…Tôi nhớ làn da đồi mồi luôn che cho mình khỏi nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Tôi nhớ vòng tay ấm áp ôm mình đung đưa trên võng mỗi khi Sài Gòn đón bão. Tôi nhớ nhà, với tôi, nhà không cần quá lớn, chỉ cần có ông nội!!!
Tôi lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc và nuôi nấng của ông bà nội. Từ ngày nhỏ, tôi luôn thắc mắc vì sao người đưa mình đến trường, dắt mình dạo công viên, mua đồ chơi, mua bánh kẹo lại là ông nội. Bạn bè đồng trang lứa thường khoe về kỳ nghỉ ở biển với ba mẹ hay những món quà được thưởng khi đạt học sinh giỏi,… Tôi nghe, im lặng, mím môi thầm nghĩ rằng dù sao các bạn cũng không có cảm giác được ông bà chăm sóc như mình.
Thật ra ba mẹ tôi rất bận, họ ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về vào tối muộn. Công việc bắt họ phải thế, tất cả cũng vì trang trải lo cho tôi ăn học. Tôi không có lý do gì để đòi hỏi họ dành thêm thời gian chơi đùa cùng mình. Dần lớn lên, điều đó thành thói quen và thay vì đợi ba mẹ đi làm về, tôi bám theo ông nội suốt ngày như cái đuôi nhỏ.

Ông nội cao gần một mét tám nhưng dáng người rất gầy. Hồi tiểu học, trong đề văn tả ông bà em, tôi có viết: “nhìn ông từ đằng xa em liên tưởng hình ảnh cây tre biết đi”. Nét mặt ông nội với mọi người xung quanh lúc nào cũng nghiêm nghị, riêng với tôi thì không. Mọi thứ trong nhà đều do một tay ông nội tự làm, kể cả chiếc bàn học đầu đời của tôi ông cũng tự mua gỗ về đóng. Ông phát minh ra đủ thứ vật dụng ngộ nghĩnh mà chỉ nhà tôi mới có, mỗi lúc như vậy trông ông nội y hệt mấy nhà phát minh. Dù có khi vài tác phẩm làm ra bị cả nhà phản bác, thì trong mắt tôi ông nội vẫn thật vĩ đại!
Bà nội kể, lúc còn trẻ ông lái xe cho một quan chức nhà nước, sau giải phóng thì về quê làm ruộng, dành dụm được chút ông lên thành phố lập nghiệp. Cuộc đời của ông bôn ba khắp nơi, làm đủ các nghề, cốt để vun vén cho gia đình và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Con cái yên bề gia thất, ông nội vẫn không nghỉ ngơi mà nuôi bồ câu, vừa là cách thư giãn tuổi già vừa có thu nhập kinh tế. Đến khi dịch cúm gia cầm bùng phát, ông buồn rười rượi nhìn người ta mang hết bồ câu đi thiêu hủy. Ở nhà suốt ngày nhàm chán, ông giành phần đưa đón tôi đi học mỗi ngày, thời gian rảnh thì chạy xe ôm kiếm thêm.
Ngày đầu tiên đến trường của tôi là ông nội dắt tay dẫn vào. Trường mẫu giáo tôi học cũng là ông nhờ quen biết mới xin được. Sau này ông kể, vì ngày xưa thấy trường mẫu giáo gần nhà không có sân chơi rộng rãi nên ông tìm cách xin cho tôi vào học tại trường gần khu trung tâm. Tan học lúc nào ông nội cũng mua cho tôi bánh, hôm nào được phiếu bé ngoan thì ông mua cho đồ chơi mới.
Trong ký ức một đứa trẻ, ông nội đã đưa tôi đi nhiều nơi, kể với tôi nhiều câu chuyện, hát cho tôi nghe nhiều bài,… Nhưng đến tận bây giờ, tôi chỉ nhớ rõ nhất hình ảnh mùa chò nâu. Ông nội thích ra công viên Tao Đàn hóng gió, và đương nhiên tôi luôn được đèo theo. Con bé chập chững tò mò về mọi thứ xung quanh trong thế giới mà nó đang lớn lên, nó thấy những quả chò nâu uốn lượn trong không trung như con chuồn chuồn đang múa. Ông nội nhặt cho tôi rất nhiều quả chò để mang về khoe với bà nội. Ông cháu tôi còn thi nhau xem ai bắt được nhiều quả chò đang rơi nhất. Ông nội nói: “chò nâu là người tình của gió”, dĩ nhiên lúc đó tôi chỉ biết cười hè hè rồi chạy theo đám chò đang thả mình tự do.
Trường tiểu học của tôi rất gần nhà, ấy thế mà ông nội vẫn đưa đón đều đặn vì sợ tôi đeo cặp nặng. Tuổi học trò có lẽ sẽ buồn chán nếu thiếu những trò quậy phá. Và mỗi lần giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh thì ông nội luôn là cứu viện cho tôi. Cả tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, ông nội chưa lớn tiếng với tôi lần nào. Ông khác hoàn toàn lúc nổi cáu với ai đó trong nhà, luôn dạy dỗ đầy ngọt ngào hoặc kể cho tôi nghe câu chuyện chứa đựng hàm ý ông muốn nói. Đó cũng là điểm tôi ngưỡng mộ nhất ở ông.
Lên cấp hai, có khoảng thời gian tôi học ngoại ngữ tại trung tâm của trường Đại học Sài Gòn. Ông nội đã đến tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn không để tôi đi một mình. Sức khoẻ không còn như trước, ông nội cũng không còn ra công viên Tao Đàn vào mùa chò nâu. Ông ngồi đợi tôi dưới sân trường đại học, nhìn các cô cậu thanh niên phơi phới tuổi trẻ, có lẽ ông đang mường tượng lại thanh xuân của mình. Ông nội kể đi kể lại ý nghĩa của bức tranh Đông Hồ Vinh Quy Bái Tổ, ông muốn sống đến ngày thấy tôi học hành đỗ đạt, công thành danh toại. Lúc đó, tôi cũng chưa đủ lớn để thấy những lời dạy của ông thật sâu sắc. Tôi chỉ biết, cảm giác ở bên cạnh ông nội luôn ấm áp, an toàn và vui vẻ nhất!
Còn hơn một tháng nữa là tôi tốt nghiệp lớp 12 rồi lên đại học. Những tưởng ông nội sắp chờ được ngày mình mong đợi bấy lâu, vậy mà ông ra đi, đột ngột. Một buổi sáng tôi đến trường, hôm nay có bài thuyết trình quan trọng. Tôi vừa kịp thở phào khi giáo viên cho điểm tối đa thì nhận được điện thoại báo tin ông nội qua đời. Chỉ trước đó vài giây, tôi còn nghĩ tan học sẽ về nhà thật nhanh để khoe với ông như từ xưa đến giờ vẫn vậy. Thế mà tan học xong tôi cũng về nhà thật nhanh, nhưng là để gặp ông lần cuối. Ông ra đi trong giấc ngủ, bất ngờ và nhanh như cơn gió lay mình đón quả chò nâu rơi khỏi thân cây.

Đã vài năm trôi qua, tôi vẫn giữ thói quen mang giấy khen, phần thưởng ở trường về đặt lên bàn thờ khoe ông nội. Thỉnh thoảng tôi đi ngang công viên Tao Đàn và nhìn thấy những “người tình của gió” uyển chuyển như vũ công phô ra vũ điệu mê hoặc nhất. Chỉ khác là không còn ai nhặt cho tôi những quả chò nâu, hát mấy bản nhạc sên sến và mua bánh cho tôi ăn. Căn nhà tôi ở cũng thay đổi, rộng rãi hơn, khang trang và hiện đại hơn. Chỉ khác là mọi vật dụng đều được mua từ cửa hàng nội thất chứ không phải tự làm ra. Tôi đưa bà nội đi du lịch nhiều nơi vì tiếc rằng trước đây còn quá nhỏ để có những chuyến đi xa cùng ông nội. Tôi cũng chụp thật nhiều hình với bà nội vì ngày xưa điều kiện khó khăn nên tôi chẳng có bức ảnh nào cùng ông nội cả. Tôi muốn làm thật nhiều, để nếu một ngày bà cũng bỏ tôi đi mà chẳng nói lời cuối cùng nào như ông thì ít ra tôi vẫn còn thật nhiều kỷ niệm để nhìn khi nhớ về.
Tôi nhớ làn da đồi mồi luôn che cho mình khỏi nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Tôi nhớ vòng tay ấm áp ôm mình đung đưa trên võng mỗi khi Sài Gòn đón bão. Tôi nhớ nhà, với tôi, nhà không cần quá lớn, chỉ cần có ông nội!
Phạm Anh Thư (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Lịch cắt tóc tháng 2/2021: Tóc mới vui Xuân phơi phới
- SIXDO Fall-Winter 2021: NTK Đỗ Mạnh Cường khuấy động làng thời trang sau dịch
- Herbalife Nutrition công bố kết quả Khảo Sát Dinh Dưỡng Bền Vững tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương
- Khảo sát của Herbalife Nutrition: 54% người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy sức khỏe không ở mức tốt nhất
- Piaggio Việt Nam vinh danh chuyên môn xuất sắc của đại lý toàn quốc