Nhất là mỗi khi nhà có khách, nghe bố mẹ xưng “anh-em” với nhau, mấy chị em tôi vui râm ran như thể khí trời bỗng nhiên được gạn lọc trong lành sau cả thế kỉ u ám nặng nề…
Khi các anh chị tôi trưởng thành, mẹ tôi mua được một mảnh đất ra mặt đường lớn để buôn bán, những trận cãi vã của bố mẹ thưa dần. Có lúc tôi bảo mẹ: “Nếu bố mẹ ở tách riêng thế này thì chúng con đã không phải sống trong sợ hãi suốt bao năm”.
Nhưng tháng ngày yên bình ấy không được bao lâu. Bố tôi qua đời sau một cơn cảm mạo. Sự ra đi đột ngột của bố khiến mẹ tôi cứ dằn vặt mãi: “Mẹ biết bố con cũng chẳng sung sướng gì khi phải tìm đến men rượu giải khuây. Giá như mẹ hiểu được “một điều nhịn chín điều lành” thì chắc bố cũng bớt nóng, cả nhà bớt khổ…”.
Suốt mấy tháng trời, đêm nào mẹ cũng khóc. Phải chăng những gì đã vĩnh viễn rời xa mới khiến người ta hiểu được giá trị và nuối tiếc? Không, tôi tin bố mẹ tôi là những người tốt, những trái tim luôn chứa sẵn yêu thương, chỉ là tần sóng yêu thương ấy bị lệch nhịp do sự lam lũ vất vả mà thôi.
Và cho đến bây giờ, câu “một điều nhịn chín điều lành” vẫn là một lời dạy thấm thía nhất mà chị em tôi mãi khắc ghi để giữ gìn hạnh phúc gia đình nhỏ của mình…
Tạ Thị Thanh Hải (Hưng Yên)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Dulux triển khai chiến dịch “Tận hưởng trọn khoảnh khắc”
- Những thông điệp ý nghĩa gửi gắm trong bộ phim “Phù Thủy, Phù Thủy”
- Nhiều cung bậc cảm xúc tại lễ trao giải cuộc thi viết “Gia Đình Của Tôi 2020”
- Khám phá phương pháp tắm cát độc đáo của người Nhật
- Lý Nhã Kỳ đẹp hút hồn với trang phục đầu tiên tại Cannes 2022
Rất tuyệt vời