Cái đói năm 1945 đã xô đẩy thầy u tôi phiêu bạt từ các tỉnh đồng bằng lên miền núi rừng này. Ba người, ba cảnh ngộ khác nhau, từ ba miền quê khác nhau nhưng cùng chung cảnh đói nghèo phải “tha hương cầu thực”. Rồi số phận đã đưa ba người đến với nhau như chiếc kiềng ba chân vững chãi lập nên tổ ấm một gia đình.
Đó là cách gọi của năm anh chị em tôi với người mẹ cả của mình. Chả là khi lấy thầy tôi, u đã sinh hai lần mà đều không nuôi được. U đẻ tôi khi ấy vừa phiêu bạt từ xuôi lên làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày, không nơi nương tựa. Gặp cảnh ấy u già động lòng thương liền đón u đẻ tôi về làm bạn với thầy tôi. Thế là khác với nhiều đứa trẻ khác, năm anh em tôi lần lượt chào đời và chúng tôi thật hạnh phúc vì có hai người mẹ đều hết lòng thương yêu, chăm sóc chúng tôi. Không có con đẻ, u già càng yêu quý chúng tôi nhiều hơn.

Cái đói năm 1945 đã xô đẩy thầy u tôi phiêu bạt từ các tỉnh đồng bằng lên miền núi rừng này. Ba người, ba cảnh ngộ khác nhau, từ ba miền quê khác nhau nhưng cùng chung cảnh đói nghèo phải “tha hương cầu thực”. Rồi số phận đã đưa ba người đến với nhau như chiếc kiềng ba chân vững chãi lập nên tổ ấm một gia đình. Ba người sống với nhau rất hòa thuận, chăm chỉ lam làm cật lực mong muốn đem lại sự no đủ cho gia đình, con cái. Tôi là con út nên được cả nhà cưng chiều, nhất là u già, ngay từ khi mới lọt lòng, u đã thay thế u đẻ chăm sóc, bế ẵm tôi, bởi thế mà tôi rất bện u già, đi đâu tôi cũng đòi theo. Khi tôi hờn dỗi cũng chỉ có u già biết cách làm cho tôi nín. Mỗi khi đi đâu về có đồng quà, tấm bánh, quả chuối, củ khoai… U đều cất dành phần cho tôi. Những khi tôi bị trái gió, trở trời, u già thức thâu đêm lo đánh cảm, xoa dầu và canh chừng giấc ngủ cho tôi.
Ngày ấy, làng quê tôi nghèo lắm, nhà tôi cũng vậy, cái ăn không đủ no, cái mặc không đủ ấm. Nồi cơm dịp tháng ba, ngày tám độn đầy khoai sắn. U già thường chọn khoai sắn ăn, những hạt cơm u gạt lại nhường sẻ vào bát cho tôi. Khi đó tôi ngây ngô hỏi: “Sao u dại thế cứ thích ăn khoai sắn có gì ngon?” U chỉ cười rồi bảo “U ăn thế quen rồi, con ăn đi và gắng học cho ngoan”. Áo quần của u cũng chẳng có nhiều, chỉ quẩn quanh mấy bộ quần thâm, áo gụ đã rách và bạc màu, u mặc cả bốn mùa. Hè thì nắng nóng, đông thì lạnh thấu xương. Có ô phiếu vải u nhường cho con. U hy sinh, chịu đựng tất cả mọi cực nhọc vì chúng tôi mà không một lời phàn nàn, ca thán.
Cuộc đời u dường như chẳng có chút của cải gì dành cho riêng mình cả. Ngoài mấy bộ quần áo cũ, rách. Duy nhất có một vật luôn gắn bó với u đó là chiếc cơi trầu bằng đồng đã cũ kỹ, u dùng để đựng trầu thuốc cho mình. U nghiện trầu tới mức có thể nhịn ăn, nhịn mặc chứ trầu thì không thể thiếu được, chiếc cơi trầu luôn đặt bên đầu giường của u, những miếng trầu do tự tay u têm rất khéo được đựng sẵn trong cơi cùng với cau và vỏ. Những khi rảnh rỗi u vừa bổ cau, têm trầu, vừa kể cho tôi nghe câu truyện cổ tích “Sự tích trầu cau”. Câu chuyện u kể đi, kể lại bao lần đến nỗi tôi nghe đã thuộc vậy mà vẫn thích nghe, không thấy chán. Giọng kể của u trầm lắng, ánh mắt u khi ấy như đượm buồn, u ngước nhìn nơi xa xôi, nhả miếng bã trầu, bỗng nhiên u thở dài và kết thúc câu chuyện bằng lời nói: “Chẳng biết số kiếp u có duyên nợ gì với chuyện trầu cau mà u chẳng thể sống thiếu nó được, sau này u có chết, cúng giỗ cho u các con chẳng phải cầu kỳ bày vẽ cỗ bàn cho tốn kém, cứ lưng cơm, quả trứng và quả cau, lá trầu cho u là đủ, u sẽ phù hộ cho”. Nói thế rồi u lại chọn miếng trầu mới đưa lên miệng thong thả nhai, mắt vẫn nhìn nơi xa xăm đó.
Những lúc ấy tôi ngồi im nghe và ngắm nhìn u nhai trầu. Lòng tràn ngập một tình yêu thương vô ngần đối với u, lâu sau tôi liền sà vào lòng u để u đưa những ngón tay gầy nhăn nheo, gân guốc xoa lên đầu, lên mặt tôi, tôi cảm nhận mùi cay nồng của miếng trầu u đang ăn, mùi mồ hôi nồng mặn, mà quá đỗi thân quen với tôi, tôi hít thật sâu những mùi vị ấy vào trong lồng ngực bé nhỏ của mình, tôi ôm lấy u mà nũng nịu: “U đừng bao giờ chết, u sống với con cơ, con sẽ hái trầu và lấy vỏ cho u, con thương u nhất!” U ôm lấy tôi bỗng mắt đỏ hoe, u thơm lên trán, lên má tôi rất nhiều và nói: “Con trai bé bỏng của u, u cũng thương con lắm, chẳng biết ông giời có cho u khỏe mạnh để nuôi con tới ngày khôn lớn không ? U chết sớm thì con khổ !” Những câu nói đượm buồn ấy như một tiên đoán của u về bản thân mình mà lúc ấy chúng tôi đâu có ngờ tới.

U già ngã bệnh đột ngột. Những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh u được cả nhà chăm sóc, u đẻ tôi nghe đâu có thuốc cũng lặn lội đến lấy thuốc về cho u. Nhưng ngày đó bệnh viện thì xa, nên không có điều kiện đưa u đến viện được. U xuống sức nhanh chóng, thân hình xưa vỗn đã gầy, giờ sau hơn hai tháng ốm nặng nên u chỉ còn da bọc xương. U không ăn được gì, cả trầu cũng bỏ. Lúc sắp mất u cho gọi năm anh chị em tôi đến bên dặn dò từng đứa, cuối cùng đến lượt tôi u đưa tay sờ lên mặt, lên người tôi, bàn tay gầy khẳng khiu đầy chai sẹo, vết tích của những tháng ngày làm lụng vất vả, u cùng thầy tôi đào gốc, bốc trà vỡ hoang lập nghiệp hàng chục năm trời để có được hơn hai chục mẫu ruộng công hữu cho hợp tác xã. Bàn tay ấy lúc này đang vuốt nhẹ trên thân thể tôi như cố truyền cho tôi tất cả tình thương yêu của người mẹ, rồi u nắm lấy bàn tay tôi rất lâu, u phều phào nói khẽ: “U thương con nhất, tiếc là u không thể sống để nuôi con khôn lớn được nữa! Con còn bé quá, tội nghiệp con tôi! U chết, u sẽ phù hộ cho các con, nhớ phải thương yêu nhau, chăm chỉ học hành nghe con!” Nói đến đây nước mắt u trào ra nghẹn ngào. U từ từ đi vào cõi vĩnh hằng! U đẻ tôi nấc lên lay gọi cuống cuồng, chúng tôi òa lên nức nở gọi u già!
Chôn cất cho u rồi mà hàng mấy tháng sau chúng tôi vẫn không nguôi nhớ về u. Nhìn chiếc cơi trầu của u giờ đây bỏ không trên bàn thờ đầy hương khói, mỗi khi đi làm về u đẻ tôi lại khóc làm cả nhà khóc theo. Nhìn vào đâu chúng tôi cũng như bắt gặp lại u già, u như đang hiển hiện về bên chúng tôi, dõi theo, nâng đỡ cho anh chị em chúng tôi. Hình ảnh của u cùng lời căn dặn của người mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Tôi không quên được cái ngày đau thương ấy, cái ngày mà chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi người mẹ mà suốt đời tần tảo nuôi dưỡng chúng tôi nên người.
Thời gian âm thầm trôi. Bao mùa cau trổ bông, nhìn những cánh hoa cau trắng rụng rơi đầy gốc, hương cau thoảng bay trong gió, tôi như gặp lại mùi cay nồng của miếng trầu u ăn ngày ấy. Tôi như thấy lại hình bóng người liêu xiêu dưới hàng cau. Tiếng gió lao xao lùa qua những tán cau cao vút, lẫn trong đó tôi nghe như có tiếng thì thầm của người vọng về từ giữa thinh không tĩnh lắng: “U sẽ phù hộ cho các con !” Những lúc đó lòng tôi lại trào dâng một nỗi nhớ khôn nguôi!
Bùi Nhật Lai (Thái Nguyên)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021 Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Th.s.BS Lê Tôn Dũng – Giảng viên Bộ môn PTTM Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Giảm béo bằng Laser có là xu hướng 2020?
- Đã từng bị bỏng cấp độ 2, Lương Bích Hữu hồi phục còn xinh đẹp hơn trước
- Công thức vàng từ nền tảng khoa học chuyển hóa làn da
- Ngắm nhan sắc gây chao đảo của các “nam thần gốc Á” thành danh tại Hollywood
- Khi đàn ông là số 0 – Bộ phim chị em nhất định phải rủ chồng xem trong 8/3