Người ta nói, vợ chồng già sống chung nhau cả đời, khi người này ra đi thì người còn lại nhớ nhung héo hắt mà đi cùng. Phải thế chăng mà ba tôi thường xuyên đau ốm và yếu dần. Con cháu lo lắng và dự cảm điều xấu nhất có thể xảy ra…
Gia đình tôi nghèo lại đông anh em. Ba tôi phải làm việc nhiều hơn cho anh em chúng tôi được ăn học, và để không thua kém bạn bè trang lứa. Nhưng các con không phải ai cũng học tốt và đi qua hết chương trình phổ thông. Gia đình lại phải chuyển chỗ ở liên tục vì chiến tranh ngày càng lan rộng. Đứa em kề tôi phải nghỉ học chữ để học nghề khi chưa xong chương trình trung học đệ nhất cấp. Đó cũng là điều mà ba tôi day dứt mãi.
Sau 30/4/1975, gia đình chuyển về quê, một vùng thuần nông từng là căn cứ của cách mạng. Cuộc sống sau chiến tranh mọi gia đình còn nhiều khó khăn, anh em tôi mỗi người một nghề kiếm sống nhưng luôn nhớ lời dạy của ba: “Anh em phải thương yêu, đoàn kết, chia sẻ với nhau… dù trong hoàn cảnh nào.”. Người thì chọn nghề giáo; người chọn buôn bán; người làm nông… điều này dẫn đến kinh tế gia đình mỗi người mỗi khác.
Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội diễn ra mạnh mẽ, anh em tôi cũng không thoát khỏi tình hình chung của xã hội. Người buôn bán tự do thì giàu lên trông thấy; người làm trong nhà nước thì đắp đổi qua ngày; người làm nông thì khó khăn, chật vật về kinh tế. Anh em tôi vẫn nhớ lời ba dạy nhưng cứ gượng gạo khi gia đình có chuyện phải tụ họp đông đủ hoặc có sự đóng góp tài chính cho đại gia đình. Rõ nhất là những ngày giỗ chạp.
Người em thứ Năm có cửa hàng bán tạp hóa ở chợ huyện bao giờ cũng đóng góp nhiều nhất. Tôi thì khiêm tốn hơn vì là công chức nhà nước. Chỉ tội cho đứa em kề tôi làm nghề nông, đóng góp chẳng bao nhiêu, thường lấm la lấm lét như người có tội nên hay ngồi riêng với mấy đứa em gái. Nhìn bên ngoài thì vẫn gắn bó nhưng sự chia cách vì kinh tế đang làm rạn nứt tình cảm trong gia đình tôi, ngày càng xa cách.
Ba tôi nhìn thấy và biết hết. Ông giải quyết theo kiểu của người cha là quy định số quà các con mang về không được vượt… để đứa nghèo khỏi mặc cảm. Nhưng em Năm nói:“Chuyện đóng góp là tự nguyện, con làm ăn thuận lợi, có của cải dư thừa là nhờ hồng phúc của gia đình, của cha mẹ… Con lo thay phần nào cho ba má và anh chị em là điều tất nhiên. Khỏi cần lăn tăn suy nghĩ…”. Biết là thế, nhưng người đóng góp ít vẫn cứ… thấy mình như thiếu trách nhiệm và có lỗi. Chuyện vẫn còn âm ỉ thì má tôi mất.
Ngày mở cửa mả cũng là ngày xây mộ kiên cố cho má. Tôi là con trai trưởng nhưng lương công chức ít ỏi nên chỉ đưa ra ý kiến là tất cả đều đóng góp theo khả năng và xây mộ theo số tiền có được. Năm thì cương quyết: “Anh chị em góp bao nhiêu thì góp, còn lại… em lo. Anh chị muốn xây như thế nào? À, ba có muốn giữ cho mình một chỗ bên cạnh má không? Xây luôn mộ gió… chờ hiệp táng!”. Ba tôi chỉ biết cười mà rươm rướm nước mắt: “Ai tiền bạc ít thì góp công cán nhiều”.
Trong những ngày xây mộ mẹ, anh em tôi quây quần bên ba. Chúng tôi trở thành những đứa trẻ như chưa hề có gia đình riêng bên người cha già yếu. Ba tôi lại nhắc: “Anh em phải thương yêu, đoàn kết, chia sẻ với nhau… dù trong hoàn cảnh nào.”. Tôi thay mặt ba tổng kết: “Sự đóng góp theo sức của mình mà không so đo, tị hiềm là sự chia sẻ, đoàn kết rồi. Còn gia đình ta sum họp như thế này là thể hiện sự yêu thương… Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng biết cảm thông và nâng đỡ nhau là quý lắm.”. Chưa bao giờ tôi thấy gia đình tôi gắn bó như lúc này. Ba tôi ngồi trầm ngâm hút thuốc bên tách trà ra chiều suy nghĩ ghê lắm.
Một hôm, ba tôi gọi tất cả anh em về rồi nói:
– Ba già rồi như lá khô trên cành, chỉ cần ngọn gió nhẹ là rơi. Nay ba muốn nói rõ mảnh đất và cái nhà này…
Linh cảm như có điều gì bất thường, chúng tôi gần như đồng tình:
– Ba lại lo nghĩ lung tung rồi. Hãy vui sống đi! Chúng con biết xử lý chuyện nhà mà.
– Không! Tao còn minh mẫn đây thì nói rõ để sau này các con cứ theo đó mà làm. Rồi ông tiếp như sợ mấy đứa con cướp lời.
– Đám ruộng thì cho thằng Tư vì nó chuyên nông. Mảnh đất và ngôi nhà này giao cho thằng cả để có chỗ hương hỏa sau này.
Anh em chúng tôi yên lặng nghe, xem như một di chúc miệng mà không có ý kiến gì. Tôi biết trách nhiệm con trưởng trong gia đình sẽ đè trên vai tôi. Cái tài sản này không có giá trị lớn ở quê nghèo. Mảnh đất và cái nhà trong con hẻm nhỏ ở nông thôn thành nơi níu giữ chân tôi, có thể sau này đến lượt con tôi.
Người ta nói, vợ chồng già sống chung nhau cả đời, khi người này ra đi thì người còn lại nhớ nhung héo hắt mà đi cùng. Phải thế chăng mà ba tôi thường xuyên đau ốm và yếu dần. Con cháu lo lắng và dự cảm điều xấu nhất có thể xảy ra. Một chiều, thằng Sáu kéo tôi vào góc vườn thầm thì:
– Ba yếu lắm rồi… anh hãy nói với ba chia lại đất đai chứ sao không nhắc đến phần em…
Tôi thật sự xốc! Vợ chồng Sáu có một cửa hàng buôn bán nhỏ ở ngoài lộ, thật sự không cần đến mảnh đất trong xóm như thế này. Mà sao tự nhiên giờ này lại có ý kiến như thế. Có ai xúi bẩy gì không…
– Sao trước đây khi ba còn khỏe em không có ý kiến?
– Thấy ai cũng hổng có ý kiến gì…
– Thôi, thì tối nay hội ý…
Khi anh em đã đông đủ, tôi nói:
– Một đời ba má khổ cực vì anh em chúng mình. Má thì đã mất, ba cũng đã yếu lắm rồi, chẳng biết bao giờ đi gặp má. Hôm trước, ba muốn cho Tư mảnh ruộng và anh mảnh đất có ngôi nhà. Đất và ruộng ấy không thể cầm lòng mà bán đi. Anh tính như thế này…
Sáu nóng lòng:
– Tính gì thì nói ra đi.
– Xây nhà mới cho ba.
– Xây nhà mới cho ba?
– Ừ! Có nghĩa là xây mộ. Một đời ba chỉ sống trong những căn nhà nhỏ ọp ẹp. Thôi thì sống cái nhà già cái mồ, Chúng ta lại trùng tu, ốp đá mộ hiệp táng của ba má. Coi như xây nhà mới cho ba má….
– Tiền bạc đâu?
– Thì ai nhận mảnh đất và ngôi nhà để làm từ đường này chịu kinh phí như thằng Năm lúc trước.
Ai cũng có lý do để không nhận. Năm thì lo cho cửa hàng. Tư thì chuyên ruộng, không quen làm đất màu. Sáu thì có quán tạp hóa ngoài lộ… Thế thì… tôi phải nhận.
Năm lại đưa ra ý kiến:
– Khi làm xong nhà mới cho ba má, ai góp được bao nhiêu thì góp. Số còn lại chia ba; tôi chịu một phần vì hưởng hồng phúc ba má nhiều hơn, anh cả hai phần vì nhận được từ đường. Nói xong, cười vui vẻ.
Ba tôi nghe được chuyện thì vui lắm. Ông nói:
– Khi nào làm xong mộ, các con cho ba đến nhìn ngôi nhà mới từ sự thương yêu, đoàn kết, chia sẻ với nhau của các con nghen.
Anh em chúng tôi lại cười mà lòng rươm rướm nước mắt!
Ngô Văn Cư (Bình Định)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Đọc bài viết của anh làm em nhớ và yêu gia đình mình nhiều hơn
Vâng, chỉ cần được như thế là tốt rồi.
Bài viết hay và cảm động, chúc anh Hai thành công.
Chuyện nhà mình đã có thể thành một truyện dài đầy tính nhân văn rồi. Đây chỉ là lát cắt nhỏ. Chúc em vui
Hi
Có để dấu là tốt rồi.
Chữ tình.
Vâng! Cảm ơn đã nhận xét
Bài viết hay. Thấm đẫm tình cha con, anh em, gia đình. Cảm ơn tác giả
Cảm ơn đã đọc và cảm nhận.
Bài viết hay và cảm động lắm! Sống trong một gia đình như thế này thật là hạnh phúc! Chúc mừng tác giả có một gia đình mà tôi cũng mơ ước . Mến chúc đại gia đình tác giả bình an, hạnh phúc.
Vâng, chị. Gia đình anh em vẫn đang sống rất hòa thuận nhờ ba tôi là trung tâm đoàn kết và yêu thương. Cảm ơn lời khen.
Bài viết hay, cảm ơn tác giả
Cảm ơn đã đọc và khen tặng. Chúc ngày mới an lành.
Bài mộc mạc đi vào lòng người
Vâng, cái chính là chân thật.
Bài viết có diễn biến hợp lý, tình cảm gia đình được bộc lộ chân thật. Cảm ơn tác giả.
Cảm ơn nhận xét. Đây là chuyện viết thật nên… chân thật.
Đọc bài của tac gia tội lại nhớ đến ba,một người suốt đời chỉ biết làm và hết lòng yêu thương con cháu,bài viết hay và cảm động lắm tác giả.Cam ơn tác giả
Rất vui là đã đọc và cảm nhận.