Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Vườn măng quê ngoại

Trái măng cụt là tuổi thơ của ngoại, của mẹ rồi đến của tôi. Mỗi lúc đi xa, nhìn thấy hình ảnh măng cụt hiện diện ở bất cứ nơi đâu thì tôi lại nhớ quê, nhớ ngoại đến nao lòng…

Những buổi chiều trốn học bị mẹ đánh đòn, tôi vừa đau vừa sợ, vội trốn sau lưng ngoại để “cầu cứu”. Hễ mỗi lần ngoại đứng ra bênh tôi là mẹ lại cằn nhằn: “Má cứ bao che cho nó hoài à. Chiều nó riết nó sinh hư đó má”. Những lúc như vậy, ngoại chỉ cười hiền mà bảo: “Có gì thì từ từ dạy con nó. Đòn roi cũng không phải là cách hay”. Cứ thế, tôi lớn lên trong sự nghiêm khắc của mẹ lẫn sự bao dung của bà.

vuon-mang-que-ngoai-01
Bà ngoại luôn bao dung và yêu thương tôi – Ảnh NVCC

Thời đó, dân mình còn nghèo, làm vườn, làm nông là chính. Mà xứ tôi thì trời đất ưu ái cho điều kiện thổ nhưỡng để trồng cây ăn quả, đặc biệt là măng cụt và sầu riêng. Ngoại tôi cũng có một mảnh vườn nhỏ trồng tầm hai mươi gốc măng và vài gốc sầu riêng. Khi tôi trèo được lên cây măng tơ trồng sau cùng ở cuối vườn thì tuổi của nó và tôi cũng đã xấp xỉ nhau rồi. Các cây còn lại trong vườn đều hơn mấy chục tuổi nhưng năm nào cũng cho quả thiệt sai.

Tôi còn nhớ những ngày đầu tháng ba, măng cụt bắt đầu kết trái. Đài hoa đỏ tươi chi chít trên các cành cây trông như những đốm lửa li ti đang thắp sáng cả khu vườn. Đi dưới mỗi tán măng, lòng tôi lại chộn rộn chờ mong tới ngày trái chín. Lúc ấy, tôi sẽ được cùng mẹ, cùng chị trèo cây hái quả. Chỉ mới nghĩ đến thôi mà đã thích ơi là thích!

Vì còn bé nên tôi được mẹ “chỉ huy” trèo lên những nhánh thấp và không được đi ra phía ngoài, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Mà đứng dưới thấp thì cầm cù móc cũng không thu hoạch được bao nhiêu trái. Hái một tẹo là đã xong nhiệm vụ. Tiếp tục nghe lệnh của mẹ, tôi leo xuống lượm măng. Nghe tiếng măng rớt “bịch, bịch” là có thể chắc ăn “em nó” đã yên vị trên mặt đất, chỉ cần đảo một vòng quanh gốc để lượm là xong. Nhưng nếu phát ra tiếng “tõm, tõm” là phải nhìn ngay xuống mương để nhớ vị trí, rồi dùng vợt mà vớt lên.

Đừng tưởng vớt măng là chuyện dễ! Nếu không phải là “dân trong nghề”, mới vớt lần đầu bảo đảm bạn sẽ làm mất trái măng đó luôn. Vớt không đúng cách sẽ khiến trái măng bị chìm sâu dưới lớp bùn và làm nước mương xung quanh đục ngầu. Hồi mới tập vớt măng, tôi toàn làm mất măng như vậy. Lúc mẹ và chị tôi leo xuống vớt lại lần nữa thì có trái “cứu” được, có trái thì “vô phương cứu chữa”. Mãi đến mấy hôm sau, khi vớt trái măng mới rớt trúng vị trí đó thì lại vô tình vớt được trái “măng sình”. Nhìn là biết thành quả của tôi rồi! Mỗi lúc như vậy, tôi bị chị tôi trêu đến ngượng chín cả mặt.

