Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Từ khi làm dâu mẹ

Tôi thương anh trước khi yêu anh. Giờ thì tôi thương mẹ sau khi ghét mẹ. Tôi thương mẹ hơn cả thương anh. Kiểu như một món nợ từ tiền kiếp. Thực sự, tôi sinh ra để cho mẹ chứ không phải cho anh. Tôi hiểu mẹ cần gì, biết mẹ thích món ăn nào, không thích cái gì. Tôi, một cô giáo dạy Văn, biết cắt may cũng nhờ mẹ không chịu mặc những bộ quần áo may sẵn tôi mua về.

Hai mươi bốn tuổi, tôi về làm dâu mẹ. Dù đã được nghe anh kể về mẹ nhiều nhưng, trăm nghe không bằng một thấy, mà đúng hơn là trăm thấy không bằng một lần sống chung. Bởi trước khi về sống với mẹ, tôi chỉ gặp mẹ có một lần.

Bữa đó, ngày giỗ của bố người yêu tôi. Tôi một mình bắt xe buýt từ nơi dạy sang bên quê anh. Sau những vật vã bởi say xe, cuối cùng tôi cũng xuống được đúng nơi cần đến. Anh đứng chờ tôi ở bến xuống, khuôn mặt hào hứng. Tôi ngồi oặt ẹo trên chiếc xe máy cà tàng của anh. Trời nắng như trêu ngươi, đường sỏi ghồ ghề như phụ họa, mở đầu cho quãng ngày gập ghềnh của tôi sau này.

tu-khi-lam-dau-me-02
Mẹ chồng tôi

Chiếc xe máy đưa tôi vào mảnh đất có vẻ còn hoang sơ với sân đất, hàng rào cúc tần, râm bụt mọc hổ lốn. Một ngôi nhà ngói nhỏ không mới không cũ nằm ở giữa mảnh đất nhỏ. Tôi nhìn nhanh vào nhà, thấy mẹ anh đang ngồi xếp bằng trên manh chiếu trải giữa nhà nhìn ra. Luống cuống xuống xe, tôi theo anh bước vào nhà, cúi chào bà lí nhí. Lúc đó, không hiểu sao, trước “kiểu ngồi quyền uy” của mẹ anh, tôi chẳng thể cất lên tiếng chào hỏi hẳn hoi, bài bản như đã định.

Ánh mắt bà nhìn tôi một hồi từ đầu đến chân. Sau đó bà kêu tôi ngồi xuống manh chiếu cùng mình, rồi nói tôi lạy lên ban thờ ba lạy. Lúc này tôi mới liếc nhanh lên đó. Bà không thờ ai cả, chỉ là một ban thờ với nghi ngút khói, đầy ắp chân nhang. Chẳng hiểu sao, một đứa hoạt bát, hơi nghịch như tôi lúc đó lại mất hết khả năng kiểm soát, cứ răm rắp nghe theo bà, bảo sao cũng làm. Đến nỗi lúc bà đưa một ca nước, bên dưới có ít hạt gạo nói tôi uống, tôi cũng ngoan ngoãn bê lên uống ngon lành. Sau này tôi mới biết, đó là bà “làm phép”.

Bà làm lẽ, anh người yêu tôi là con vợ hai nên bài vị “bố chồng tương lai” của tôi để bên nhà mẹ cả. Đám giỗ sẽ được tổ chức bên đó. Đêm đó, trong ánh đèn dầu tù mù không tỏ mặt người (năm 2008 nhà anh vẫn chưa có điện), tôi ngủ cùng mẹ anh trên chiếc giường tre duy nhất, anh ngủ dưới manh chiếu giữa nhà, chờ sáng mai sang nhà mẹ cả trình diện và chạy món, làm món. Trong đêm, không biết do hồi hộp hay lạ nhà, hay do tiếng bà nằm bên thì thào một mình lại được phụ họa thêm bởi tiếng lũ mọt ở chân giường đang thi nhau nghiến gỗ khiến tôi mất ngủ. Chuyện tôi chạy bàn bên nhà mẹ cả tôi không kể làm gì. Bởi hôm đó, mẹ chồng tôi không sang. Bà ngồi khoanh tròn trên manh chiếu giữa nhà lặng lẽ nhìn ra khi anh đèo tôi trên “con chiến mã” của mình phóng đi, để lại trên sân một đám bụi đất vẩn lên bay lượn.

Chiều đó, tôi chào mẹ để trở về quê mình cho kịp buổi lên lớp sáng mai. Mẹ vẫn không cười. Vẫn kiểu ngồi quyền lực, mẹ bảo tôi ngồi xuống bên cạnh rồi đưa tay vuốt hai vuốt từ đỉnh đầu tôi xuống đến ngang lưng, miệng thì thầm điều gì đó. Chả hiểu tại sao ngày đó tôi lại ngoan như con cún con vậy. Bà nói gì cũng làm theo răm rắp. Có lẽ vì vậy mà bà dần quý tôi và chấp nhận để thằng con trai độc nhất của mình cưới vợ sau đó hơn một tháng. Nhưng khi chính thức làm dâu mẹ, mẹ càng ngày càng ghét tôi. Bởi khi về cùng một nhà tôi dần dần không còn nghe lời mẹ nữa. Mẹ cho rằng, tôi lừa mẹ.

Và để mọi người hiểu cho là tôi không hề lừa mẹ, tôi muốn nói ra ngay rằng mẹ chồng tôi không hề bình thường. Bà có vấn đề về thần kinh. Điều đó tôi đã biết ít nhiều qua lời kể của anh, cũng lờ mờ đoán được phần nào. Nhưng không ngờ, sự thật luôn khác xa với tưởng tượng. Bệnh thần kinh của mẹ nặng hơn anh vẫn tưởng. Mẹ luôn làm mọi việc trái với bình thường và mẹ lại nghĩ đó mới là điều đúng đắn nhất. Nhưng nhiều khi tôi lại thấy mẹ vô cùng khôn ngoan, tỉnh táo lúc nói chuyện với người ngoài. Chẳng trách ngày mới về làm dâu, có người xấu tính bĩu môi nói với tôi: “Mẹ chồng mày giả điên. Điên gì bà ấy, điên mà khiêng đồ Mỹ”. Họ chẳng hiểu hay tôi không hiểu. Nhưng rõ ràng tôi dần ghét bà, rồi lại dần thương bà.

Lúc đầu, tôi ghét mẹ bởi khi về làm dâu mẹ không cho tôi đi chơi bất cứ nhà ai bên hàng xóm. Có bữa tôi lỡ sang chơi, mẹ đã bực tức quát hỏi đi đâu, chơi với ai, nói chuyện những gì? Thật là nực cười và oái oăm. Thời buổi nào rồi mà còn sự hà khắc như vậy. Tôi càng ghét mẹ bởi bà đã tát tôi vài cái khi tôi từ nhà chị Thu hàng xóm trở về, mang theo chùm nhãn mà chị cho. Mẹ đón lấy chùm nhãn từ tay tôi, gọi tôi ngồi lại bên cạnh và bất ngờ ban cho tôi ba cái tát nổ đom đóm. Tôi hoảng hốt không hiểu tại sao và khóc lên uất ức. Đó là lần đầu tiên tôi khóc khi về làm dâu mẹ. Những giọt nước mắt mở màn cho những quãng ngày tôi sống với nước mắt. Nếu coi nước mắt là một món hàng thì tôi phải hạnh phúc rằng mẹ là người mở hàng may mắn nhất của đời tôi. Và tôi thực sự giàu có bởi dường như ngày nào cũng “được” khóc, không vì điều này thì điều kia.

Tôi không thích mẹ. Tất nhiên không thể răm rắp nghe theo những lời nói hay việc làm của một người có vấn đề về thần kinh được. Cho nên đôi khi mẹ nói quá là tôi cự lại. Mẹ chỉ mặt tôi quát “Mày là con dâu không phải là mẹ chồng nhá”. Nghĩ mẹ nói cũng đúng. Vậy thì thôi, nhịn mẹ, không nói nữa. Mà mẹ cũng có bình thường đâu, chấp nhất làm gì. Vậy là không nói, không cự cãi nữa. Thế là mẹ lại xỉa xói “Sai rồi không há họng ra được”. Thật là nghe xong tôi á khẩu. không há họng ra được thật. Nhưng tôi tuôn ra cái khác: nước mắt. Nước mắt chính là sức mạnh vạn năng để xoa dịu những tủi hờn, ấm ức của tôi. Mỗi lần mẹ chì chiết, đay nghiến, nhiếc móc là tôi lại tìm một chỗ nào đó, trốn và khóc cho thỏa. Khóc xong lại thấy nhẹ lòng. Chồng tôi bảo “đừng khóc, mẹ có bình thường đâu, em chấp làm gì”. Ừ thì không chấp nhưng tôi vẫn muốn khóc, bởi còn khóc được tức là còn yêu thương.

Mẹ bảo mẹ không được chọn dâu nên mới khổ thế. Mẹ bảo “Con người chứ không phải mớ rau. Nếu là mớ rau tôi đã mang đi tôi đổi rồi”. Lúc đầu nghe, tôi tức lộn ruột. May kìm lại được để không vặc lại mẹ. Nhưng tôi buồn thật nhiều. Mà buồn thì khóc. Rồi nghe nhiều thành quen, kiểu như sống lâu trong cái khổ cũng thành quen khổ. Tôi không bực, chỉ thấy nực cười. Tôi không giận mẹ nữa những vẫn nhớ mãi câu nói này. Bởi đến bây giờ, sau hơn chục năm làm dâu mẹ, câu nói đó tôi vẫn thi thoảng được nghe.

tu-khi-lam-dau-me-01

Sau những lần giận, sau nhiều năm sống cùng mẹ tôi biết nhiều về cuộc đời mẹ hơn. Phần từ chồng tôi kể, phần lớn tôi nghe lỏm từ những cuộc trò chuyện của mẹ với chính mình và với những thế lực ở cõi vô hình nào đó. Tôi dần thương mẹ.

Mẹ chồng tôi, một người đàn bà hơi khác tính với các anh chị em từ thời con gái. Hai mươi tuổi, người ta lo lấy chồng, mẹ lại đi thanh niên xung phong tận vùng Tây Bắc xa xôi. Ngày trở về, bà ngoại cuống quýt giục mẹ lấy chồng bởi lo sợ con gái có thì. Mẹ vẫn hăng hái tham gia phong trào thanh niên của xã, dửng dưng lãnh đạm với những mối mai, những lời ong bướm. Rồi mẹ đi thoát li, đi làm công nhân. Ba mươi tuổi mẹ vẫn không lấy chồng. Ba mươi lăm tuổi mẹ vẫn ế chồng. Bốn mươi tuổi, mẹ không chồng và vẫn còn đẹp lắm. Sang tuổi bốn mốt, để yên lòng bà ngoại đang thoi thóp như ngọn đèn dầu trước gió, mẹ gật đầu lấy chồng. Về quê chồng rồi mẹ mới cay đắng nhận ra mình chỉ là phận lẽ mọn. Nhưng thuyền đã sang sông, chẳng thể quay đầu lại. Mẹ sống lại quê chồng. Bắt đầu những quãng ngày cơ cực, tủi hổ. Bốn mươi hai tuổi mẹ một mình sinh con trong căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo. Chồng mẹ, nhà chồng mẹ đâu cần mẹ, họ cần đứa cháu đích tôn. Vậy là mẹ phải lo giữ con trong sự sợ hãi. Chồng bỏ mặc, miệng đời dè bỉu. Bốn mươi hai, ở nơi không phải là quê mình, bị bủa vây bởi bao hằn học, bao nhòm ngó, bao nạt nộ… tinh thần mẹ dần hoảng loạn. Mẹ đã gắng gượng, vừa sống để nuôi con, vừa vỗ về mình trong một thế giới riêng. Để rồi khi thằng con lên lớp tám, đủ để nhận biết, đủ để gồng mình lên chống chọi với mưu sinh, mẹ rút vào thế giới của riêng mình: Điên nhiều hơn tỉnh.

Tôi gặp chồng tôi khi hai đứa ngồi chung lớp ở Đại học. Tôi thương anh trước khi yêu anh. Giờ thì tôi thương mẹ sau khi ghét mẹ. Tôi thương mẹ hơn cả thương anh. Kiểu như một món nợ từ tiền kiếp. Thực sự, tôi sinh ra để cho mẹ chứ không phải cho anh. Tôi hiểu mẹ cần gì, biết mẹ thích món ăn nào, không thích cái gì. Tôi, một cô giáo dạy Văn, biết cắt may cũng nhờ mẹ không chịu mặc những bộ quần áo may sẵn tôi mua về.

Từ khi làm dâu mẹ, tôi biết “nhẫn” nhiều hơn. Dù mẹ có nói con dâu khác máu tanh lòng, tôi cũng mặc kệ. Tôi AQ với chính bản thân mình. Mẹ cầm cây đánh tôi thâm tím chân tay, tôi ngồi xoa cao tự nhủ “thương cho roi cho vọt”. Mẹ hất ca nước xúc miệng ướt hết tôi từ đầu đến chân, lại thầm cười “lại được tắm gội thêm lần nữa”. Mẹ sẽ khó chịu và không thèm ăn món ăn tôi nấu mà chồng tôi khen ngon. Tôi phải “quán triệt” với anh lần sau không bao giờ được khen tôi nữa. Chỉ cần thấy anh ăn ngon miệng, ăn hết bữa cơm một cách hào hứng, tôi biết hôm đó món ăn tôi nấu đã thành công. Mẹ ngày càng ghét tôi, có khi tôi đi đằng trước, đằng sau mẹ giơ nắm đấm dứ dứ, kiểu: liệu hồn, có ngày bà cho mày biết tay. Thật không may tôi quay lại bắt gặp. Buồn chứ. Nhưng biết làm sao, mẹ tôi đâu có tỉnh táo bình thường.

Từ khi làm dâu mẹ, tôi có rất nhiều chuyện để kể, nhưng không phải lúc này. Bây giờ tôi phải dừng lại và lo đi cắt móng tay, móng chân cho mẹ đã. Mẹ vừa gọi và ngồi chờ trên giường kia rồi. Không nhanh thì lời nhẹ nhàng hiếm hoi vừa nãy sẽ biến thành điệu lườm nguýt kèm theo cái nghiến răng két két. Mà tôi lại chẳng muốn nghe tiếng nghiến răng của mẹ chút nào…

Trương Thúy (Bình Định)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
6 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Thanh Thanh
Thanh Thanh
1 year ago

Chúc cho mẹ ban luôn mạnh khoẻ, vui vẻ bên con cháu

Trương Thị Thúy
Trương Thị Thúy
1 year ago
Trả lời  Thanh Thanh

Em cảm ơn chị nhiều. Chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc, khỏe mạnh.

Trương Thị Thúy
Trương Thị Thúy
1 year ago

Giờ chỉ hi vọng mẹ luôn khỏe mạnh thôi. Đó là hạnh phúc lớn nhất rồi.

Mai Nguyen
Mai Nguyen
1 year ago

Đọc bài thấy bạn là ng có tấm lòng nhân hậu, chúc mẹ sẽ tỉnh dần lại với tình thương yêu của mn

Trương Thị Thúy
Trương Thị Thúy
1 year ago
Trả lời  Mai Nguyen

Em cảm ơn chị. Năm nay mẹ 80 tuổi rồi ạ. Càng ngày mẹ càng lẫn hơn, vừa do bệnh, vừa do tuổi già. Em chỉ mong mẹ khỏe thôi.

Lan trương
Lan trương
1 year ago

Bài viết rất hay và cảm động.

6
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx