Đêm đó tôi đã ngồi bên ông không muốn rời xa, Ông vừa được lau mình thay đồ mới như chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Ông mặc áo vest mang giày tây trông rất lịch lãm, nhìn ông bình thản, nhẹ nhàng như đang nằm ngủ. Bà tôi khóc thút thít, thỉnh thoảng lấy tay ông xoa xoa làm ai cũng nghẹn ngào…
… “Ai về Bình Định nghĩa tình
Người dân xứ Nẩu chân thành mến thương
Bốn mươi năm một chặng đường
Chung tay xây dựng quê hương đẹp giàu.”
(Ai về Bình Định – Lê Đức Lang)
Tôi sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Bình Định, quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, hơn 200 năm đã trải qua những dấu ấn về phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn vẫn còn lưu danh.

Gia đình tôi ba thế hệ chung sống cùng nhau đó là ông bà ngoại, ba mẹ và anh chị em tôi. Ba mẹ tôi ở với ông bà ngoại từ khi cưới nhau cho đến bây giờ. Đó chính là lí do, chị em chúng tôi có tình cảm đặc biệt gần gũi đối với ông bà ngoại đến thế.
Mẹ kể rằng, tôi là đứa cháu ngoại đầu tiên nên khi vừa chào đời tôi đã làm cho ông hạnh phúc biết mấy. Ông chạy đi khoe khắp xóm về đứa cháu mới sinh của mình. Ông bà thay nhau chăm chút tôi, mẹ tôi cũng đỡ vất vả hơn. Lớn hơn một chút, chiều chiều ông để tôi ngồi sau yên chiếc xe đạp chở đi lòng vòng trên những con đường làng có rặng tre rì rào trong gió, những cánh cò trắng bay trên cánh đồng lúa xanh rì tít tận chân trời.
Khi tôi vào lớp 1, ngày đầu tiên đi học cũng là ông chở tôi đến trường. Tôi vừa đi vừa khóc vừa níu tay ông đòi về. Ông ôm tôi vỗ về an ủi. Cứ thế, tuổi thơ tôi luôn có ông bên cạnh với biết bao kỷ niệm gắn bó cùng những ký ức đẹp bên ông ngoại tôi.
Lên cấp ba, tôi thi đậu vào một trường ở thị trấn nên phải ở trọ lại. Ngày tôi cầm giấy báo nhập học trên tay, người đầu tiên tôi báo tin vui cũng là ông. Ông cười hiền hậu xoa đầu tôi dặn dò tôi đủ thứ khi đi xa nhà.
Tôi đi học xa, chắc ông buồn lắm, vì cứ mỗi cuối tuần tôi đạp xe về thăm, vừa vào đến sân đã thấy ông ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ trước hiên nhà, mắt ông nhìn xa xăm. Tôi chưa kịp chào, ông đã reo lên: “Hiền, về hả?”. Mắt ông sáng lên, ông vui ra mặt, rồi hai ông cháu luyên thuyên về chuyện trên trời dưới đất, tôi chả nhớ rõ nhưng rất là vui.
Buổi tối, gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm bà ngoại nấu. Bà còn minh mẫn và khỏe hơn ông. Bà nấu những món rất ngon mà ông thích và cả nhà tôi cũng quen thuộc với những món của bà, khi đi xa tôi cứ nhớ mãi. Rồi vui miệng bà kể chuyện ngày xưa cho chị em tôi nghe. Bà hay kể về ông hồi trẻ với sự ngưỡng mộ, mỗi lần như vậy, ánh mắt bà sáng lên niềm tự hào. Bà kể ông là một nông dân chính hiệu, ông rất am hiểu về chăn nuôi, trồng trọt và cây trồng mặc dù chẳng được đào tạo bài bản.

Năm 2007, tôi thi đậu Đại học và rời quê nhà để vào Sài Gòn học tập. Cũng từ ấy, tôi ít về nhà hơn, chỉ đến tết tôi mới được gặp ông. Sau này, tôi lập gia đình ở lại thành phố lập nghiệp. Giữa bộn bề lo toan cuộc sống, thời gian tôi bên ông ngày càng ít lại. Mỗi lần về quê, tôi cũng chỉ ở được một tuần là nhiều.
Tôi nhớ mỗi lần về nhà lúc còn ông khỏe, ông bà cùng nhau gói bánh tét thật vui, vợ chồng con cái tôi có những ngày vui vẻ, thoải mái bên ông bà. Lần nào chào ông để về thành phố, ông đều dúi vào tay tôi chút tiền giống như hồi tôi còn bé ông hay cho tôi tiền đi học. Những lúc ấy khóe mắt tôi cay, không muốn xa ông, xa nơi này. Dù giờ tôi đã ngoài 30, nhưng đối với ông tôi vẫn là đứa cháu bé bỏng.
Ngày 29/10/2020, là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi. Hôm ấy đang trong đợt bão miền Trung, buổi chiều đi làm về tôi nhận được cuộc điện thoại của mẹ, mẹ báo ông đi viện đang nằm cấp cứu, rồi mẹ khóc. Tôi lo lắng, linh cảm điều gì đó nhưng hi vọng đừng xảy ra. Rồi tôi báo mẹ sẽ thu xếp về, lòng rối bời. Đến tối mẹ lại gọi, tôi cầm điện thoại tay chân run lẩy bẩy chưa kịp a lô, mẹ báo ông mất rồi con. Lặng im, hai khóe mắt cay xè, lăn dài trên má. Tôi cùng chồng thu xếp đặt vé máy bay, hi vọng được gặp ông, nắm lấy đôi tay ông lần cuối…
Trong suốt chuyến bay về nhà, tôi không thể nói gì, lòng đau khó tả. Đường về nhà chỉ có tiếng rưỡi sao nay dài quá. Xuống sân bay bắt ngay taxi về nhà, vẫn con đường quen thuộc ấy nhưng nay thấy trống vắng quá… Từ xa xa tôi đã thấy cờ đám tang treo ở cổng làng. Tôi mím chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Xe vừa dừng ở ngõ, tôi chạy ngay vào nhà nhìn về phía phòng ông mà quên cả hai đứa con lẫn hành lý trên xe. Mọi người ngồi xung quanh, ai cũng mắt đỏ hoe. Tôi không kìm nén nữa khóc thật to.
Ông tôi nằm đó, bình thản như đang ngủ, ông vẫn mặc bộ đồ birama quen thuộc, hơi cũ và sờn chỉ ở lai quần, chỉ khác là tấm khăn trắng che phủ mặt ông. Tôi xin phép người lớn lấy khăn để nhìn ông. Ông không nắm tay tôi nữa, bàn tay ông lạnh, người ông cũng lạnh…
Đêm đó tôi đã ngồi bên ông không muốn rời xa, Ông vừa được lau mình thay đồ mới như chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Ông mặc áo vest mang giày tây trông rất lịch lãm, nhìn ông bình thản, nhẹ nhàng như đang nằm ngủ. Bà tôi khóc thút thít, thỉnh thoảng lấy tay ông xoa xoa làm ai cũng nghẹn ngào. Bà nói: “ông mày bỏ tao đi rồi, tao sống với ai.”
Ba ngày tiễn ông về thế giới bên kia, ông xuống suối vàng sẽ gặp lại ba mẹ và con của ông, chắc chắn ông sẽ mãi nhớ về mọi người, về đứa cháu gái này. Cầm từng cánh hoa rắc lên quan tài ông mà lòng tôi quặn thắt, nước mắt không còn rơi nhưng tim tôi nghẹt lại. Ông về thế giới kia, có lẽ ông sẽ không muốn thấy tôi đau khổ phải biết chấp nhận sự thật này, đơn giản đời người ai cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng ông ngoại ơi, dù biết trần gian này là cõi tạm nhưng con vẫn chưa sẵn sàng nói lời từ biệt.

Đời người là vô thường, hãy dành nhiều thời gian gặp nhau, chăm sóc những người mình yêu thương đặc biệt là ông bà, cha mẹ. Vì lần gặp nào cũng có thể là lần cuối.
Từ ngày ông mất, tôi dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình, thấy trân quý từng khoảnh khắc hạnh phúc đang có. Vì những gì đã qua sẽ không bao giờ quay trở lại.
Mỗi người luôn có một câu chuyện gì đó để kể về cuộc đời, về gia đình riêng mình. Và ông ngoại là niềm tự hào, hạnh phúc khi nói về gia đình tôi. Ông đã đi xa nhưng tôi vẫn nhớ về ông, nỗi nhớ không diễn tả thành lời. Ông ngoại ơi! Con nhớ ông!
“…Thôi thế từ đây đã chôn vùi
Hình hài yêu dấu ngoại của tôi
Tình thân như đã vào cát bụi
Chẳng khóc mà sao vẫn ngậm ngùi…”
Ngày tháng năm: xưa xưa lắm!
(Donna Mai Hồng Thu)
Lưu Hiền (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Đọc bài của bạn mà mắt mình ướt nhòe, Cám ơn tác giả về bài viết nhiều cảm xúc.
💖💖💖💖💖💖💖💖💖💖
Cảm ơn anh rất nhiều ạ!
Tôi trân trọng tình cảm tác giả dành cho ông.
Cảm ơn chị nhiều ạ!
Kỉ niệm tuổi thơ ai đã từng. Cảm ơn tác giả.
Thương ông❤ cảm ơn tác giả.
Con đường ấy vẫn còn đây, ông đã đi xa. Bài viết dạt dào cảm xúc.
Ước gì thời gian quay trở lại, bài viết đưa người đọc dâng trào cảm xúc.
Nhớ cái xoa đầu ấy, giờ mãi mãi không còn. Bài viết hay.
Nỗi đau mất người thân rất khóc tả.
Ông bà thật có phúc, gđ nhiều thế hệ cùng chung sống.
Cảm ơn Người Con Xứ Nẫu nhé!