Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Tri kỷ của vợ tôi

Đàn ông cứ nghĩ, cho dù có đi bao xa, làm gì thì phụ nữ vẫn sẽ chờ đợi và cái nơi gọi là “nhà” sẽ không bao giờ đi đâu mất. Đúng là “nhà” không chạy được mất nhưng “nhà” có thể thành hoang hoặc đổi chủ…

Vợ tôi lớn hơn tôi 2 tuổi, cao khoảng mét năm, nặng hơn 40 ký. Vợ tôi chỉ được cái dễ thương chứ không xinh, còn bị tật ở chân trái, đi lại hơi khập khiễng. Tôi thì khác, nhìn một chàng trai cao tới hơn mét bảy chơi đàn ghi ta và hoạt náo giữa đám đông thì đủ biết độ tài hoa, lãng tử và thu hút của tôi đến mức nào.

Ấy thế mà có một người lại chẳng mảy may chú ý khiến cái cục sĩ to bự của một thằng con trai trỗi dậy quyết chinh phục bằng được. Vợ tôi có đôi mắt to tròn cực đẹp. Tôi thích và ám ảnh đôi mắt ấy ngay lần đầu gặp gỡ. Nhớ lại đêm giao lưu các chi đoàn thanh niên khối cơ quan huyện, dưới ánh sáng khi tỏ khi mờ của ánh đèn và lửa trại ngoài trời, cái thân hình nhỏ bé với đôi mắt ấy cứ nép vào một góc, nhìn mông lung, xa xăm như nửa muốn hòa vào nửa muốn trốn chạy nơi nhộn nhịp, sôi động. Không hiểu sao lúc đó trong tôi lại thôi thúc hành động muốn bảo vệ, muốn che chở cho cô gái ấy đến vô cùng.

tri-ky-cua-vo-toi-03
Gia đình của tôi

Sau hơn một năm góp xăng đi cùng từ nơi ở đến chốn làm việc gần 20 cây số, chúng tôi về chung một nhà. Đến nay, chẵn 12 năm với một ngôi nhà cấp bốn, hai thằng con trai và một đống nợ nần. Vợ tôi làm lãnh đạo một cơ quan nhà nước, tôi đã thôi việc và đầu quân cho một công ty bảo hiểm nhân thọ từ năm 2016. Đi công tác triền miên, ở khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ nhiều hơn ở nhà. Gặp gỡ, chia sẻ với đối tác, đồng nghiệp nhiều hơn với vợ, với con. Dự hội nghị, hội thảo, đứng huấn luyện, đào tạo, nói, nói và nói về chính sách, chế độ, về đãi ngộ, về rủi ro, áp lực về doanh số, về target… khiến cho đầu óc, chân tay tôi rệu rã, chỉ cần được đặt mình lên giường là ngủ mê mệt.

Cứ thế, vợ xa chồng, con xa cha, gặp nhau mấy thuở. Rồi những giận hờn, trách móc, phỏng đoán, nghi ngờ. Rồi vợ tôi im lặng, ít nói hẳn. Không còn thường xuyên nhắn tin mỗi sáng, mỗi tối hỏi tôi đi đâu làm gì, công việc ổn không, kể lể chuyện nhà, gọi video trò chuyện cùng con nữa. Những lúc tôi gửi xác định vị trí nơi tôi đến, vài ba dòng tin, hình ảnh báo việc tôi đang làm hay điện thoại, gọi video về thì đáp lại có khi là cuộc gọi nhỡ, dòng trạng thái “đã xem” mà không nói gì, có khi là chờ khá lâu mới có vài dòng hồi âm khá hời hợt cùng vô vàn lý do nghe chừng rất hợp lý.

Tôi thu xếp công việc và về thăm nhà. Phải gần một năm rồi tôi mới lại về với tổ ấm của mình. Nhà vẫn còn đây: gọn gàng, ngăn nắp và rất sạch sẽ. Giờ nhà đã lắp đồng hồ nước sinh hoạt, không còn dùng giếng khoan nữa. Bức tranh thêu chữ thập “Song long bát mã” vợ tôi từng ngồi mỏi cả lưng suốt mấy tháng trời để thêu treo ở tường phòng khách nay đã được di chuyển xuống phòng học của con; trong phòng ngủ, bóng đèn huỳnh quang tuýp dài đã được thay bằng bóng tròn; máy giặt cũ mua lại hồi sinh thằng cu đầu không thấy đâu, vợ bảo bị hư không sửa được nữa nên đã đem bán đồng nát…

Hai thằng nhỏ mừng lắm, tíu tít với ba suốt. Vợ tôi có vẻ ốm đi nhiều, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng tỏ rõ sự thiếu ngủ, mệt mỏi. Về nhà, mỗi ngày, tôi phụ vợ nấu bữa trưa và chở con đi học, cả nhà được dịp quây quần ăn cơm, chơi đùa. Nhưng… vợ tôi lạ lắm. Không hay nói, hay cười như trước. Tôi có cảm giác vợ đi đâu, làm gì cũng như một nghĩa vụ, kể cả đối với tôi. Có đêm chợt thức giấc, thấy vợ còn chưa ngủ mà ngồi ở bàn học của con ghi ghi chép chép, bất giác thấy tôi liền vội vàng cất đi rồi vô nằm với con.

Vợ tôi có thói quen viết nhật ký, tôi biết từ hồi vợ chồng tôi cùng dọn đồ từ nhà thuê qua nhà mới xây. Hơn chục cuốn dày cộm, vợ bảo viết từ hồi học phổ thông, nói là nhật ký chứ lúc nào có cảm xúc thì mới viết. Vợ lấy một cuốn, lật giở một trang và bảo tôi đọc “Gửi đến Song Nguyên – Tình yêu của mẹ”. À, thì ra vợ tôi viết về thời khắc sinh hai đứa con – kết quả tình yêu của chúng tôi. Công nhận vợ tôi viết cảm động thật, tôi nhớ nhất cái đoạn “nhờ sinh con mà lần đầu tiên mẹ được ba ẵm bồng trước bao nhiêu là người trong bệnh viện, mẹ thấy mãn nguyện và hạnh phúc thật nhiều”.

***

Một buổi trưa, vợ gọi điện về bảo đi tiếp khách cùng cơ quan, sau khi cơm nước, chở con đi học, một mình ở nhà, tôi chợt nhớ đến những cuốn nhật ký của vợ.

Ngày…tháng…năm…

Mái lạnh

Chồng làm nghề bảo hiểm nhân thọ, chức vụ cao lắm. Chồng ở trọ trên Plei Ku, cách nhà khoảng 80 cây số, với tốc độ trung bình, đi xe đò mất tiếng rưỡi, đi xe máy khoảng 3 tiếng. Chồng đi công tác suốt, đi 5 tỉnh Tây Nguyên, có khi đi Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn; zalo chồng online 24/24h, chồng thức rất khuya. Số lần, số lượt chồng về nhà đếm trên đầu ngón tay, ngón chân còn chưa hết, cuộc gọi rất ít, tin nhắn khan hiếm, có lúc nhiều ngày liền gọi thuê bao không liên lạc được, tiền gửi về ngày càng ít đi và không đều đặn, những dòng tâm sự, chia sẻ, ước muốn của vợ hầu hết được đáp trả bằng dòng trạng thái “đã xem” và để đó…”

Ngày…tháng…năm…

Khi anh thấy tin nhắn đến của em có nội dung “nói chuyện với em chút đi, nói chuyện gì cũng được” chính là lúc em đang cô đơn nhất, cần người chia sẻ nhất. Thế nhưng, cứ chờ mãi, đợi mãi đến vỡ vụn cảm xúc. Khi anh nghe em gọi điện, bảo rằng sẽ lên thăm anh, muốn đi đâu đó cùng anh, chính là lúc em nhớ anh đến cồn cào, rất mong anh tức tốc về ngay bên em, xoa dịu nỗi nhớ bằng cái ôm siết chặt và nhiều cử chỉ yêu thương khác nữa. Khi anh nghe em nói “em thông cảm cho anh, vì em làm mọi thứ để anh yên tâm với đam mê công việc” không có nghĩa là anh cứ mặc nhiên, vô tư với cảm xúc của em…

Ngày…tháng…năm…

Hơn một tuần vừa chống chọi với bệnh đau vừa lo việc cơ quan, nhà cửa, con cái. Không sự chăm sóc, không lời hỏi han. Nỗi muộn phiền tinh thần càng làm cho sức khỏe suy kiệt, mãi đến giờ khi nằm viết những dòng này vẫn chưa hết bệnh. Cắt phăng mái tóc dài ngang lưng lên đến tận vai trong lúc đang ốm người như một sự quyết tâm rất lớn để thay đổi, cả hình thức bên ngoài lẫn suy nghĩ bên trong…” 

Ngày…tháng…năm…

Giá như tôi được học một khóa quản lý tài chính gia đình trước khi lấy chồng. Giá như tôi không đặt niềm tin tuyệt đối ở người đầu ấp tay gối, người mà tôi nghĩ đã phong trần gió sương có thể nương tựa, dựa dẫm cả đời. Giá như tôi quyết đoán hơn trong giải quyết chuyện vợ chồng, nợ nần. Giá như chồng tôi bỏ một chút suy tư về chuyện nghèo hèn. Giá như chồng tôi không rơi vào vũng lầy của sự cám dỗ để sống lay lắt trong sự trốn tránh, lừa dối, tủi nhục. Cuộc đời không có “giá như” nên cuộc đời thật phũ phàng, tàn nhẫn. Cái giá phải trả thật là đắt…    

Ngày…tháng…năm…

Đàn ông có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về. Và khi nhận ra điều này thì cũng là lúc họ đã đánh mất đi một thứ quan trọng. Đàn ông cứ nghĩ, cho dù có đi bao xa, làm gì thì phụ nữ vẫn sẽ chờ đợi và cái nơi gọi là “nhà” sẽ không bao giờ đi đâu mất. Đúng là “nhà” không chạy được mất nhưng “nhà” có thể thành hoang hoặc đổi chủ…”

Anh sai rồi, vợ ơi!

Song Nguyên (Gia Lai)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3.5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx