Cứ ngỡ về nhà chồng giàu có cuộc đời mẹ sẽ được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng không ngờ, đó là bắt đầu cho những tháng năm buồn tủi nhất đời mẹ…
Tôi luôn nghĩ “nếu tôi là mẹ tôi, thì con tôi có thể sống tốt như tôi bây giờ không?”. Lặng lẽ, âm thầm, hy sinh, chịu đựng… Tất cả cho niềm vui, hạnh phúc của gia đình. Cái bóng của mẹ quá lớn, nên dù hiện tại tôi đã có gia đình riêng, có con gái, con trai đáng yêu nhưng tôi vẫn chưa bao giờ rời khỏi vòng tay thương yêu của mẹ.

Suốt cuộc đời mẹ là chuỗi ngày hy sinh cho người khác. Cuộc đời mẹ đã rơi biết bao giọt nước mắt. Thời con gái sống với ông bà ngoại, mẹ không được học nhiều vì cái nghèo, chỉ vừa đủ để biết đọc được chữ. Rồi mẹ đi ở đợ cho hàng xóm, từ chăn nuôi, giặt giũ, giữ trẻ, chăm sóc người bệnh… Sáng sớm rời khỏi nhà, đến tối mịt mới về, nhưng vẫn không đủ để đỡ đần cho ngoại. Trong bảy người con của ngoại thì mẹ là người chịu thiệt thòi nhất, vì mẹ thương ngoại nên mọi ước mơ mẹ bỏ lại phía sau, từ việc cắp sách đến trường cho bằng chị, bằng em đến “đua đòi” như tuổi đó phải có cũng đành dang dở.
Dáng mảnh mai, gương mặt trái xoan, hiền lành, chân thật, ít nói, hay làm, nên mới bước qua tuổi 18, mẹ được ông nội để ý và ngỏ lời rước về làm dâu. Cứ ngỡ về nhà chồng giàu có cuộc đời mẹ sẽ được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng không ngờ, đó là bắt đầu cho những tháng năm buồn tủi nhất đời mẹ. Ngày mẹ chập chững làm dâu thì bà nội tôi vừa sinh chú Út. Thế là vừa chăm sóc bà nội ở cữ và chú Út, mẹ kiêm luôn việc chăm sóc cô Chín và chú Mười tôi (lúc ấy vẫn chưa đến tuổi đi học). Công việc nhà không tên luôn chân luôn tay quần quật suốt ngày. Vậy mà chưa hết, ông nội tôi vui vẻ, chất phác bao nhiêu thì bà nội tôi khó tính và cay nghiệt bấy nhiêu. Lao tâm khổ tứ, mẹ chỉ biết âm thầm khóc cho số phận.

Bà nội tôi chê hoàn cảnh gia đình ngoại tôi nghèo khó nên cũng không thương đến mẹ, quần áo mẹ chỉ có 3 bộ đồ thay đổi, rách cũng không dám xin mua đồ khác mà phải chắp vá lại mặc. Xoay heo cúi, quay sang lo gà vịt, chăm bẵm em chồng, rồi đến chợ búa cơm nước. Thời gian như vòng xoáy cuốn mẹ vào tất tần tật việc với việc.
Nhưng cũng may, niềm an ủi là cha tôi rất thương yêu mẹ, tuy hàng ngày cha phải dậy sớm ra đồng nhưng mẹ luôn được cha an ủi và khi nào có thể là ba chia sẻ công việc với mẹ. Khoảng thời gian mẹ mang bầu (là tôi nằm trong bụng đấy!), cũng phải cùng cha ra đồng lội ruộng cấy mạ, gặt lúa. Một năm sau, tôi chào đời, mẹ càng thêm gánh nặng trên vai. Có những đêm cha tôi ngủ luôn ngoài ruộng khi mùa vụ vừa cắt. Nửa đêm, tôi quấy khóc, mẹ ngồi ôm tôi khóc theo và ầu ơ ru ngủ, vừa sợ ông bà nội tôi thức giấc vừa lo lắng tôi có đau ốm gì không!?
Mẹ kể lại, đến khi tôi biết ngồi, mẹ đã tự tay may những chiếc quần dài từ những mảnh vải vụn trong nhà nội tôi hoặc đi gom xin từ nhà hàng xóm, mặc cho tôi ngồi vọc đất kế bên. Mẹ ngồi chẻ củi, chặt lá dừa, cũng đặt tôi nghịch chơi ngay cạnh. Rồi niềm vui nhà nội tôi nối tiếp niềm vui, cùng thời gian ấy, cô Tư tôi cũng sinh con, lại mang con về nhà nội tôi ở. Nhìn nội tôi thương yêu và cưng nựng cháu ngoại mà mẹ tôi rơi nước mắt, tủi thân cho tôi là cháu nội đầu lòng, bụ bẫm, trắng tinh như thiên thần, nhưng không bao giờ bà nội tôi dòm ngó tới (chỉ vì gia đình chồng cô Tư tôi rất giàu)!
Khổ tâm hơn, khi bà ngoại tôi rất nhớ thương cháu mà chỉ có thể ghé thăm cho được con cá lóc nấu cháo và chỉ kịp ẵm cháu giây lát rồi cũng phải về ngay vì sợ ánh mắt khi dễ của bà nội, vô tình làm mẹ tôi phải nghe lời nặng nhẹ của mẹ chồng.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, bốn năm sau mẹ sinh em trai tôi, gia đình nhỏ của chúng tôi đã được ở riêng trên miếng đất ruộng ông nội cho. Con đường dẫn vào nhà tôi khi đó là đường đê, đất sình, lầy lội,.. nhưng vốn tính lam lũ, chịu thương chịu khó, mẹ lao động chăm chỉ từ những gì có sẵn quanh nhà: chăn nuôi heo, gà, vịt, trồng rau muống, làm ruộng, kháp rượu… Cuộc sống gia đình dần dà bớt thiếu thốn khi cha tôi đi làm việc phụ trách công tác tài chính cho Ủy ban xã. Ở nhà, một mình mẹ gánh vác hết mọi việc nhà cửa, ruộng vườn và dạy dỗ hai chị em tôi. Nhà xa, giữa đồng, xung quanh vắng vẻ. Nơi đó có mái nhà nhỏ, và bóng mẹ phủ khắp lối ra vào, từ dọc con đê ruộng đồng cho đến cái ao, vườn tược sau nhà.
Ba năm sau đó, mẹ sinh em út. Mẹ dù không được học hành nhiều nhưng từ những bài học cuộc đời mẹ giáo dục ba chị em tôi với sự khoan dung và nhân hậu, chúng tôi đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi. Đó chính là hạnh phúc nho nhỏ đầu tiên mà mẹ được nhận trong đời.
Giờ đây, chúng tôi – những đứa con của cha mẹ đều đã học thành tài. Tôi đã có gia đình riêng nhưng mẹ vẫn mãi lo lắng và dõi theo từng bước tôi đi, từ những việc nhỏ nhoi trong gia đình đến chăm sóc con cái, mẹ đều chỉ bảo từng chút như khi tôi còn ở nhà. Tôi trong mắt mẹ vẫn mãi bé bỏng thế thôi.

Tôi còn nhớ, ngày tiễn tôi về nhà chồng, tuy không xa lắm nhưng mẹ đã khóc sưng cả mắt suốt ba đêm liền, vì mải lo việc, vô tình lơ đễnh tôi đã quên không điện thoại cho mẹ (mẹ dặn rồi, mỗi ngày phải điện thoại cho mẹ nhe!). Dù con không còn ở bên, nhưng chỉ cần nghe thấy giọng con là mẹ thấy hạnh phúc rồi. Đến ngày phản bái, xa xa nhìn thấy dáng tôi, mẹ mừng nức nở nghẹn lời. Rồi tôi mang bầu, sinh con, dứt sữa bé, con tôi bước chập chững vào trường mầm non… lúc nào cũng có mẹ bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Hiện tại, chúng tôi đều đã ổn định, cha mẹ đã sung túc, thoải mái hơn, mẹ có thể hoàn toàn gác lại công việc đồng áng, ruộng vườn, và việc buôn bán, nhưng mẹ vẫn không muốn nghỉ ngơi. Mẹ bảo: “Còn khỏe thì phải cố gắng làm việc, đâu biết giờ nào sẽ bệnh, tai nạn bất ngờ ập đến mình sẽ không phải hối tiếc”. Niềm vui duy nhất đối với cha mẹ tôi về già là có con cháu ở cùng, nên dù bận rộn đến đâu, tôi và chồng tôi cũng cố gắng sắp xếp về thăm, cùng xum vầy bên mâm cơm gia đình.

Mẹ ơi! Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này không ai bằng mẹ, người luôn sẵn sàng che chở con bất cứ lúc nào, ở đâu, làm gì?
“Nghĩ về mẹ trời luôn tươi sắc nắng
Hoa trong vườn không lá cũng xôn xao”
Ai đó đã nói: “Nếu trên thế gian này chỉ có một mặt trời đủ chiếu sáng khắp nhân gian thì trong trái tim con mẹ chính là vầng dương tỏa sáng rạng ngời ấy”. Trong đời, ai cũng có một người Mẹ, hãy trân trọng và làm những gì tốt đẹp để đem lòng hiếu kính dâng lên người để nói thay lời nói sâu kín trong tâm: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm!”:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe chưa!”
Huỳnh Thị Mỹ Linh (Giáo viên THPT Tiểu Cần – Trà Vinh)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Hàng ngàn quà tặng mừng Lancôme khai trương gian hàng chính hãng trên Lazmall
- Đêm nhạc phim
- Vở nhạc kịch Trinh thám Yesterday’s Memory mở màn Giai Điệu Mùa Thu 2019
- Minh Hằng nổi loạn với nội y trong bộ ảnh tạo hình của Bẫy Ngọt Ngào
- Lần thứ 2 liên tiếp Herbalife Nutrition trở thành nhà tài trợ đồng hành của AFF Mitsubishi Electric Cup