Nhưng đó là chuyện của quá khứ, tốt nghiệp cấp hai thì tôi đã là dân nhà vườn thứ thiệt. Theo thời gian, tôi lớn lên, cây măng cũng già đi. Tôi đã có thể leo lên những nhánh cao nhất hái trái mỗi khi vào vụ để thay mẹ, thay chị. Giờ đến lượt mẹ tôi lượm măng vì tôi không cho mẹ trèo cao nữa.

Măng thu hoạch xong sẽ bán ra vựa để cho các thương lái đến thu mua. Hồi đó người ta đếm tay măng để bán chứ không cân ký như bây giờ. Măng được chia thành hai loại: măng lớn và măng nhỏ. Một tay măng là sáu trái. Một tay măng lớn bằng hai tay măng nhỏ. Loại măng nhỏ xíu không bán được gọi là măng tai thì để lại trong nhà, nhất là bọn trẻ con như chúng tôi ăn. Nhưng chỉ có dân nhà vườn mới biết, mấy trái măng tai mới chính là măng ngon “cực phẩm”.

Những ngày nắng nóng, chúng tôi hay trốn lên vườn măng ngủ. Nằm trên lớp lá khô êm êm, dưới những tán lá măng xanh mát, lại còn được nghe lũ ve kêu râm ran, cảm giác vô cùng dễ chịu. Nếu so với thời bây giờ thì giống như vừa được nằm nệm êm vừa có điều hòa mát lạnh, còn được phục vụ nhạc, chẳng khác gì khách sạn năm sao! Nằm chán thì chúng tôi bắt đầu móc củi khô, dùng cây xâu những lá măng lại với nhau về cho mẹ nhóm bếp.

Cây măng gắn bó với người dân quê tôi từ đời này qua đời khác vì mọi thứ của nó đều có thể sử dụng. Vỏ quả và vỏ thân cây có thể phơi khô làm thuốc, đặc trị các bệnh tiêu chảy. Vỏ măng cụt phơi khô còn có thể xâu lại để nhóm bếp hoặc đốt lên làm than bỏ trong bàn ủi con gà để ủi đồ.

Măng cụt là loại cây chỉ ra hoa kết trái đúng một mùa trong năm chứ không thể ép ra hoa trái vụ như một số giống cây ăn quả khác. Vì thế năm nào măng trúng mùa là ngày khai trường tôi lại có thêm cái áo mới hay chiếc cặp mới. Những năm mất mùa, thường là do mưa đến sớm khiến măng non rụng nhiều còn măng chín bị mủ. Ngoài việc chính làm mướn, làm thuê, mẹ và ngoại tôi còn phải trồng thêm rau, nuôi thêm gà bù lại.

Bây giờ, măng cụt được nhân giống và trồng nhiều ở miền Tây Nam bộ, nhưng hương vị thơm ngon đậm đà có lẽ chẳng đâu có thể sánh bằng Lái Thiêu quê tôi. Không chỉ ăn trực tiếp, người dân quê tôi còn rất sáng tạo biến tấu nó thành món ăn độc đáo – gỏi gà măng cụt trứ danh mà ai ai cũng muốn nếm thử một lần.

Hễ có người nhắc tới món gỏi măng cụt là khóe miệng tôi vô thức cong lên. Bởi vì tôi có một bí mật nho nhỏ, không phải đến tận bây giờ tôi mới biết món này, mà cách đây rất lâu rồi, ngoại đã từng làm cho tôi ăn. Ngon lắm!

Trái măng cụt là tuổi thơ của ngoại, của mẹ rồi đến của tôi. Mỗi lúc đi xa, nhìn thấy hình ảnh măng cụt hiện diện ở bất cứ nơi đâu thì tôi lại nhớ quê, nhớ ngoại đến nao lòng…

Nguyễn Minh Ngọc Hà (Bình Dương)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 1 Bỏ phiếu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Mỹ Chi Chi
Mỹ Chi Chi
1 year ago

Mình cũng thích măng cụt lắm

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx