Chiều hôm đó má kêu anh Hai nấu cơm cho cả nhà. Anh Hai nào giờ đâu có nấu cơm mà chuyên lãnh những việc nặng, cần sức đàn ông như: Làm rẫy, chẻ củi, xách nước… Nên sau khi cơm chín má bảo anh nhìn vô nồi cơm thì ôi thôi bao nhiêu cái lỗ, má hỏi con có chọt đũa vô không?…
Dù xã hội đổi thay hay phát triển đến đâu, gia đình vẫn là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn. Ở nơi đó có tình người, hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc nhưng vô cùng thiêng liêng, là cái nôi ấm áp mà chúng ta có được từ lúc chào đời để đưa chúng ta đến với thế giới tươi đẹp này.
Anh chị em tôi giờ đã có gia đình riêng, chúng tôi đã trở thành một đại gia đình lớn, hàng năm đều hẹn trở về họp mặt bên nhau, để cùng ôn lại những khoảng thời gian nhọc nhằn khó khăn, gian khổ nhưng chứa chan tình cảm yêu thương, gắn bó.
Ba tôi mất khi anh hai chưa tròn 16 tuổi, em trai út thì vừa lên 4. “Mẹ góa con côi” một nách 7 con thơ dại, sàn sàn xê xích năm một, năm đôi, vì vậy mọi việc trong nhà cứ đứa lớn trông đứa bé, tự bảo ban chăm lo cho nhau. Phần má chạy chợ buôn bán đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương để kiếm tiền nuôi bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn cũng đủ hết thời gian lẫn sinh lực.
“Quyền huynh thế phụ” mọi việc trong nhà anh Hai tôi là người cắt đặt cho bầy em nhỏ, anh phân công, chia việc trên bảng cho 4 chị gái. Sáng, trưa, chiều nấu cơm, lau nhà, giặt đồ,.. cho từng người, riêng tôi và em trai còn nhỏ chỉ có giờ học, giờ ngủ trưa và vệ sinh cá nhân.
Mỗi tối sau khi cơm nước dọn dẹp đâu vào đấy, là đến giờ học. Anh như thầy giáo kiểm tra việc học của từng đứa, mỗi lần như thế thế nào chị em tôi cũng bị ăn thước khẻ vô tay, đặc biệt là khi học bảng cửu chương và tôi là đứa bị khẻ nhiều nhất:
– Ba nhân sáu bằng mấy?
– Mười tám.
– Giỏi. Ba nhân bảy hai mươi mốt đúng không?
– Đúng!
– Giỏi. Ba nhân chín hai mươi bốn đúng không?
– Đúng!
– Đúng nè. Thế là một khẻ vì cái tội học a ma tơ…
Không chỉ riêng tôi, mà hầu như trong nhà đứa cũng bị cái chiêu dạy học mớm sai này của anh. Nhờ vậy mà mấy chị em tôi sau này tính toán rất nhanh và ai cũng ham học toán. Mấy đứa em đều phải công nhận anh là người thầy dạy toán đầu tiên trong đời.
Một lần đến phiên chị Ngọc nấu cơm, chị Ngọc là con gái nhỏ nhất trong nhà mà rất ham chơi, mà chơi thì phá dữ nhất trong mấy chị em gái. Đến giờ cơm, anh phát hiện cơm chưa xới và trên mặt có những lỗ tròn tròn. Khi ăn xong, anh Hai tôi phạt chị Ngọc dọn dẹp rửa chén và bắt quì gối không cho ngủ trưa vì tội lấy đũa chọt vào nồi cơm.
Hôm đó má tôi về sớm hơn mọi lần, thấy chị Ngọc đang bị phạt má hỏi cớ sự rồi cho chị đi ngủ. Chiều hôm đó má kêu anh Hai nấu cơm cho cả nhà. Anh Hai nào giờ đâu có nấu cơm mà chuyên lãnh những việc nặng, cần sức đàn ông như: Làm rẫy, chẻ củi, xách nước… Nên sau khi cơm chín má bảo anh nhìn vô nồi cơm thì ôi thôi bao nhiêu cái lỗ, má hỏi con có chọt đũa vô không? Anh Hai thưa má là không. Lúc này má mới giải thích cho tất cả các con hiểu, cơm sôi rút nước bay hơi sẽ có hiện tượng đó, vì vậy hồi trưa con phạt oan em, là con đã sai. Thế là má bắt anh Hai nằm trên phản cho mấy roi, sau mỗi nhịp roi là má chỉ rõ từng lỗi mà anh đã phạm
Roi thứ 1: Tội gia trưởng.
Roi thứ 2 :Tội ỷ thế làm càn.
Roi thứ 3: Tội không đứng về phía em để tìm hiểu nguyên nhân.
Còn lại cho nợ 7 roi
Giờ đây, anh em tôi như đàn chim trưởng thành bay đi khắp nơi. Nhưng mỗi khi có dịp họp mặt mấy anh em đều nhắc lại bài học từ NỒI CƠM CÓ LỖ của má. Đó là một trong những kỷ niệm thời thơ ấu của anh em tôi cũng là bài học má muốn dạy chúng tôi vào đời. Trong cuộc sống cần phải có sự thấu hiểu, cảm thông. Đứng trước một vấn đề luôn phải tìm hiểu nguyên nhân để hành xử cho đúng. Phải biết lắng nghe, chia sẻ để không mắc những sai lầm đáng tiếc. Để mọi việc cuối cùng sẽ đâu vào đó và ai cũng cảm thấy hạnh phúc, bởi vì:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi… (TCS).
Huỳnh Long (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Azerai Cần Thơ bổ nhiệm ông Ricardo Luján làm bếp trưởng mới
- NTK Trần Hùng chính thức là thành viên nhà thiết kế của hiệp hội thời trang Anh Quốc
- Cục Nợ Hóa Cục Cưng hứa hẹn sẽ bùng nổ cảm xúc cho khán giả mọi lứa tuổi
- Đón tết nhận lì xì từ L’angfarm
- “Bespoke” chất riêng của bản ngã – xu hướng nội thất 2020
Đọc xong thấy gia đình mình sao dễ thương ghê,
Cảm ơn nhiều nè.
Tác giả viết một góc nhỏ về gia đình thôi mà cũng đủ thấy quá tử tế và ngọt ngào
Ngọt ngào hương vị tính thâm ha, cảm ơn hen.
Tờ báo này tổ chức cuộc thi viết về chủ đề gia đình – nơi cho các anh chị thỏa thích thể hiện tất cả các mối quan hệ gia đình xấu có tốt có và dưới tay viết của các tác giả thì xấu cũng thành tốt và tốt thì sẽ tốt hơn chúc mừng tất cả các tác giả.
Vâng cảm ơn nè.
Bải viết hay quá, nó gần gũi ghê, ấm áp ghê và cũng thật hạnh phúc
Rất vui vì bạn đã thích nha.
Mộc mạc chân tình theo cách của người miền trung hen, đúng không tác giả ui
Vâng cảm ơn, đúng là người miền Trung ạ.
Bài viết hay về lối sống và nề nếp gia đình, đơn giản nhưng ngọt ngào
Cảm ơn bạn rất nhiều ha.
Nồi cơm có lỗ….
Nhiều lỗ chứ ha, cảm ơn nhé.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Cho nhẹ nhàng ha.
Hay lắm tác giả
Cảm ơn bạn nè.
là tình anh em thật đẹp
Hương vị tình thân ha.